Theo Sci-News, quái vật nhỏ Wufengella bengtsoni với hình dáng như một cây chùy bọc thép có vô số gai mọc tua tủa thành chùm xung quanh là một loài giun đã tuyệt chủng sống trong kỷ Cambri.
Nó sinh sống trong khu vực ngày nay là Trung Quốc vào thời điểm 518 triệu năm trước, thuộc một nhóm sinh vật cổ đại gọi là tommotiids. Tuy thân hình nhỏ bé chỉ dài 1,3 cm nhưng nó là "ông tổ vĩ đại" của 3 nhóm sinh vật lớn đang lan tràn khắp Trái Đất hiện nay.
Bức "phù điêu" tự nhiên trên một tảng đá ở Trung Quốc mang đến giá trị không tưởng cho ngành cổ sinh vật học - Ảnh: Current Biology
"Nó trông giống như con lai kỳ dị giữa một con sâu lông và một loài nhuyễn thể. Điều thú vị là nó không thuộc nhóm nào cả" - Tiến sĩ Jakob Vinther, từ Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Bristol - Anh, thành viên nhóm nghiên cứu đa quốc gia, mô tả.
Mẫu vật tốt đến kinh ngạc về loài chưa từng biết này được khai quật ở Trung Quốc thậm chí giúp các nhà khoa học nhận ra các thùy dẹt siêu nhỏ nhô ra từ 2 bên bộ giáp, chính là nơi bó lông gắn vào. Nhiều thùy, bó lông và mảng vỏ trên lưng là bằng chứng cho thấy loài giun này ban đầu được phân chia hoặc phân đoạn, giống như một con giun đất hiện đại.
Vương quốc động vật bao gồm hơn 30 mô hình cơ thể chính, mỗi cái chứa một tập hợp các tính năng làm cho chúng khác biệt với nhau.
Sinh vật này lại thể hiện một số đặc điểm được chia sẻ với nhiều nhóm nói trên, là minh chứng cho tốc độ tiến hóa rất nhanh trong đó nó là một trong những kẻ khởi nguồn, một vị tổ tiên chung của nhiều loài.
Chân dung quái vật nhỏ được tái hiện - Ảnh: Current Biology
Nó cũng mang những đặc điểm chứng minh bản thân là tổ tiên của các Lophophorata, một nhóm chung gồm giun móng ngựa và động vật hình rêu bé nhỏ tồn tại phổ biến ở các đại dương.
Con giun nửa tỉ tuổi này cũng là tổ tiên của ngành tay cuộn Brachiopods, một nhóm sinh vật trông giống như một con trai, sống bám vào đáy biển và các rạn san hô.
Nhóm con cháu thứ 3 của nó còn nổ tiếng hơn - các động vật chân đốt. "Từ lâu, các nhà sinh vật học đã lưu ý rằng động vật chân đốt có nhiều khoang cơ thể ghép đôi, cấu trúc thận độc đáo và các bó lông trên lưng khi còn là ấu trùng" - Tiến sĩ Vinther nói thêm.
Động vật chân đốt hay còn gọi là động vật chân khớp, gồm hơn 1 triệu loài khác nhau từ những con ve nhỏ cho đến côn trùng các loại, là một trong những nhóm đa dạng nhất Trái Đất. Và liên hệ tổ tiên của chúng với các loài thủy sinh kỳ dị dưới biển khơi thực sự gây kinh ngạc.
Vì vậy, mẫu hóa thạch quý giá này đã trở thành một mảnh ghép hiếm hoi, bất ngờ, giúp lấp đầy một phân đoạn quan trọng trong cây tiến hóa của sinh vật Trái Đất.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.