Trung Quốc lần đầu trong cả thập kỉ nhập khẩu thép vượt xuất khẩu: Cơ hội vàng cho Việt Nam?

Thúy |

Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh hơn xuất khẩu lần đầu tiên từ năm 2009. Các đối tác trong khu vực được lợi tăng doanh thu xuất khẩu.

Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh

Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu thép ròng (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) vào tháng Sáu kể từ sau khủng hoảng năm 2008, với nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. 

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đây là dấu hiệu của nền kinh tế đang hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 4.4 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm vào tháng trước, trong khi lượng thép xuất khẩu là 3.7 triệu tấn. Sức sản xuất của Trung Quốc đã chạm ngưỡng kỉ lục là 91.58 triệu tấn thép thô trong tháng.

Cơ hội vàng cho các đối tác xuất khẩu châu Á?

SCMP cho biết, theo số liệu của hãng tư vấn thị trường S&P Global Platts, nhu cầu sử dụng thép đáng ngạc nhiên của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài trong suốt tháng 7.

S&P Global Platts đánh giá việc nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ chỉ giới hạn ở các đối tác châu Á và có thể chưa tiếp cận đến các nguồn xa hơn như Mỹ, cho dù hai nước đang có với nhau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Trong tương lai gần, điều này giúp các đối tác xuất khẩu trong khu vực tiếp tục tăng doanh thu.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới ngành tôn thép của Việt Nam. Dù vậy, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép các loại của Việt Nam vào tháng Sáu tuy giảm 21.9% so với cùng kì năm 2019 nhưng tăng 14.5% so với tháng Năm. Trong đó, phần trăm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ so với ba tháng trước đó.

Nguyên nhân nhập khẩu tại Trung Quốc tăng

Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao được đánh giá là do số lượng các dự án, cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường bất động sản hiện tăng mạnh. Các nhà quản lý thị trường lại cho rằng lý do cũng nằm ở việc nhà sản xuất Trung Quốc đang tích trữ thép do dự đoán tình trạng thiếu hụt mặt hàng này trong tương lai.

Các nhà phân tích của S&P Global Platts cho biết, "Nhập khẩu thép tăng mạnh hoàn toàn nằm trong tính toán của thị trường Trung Quốc do sự thúc đẩy phát triển của cơ sở hạ tầng và lĩnh vực xây dựng bất động sản."

Các nhà phân tích thị trường kim loại của Mysteel chia sẻ với SCMP, xuất khẩu thép trong tháng Sáu giảm do nhu cầu của nước đối tác giảm mạnh từ ảnh hưởng của Covid-19. Lấy ví dụ, hơn 70% các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc - các đối tác lâu dài của Bắc Kinh đã ngừng mua hoặc cắt giảm sản xuất dẫn tới cắt giảm nhập khẩu.

Tại Trung Quốc, nhu cầu về thép không chỉ đến từ các lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà con từ ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất xe hơi và thiết bị gia dụng, tất cả các ngành đều đang chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, S&P Global Platts chỉ ra.

Lần gần nhất nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc tăng giống như số liệu lần này là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09, khi đó Bắc Kinh trở thành nhà nhập khẩu ròng để hỗ trợ chương trình kích thích cơ sở hạ tầng trị giá 586 tỷ USD của chính nước này, bao gồm việc xây dựng đường cao tốc, cầu, tàu cao tốc và nhà máy.

Trung Quốc lần đầu trong cả thập kỉ nhập khẩu thép vượt xuất khẩu: Cơ hội vàng cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Ảnh: China Daily

Triển vọng nhập khẩu của Trung Quốc kéo dài đến bao giờ?

Sau khi phê duyệt mở cửa bốn cảng mới dọc bờ biển cho các tàu vận chuyển quặng sắt kích thước cực lớn để tạo điều kiện cho các chuyến tàu từ Brazil và châu Phi, Trung Quốc cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc sản xuất thép phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Ngành thép Trung Quốc không cho rằng tình trạng này nhập khẩu ròng này sẽ kéo dài.

"Nhập khẩu thép tháng Tám có thể sẽ giảm xuống còn 2.8 triệu tấn trong bối cảnh người mua thép thận trọng hơn trước nguy cơ bùng dịch Covid-19 trở lại tại Trung Quốc và tình trạng mưa lớn dẫn đến lũ lụt lịch sử tại nước này," S&P Global Platts cho biết.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại