Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn vì Trump và Clinton tẩy chay TPP

An Sơn |

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ gần đây thể hiện sự đồng quan điểm về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một tín hiệu khiến "kẻ đứng ngoài" như Trung Quốc vui mừng.

Tác giả Steven Keithley viết trong bài phân tích trên tạp chí Diplotmat cho hay, tháng trước chứng kiến một sự đồng nhất hiếm hoi trong quan điểm chính sách giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất nước Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Các ứng cử viên còn lại hiện nay của hai đảng là Donald Trump và Hillary Clinton đã có bài phát biểu "gần như giống nhau" trước thềm Đại hội của mỗi Đảng, theo đó cả hai đều cam kết bảo vệ người dân Mỹ khỏi các "thỏa thuận thương mại không công bằng".

Ông Keithley cho rằng, bất kỳ một ai đủ tinh tế đều có thể nhận ra rằng điều này ám chỉ đến TPP, một hiệp định tự do thương mại vẫn đang chờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn giữa Mỹ và 11 nước ven biển Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, cả ông Trump và bà Cliton đều tuyên bố xem TPP là một "điều tồi tệ" với tầng lớp lao động ở Mỹ, đồng thời cam kết sẽ bác bỏ hiệp định này một khi đắc cử.

Nói cách khác, dù ai trong hai nhân vật này trở thành Tổng thống tiếp theo, khả năng TPP gặp trở ngại là rất lớn.

Mặc dù sử dụng tất cả những "mỹ từ" về cam kết bảo vệ việc làm và nền công nghiệp cho người dân Mỹ, nhưng điều mà hai ứng viên dường như không lường được là bên duy nhất hưởng lợi nếu TPP bị xóa bỏ không phải là những người lao động vốn chiếm một lượng lớn phiếu bầu, mà là nước bị họ "lên án" hơn cả TPP: Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn vì Trump và Clinton tẩy chay TPP - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dự một phiên họp về TPP tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia ngày 20/11/2012. (Ảnh: White House)

Trung Quốc được lợi thế nào nếu tân Tổng thống Mỹ "tẩy chay" TPP?

Keithley phân tích, khẳng định của cả hai ứng viên Tổng thống rằng sẽ bác bỏ TPP để bảo vệ người lao động Mỹ khỏi dòng chảy nhập khẩu hàng hóa từ nước khác vào Mỹ và để bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ là hết sức mang tính chủ quan.

Có rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy khẳng định đó là không có cơ sở, như báo cáo của Cục Nông nghiệp Mỹ nói rằng xuất khẩu nông nghiệp hàng năm của Mỹ sẽ tăng 5,3 tỉ USD; hay nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đông Tây (East-West Center) cho thấy xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sẽ tăng gấp đôi khi TPP được thực thi.

Những dữ liệu đó đã cung cấp một vài căn cứ, ít nhất là đủ để kết luận phán đoán của Trump và Clinton là không có cơ sở, đồng thời để ngỏ khả năng sự đổ vỡ của TPP sẽ gây tổn hại đến chính tầng lớp lao động và trung lưu ở Mỹ.

Một điều chắc chắn không thể bàn cãi đó là việc TPP bị đổ vỡ sẽ có lợi rất lớn cho Bắc Kinh, Steven Keithley đánh giá.

Trung Quốc nhìn nhận TPP với thái độ quan ngại và coi đây là mối đe doạ tiềm tàng khi Mỹ cố gắng thắt chặt mỗi quan hệ với các đối tác châu Á.

TPP cho phép Mỹ định hình luật chơi với nền kinh tế Thái Bình Dương, qua đó tăng cường mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự giữa Washington với các đối tác khu vực, và đặc biệt nhất là loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi này.

Tuy nhiên, Keithley lo ngại, nếu không có TPP, thì đối tượng bị loại bỏ chính là Mỹ.

Thay vì thực hiện chính sách hướng Tây, hướng đến các nhà máy và nông trại Mỹ, các quốc gia khu vực Thái Bình Dương sẽ phải tìm kiếm cho mình một đối tác thương mại và đầu tư nước ngoài ở phía Đông.

Đó không ai khác ngoài Trung Quốc. Và dĩ nhiên, lúc đó Trung Quốc sẽ là người đặt ra luật chơi cho khu vực.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn vì Trump và Clinton tẩy chay TPP - Ảnh 2.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long "ví von" về khả năng Mỹ không tích cực thúc đẩy TPP khi có Tổng thống mới (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Một tín hiệu làm dẫn chứng cho điều này là các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định tự do thương mai tương tự như TPP nhưng do Trung Quốc dẫn đầu.

RCEP không chỉ mang lại cho kinh tế Trung Quốc nhiều cơ hội như TPP tạo ra với nền kinh tế Mỹ, mà còn cho Bắc Kinh khả năng phá bỏ cấu trúc kinh tế truyền thống để thiết lập nên một luật chơi mới ở khu vực.

RCEP cũng làm tăng sự phụ thuộc của các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines,... vào đầu tư Trung Quốc, tạo ra nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh về chính trị.

Nếu không có TPP, Trung Quốc sẽ có thêm càng nhiều cơ hội. Các nước Thái Bình Dương luôn mong muốn phát triển và "khát" vốn đầu tư sẽ chỉ có rất ít lựa chọn, ngoài việc phải chấp nhận hợp tác với Trung Quốc.

Quan điểm phản đối TPP mạnh mẽ của ông Trump và bà Clinton khó mà thay đổi, ít nhất là trong tương lai gần.

Trong chuyến thăm Washington hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu, mà theo Keithley là rất tinh tế khi đề cập đến TPP:

"Lúc làm lễ thành hôn, khi mọi thứ dường như đã được chuẩn bị xong, nếu bất ngờ cô dâu không đến, tôi nghĩ sẽ có nhiều người cảm thấy hụt hẫng và bị tổn thương sâu sắc".

Những đồng minh chiến lược, đối tác của Mỹ và cả những quốc gia đang ủng hộ vai trò của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương, đều đã ký vào thỏa thuận với Washington và dành nhiều năm để đàm phán các điều khoản trong Hiệp định TPP.

"Họ rất cần những thứ mà TPP có thể mang lại cho đất nước họ. Nhưng cuối cùng, điều mà họ trông thấy là có một Trung Quốc đang hào hứng chào đón ở phía bên kia," Steven Keithley kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại