Tại nhiều nơi ở Indonesia, một số nhà máy mới vừa mọc lên. Chúng sẽ được sử dụng để xử lý lượng lớn quặng nickel – loại nguyên liệu rất quan trọng đối với quá trình sản xuất pin xe điện.
Quay trở về 5 năm trước, ngành công nghiệp này của đất nước vạn đảo gần như là số 0 tròn trĩnh. Vậy thì điều gì đã thay đổi và tạo nên đột phá? Câu trả lời nằm ở các công ty Trung Quốc.
Họ đã vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại để có thể “thuần phục” quá trình tinh luyện nickel. Nhờ đó, Trung Quốc cũng thiết lập được vị trí thống trị ở nơi có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới trong bối cảnh ngành xe điện đang khao khát thứ kim loại này.
Các công ty từ Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 3 nhà máy luyện nickel chuyên để sử dụng làm pin xe điện tại Indonesia. Ngoài ra, họ còn góp vốn vào 2 nhà máy khác do Ford Motor (Mỹ) và Posco (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Tài năng của các công ty Trung Quốc
Theo số liệu từ CRU, đến tận năm 2017, Indonesia vẫn chỉ là 1 nhà cung ứng có sản lượng không đáng kể. Tuy nhiên, đến năm 2022, nước này đã vươn lên vị trí số 1, chiếm gần một nửa nguồn cung toàn cầu.
Con số được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên. Bởi quốc gia Đông Nam Á hiện sở hữu một trong những mỏ nickel lớn nhất thế giới. Trước đây, quặng nickel của Indonesia được coi là rất khó xử lý để có thể sử dụng được cho xe điện. Trong nhiều thập kỷ, chúng chủ yếu được sử dụng để sản xuất thép không rỉ.
Nhưng các công ty Trung Quốc đã thay đổi điều đó. Công nghệ HPAL mà Trung Quốc sử dụng đã có từ hàng chục năm trước, nhưng vẫn được cho là lợi bất cấp hại vì sử dụng nhiệt độ và áp suất quá cao sẽ khiến thiết bị hư hỏng, kéo theo công đoạn sửa chữa tốn kém.
Các dự án sử dụng công nghệ HPAL ở Australia và nhiều nơi khác (do các công ty phương Tây và châu Á vận hành) thường rơi vào tình trạng thua lỗ do chi phí quá lớn.
Ban đầu, 1 nhà máy của Trung Quốc ở Papua New Guinea cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tuy nhiên, công ty thiết kế nhà máy là China ENFI Engineering cùng với các đối tác đã tìm ra cách cải tiến từ những chi tiết nhỏ nhất. Cuối cùng họ dần dần ổn định được dây chuyền tinh luyện, tạo ra bước đột phá lớn. Sau đó các công ty Trung Quốc khác đã nhân rộng mô hình này, bằng cách mang những kỹ sư giàu kinh nghiệm từng làm việc tại nhà máy ở Papua New Guinea tới Indonesia.
Theo Martin Vydra, giám đốc chiến lược của Nickel 28, công ty Canada sở hữu cổ phần tại nhà máy ở Papua New Guinea, điều quan trọng nhất nằm ở khả năng chuyển giao công nghệ và kỹ năng của các kỹ sư Trung Quốc.
Phản ứng của Mỹ
Đối với các nhà sản xuất ô tô phương Tây, dòng chảy nickel từ Indonesia đảm bảo nguồn cung cho loại nguyên liệu mà họ rất cần đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng như hiện nay, điều này cũng có thể mang đến rắc rối.
Đạo luật giảm lạm phát – dấu ấn lớn nhất của Tổng thống Biden trong lĩnh vực năng lượng sạch – quy định các công ty xe điện phải tuân thủ các yêu cầu về nguồn gốc khoáng sản để được hưởng các chính sách ưu đãi.
Trong thời gian tới, nếu muốn hưởng một số ưu đãi, pin xe điện sẽ phải sử dụng chủ yếu là các khoáng sản từ Mỹ hoặc từ nước có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Indonesia lại không nằm trong danh sách đó. Và việc các công ty Trung Quốc chi phối hoạt động tinh luyện nickel ở Indonesia càng khiến tình hình căng thẳng hơn.
Theo tờ Wall Street Journal nhận định, Trung Quốc đã “vững chân” trong cuộc chạy đua nhằm đảm bảo nguồn cung cho những loại khoáng sản siêu quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong khi đó, đây là 1 đòn giáng mạnh vào nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của các công ty Mỹ. Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng chuỗi cung ứng năng lượng. Nhưng với nickel, các công ty Trung Quốc thậm chí lại đang “siết chặt gọng kìm”.
Tham khảo Wall Street Journal