Vào tháng 3 năm nay, tại kỳ họp Lưỡng hội (gồm Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Mặt trận tổ quốc), các đại biểu Trung Quốc đã nhất trí chính thức xóa giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước Trung Quốc.
Động thái này giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023, thậm chí trọn đời.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Trung Quốc liên tục đối mặt hàng loạt vấn đề khủng hoảng như kinh tế tăng trưởng chậm, bê bối vắc xin, cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang. Điều này khiến giới học giả Trung Quốc dấy lên những ý kiến trái chiều về sức mạnh quyền lực của ông Tập.
Giáo sư Luật Hứa Chương Nhuận, thuộc Đại học Thanh Hoa trong bài viết đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc (Bắc Kinh) nhận định:
"Người dân Trung Quốc, bao gồm giới tinh hoa một lần nữa lại cảm thấy hoang mang tột độ về phương hướng phát triển quốc gia và an toàn bản thân. Sự lo lắng ngày càng tăng lan rộng thành nỗi hoảng sợ trong toàn quốc".
Theo ông Khương Hạo, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Thiên Tắc thì đây là phát biểu rất mạnh mẽ bởi "nhiều thành phần trí thức có thể cũng có chung ý tưởng nhưng không dám nói ra".
Trong bài xã luận, ông Hứa kêu gọi các đại biểu Trung Quốc xem xét lại việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước. Mặc dù bị kiểm duyệt chặt nhưng mạng xã hội Trung Quốc vẫn rầm rộ chia sẻ bài viết này.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang phải chật vật đối phó tranh chấp thương mại ngày càng tăng với Washington. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng, cuộc chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể được kiểm soát nếu Bắc Kinh hành động linh hoạt hơn và kiềm chế giọng điệu huênh hoang của mình.
"Trung Quốc cần kiềm chế hơn khi xử lý các vấn đề quốc tế", Giáo sư Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc chia sẻ trên một diễn đàn mới đây tại Bắc Kinh, "Không nên tạo ra bầu không khí như thể [Trung Quốc] sắp thay thế Mỹ".
Bên cạnh cuộc chiến thương mại, Trung Quốc lại đau đầu đói phó với vụ bê bối vắc xin đang gây phẫn nộ trong xã hội nước này.
Nhiều chuyên gia nước ngoài và quan chức trong ĐCSTQ cho rằng, những sự vụ gần đây khiến giới trí thức, cựu quan chức và tầng lớp trung lưu đang hình thành sự lo ngại trước chính sách cứng rắn của ông Tập.
Một cựu quan chức Trung Quốc trả lời New York Times rằng, rất nhiều đồng nghiệp cũ của ông đang chia sẻ bài viết của Hứa Chương Nhuận.
Nhiều ý kiến của giới quan chức Bắc Kinh cho rằng, những lời chỉ trích này sẽ lớn dần lên theo thời gian khiến quyền lực của ông Tập suy giảm và khiến chính tầng lớp quan chức cấp cao cũng sẽ dấy lên sự hồ nghi về các quyết định của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
"Vài tuần gần đây, có dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của [thế lực] chống đối quyền lực tuyệt đối của ông Tập", Richard McGregor, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Lowy, Sydney, Australia nói.
Một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại và những ý kiến phê bình trong nước có thể đã khiến chính quyền Bắc Kinh giảm bớt những phát biểu quá cứng rắn.
Ví du, một loạt các bài báo đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo chỉ trích các học giả và chuyên gia Trung Quốc khi những người này lớn tiếng tuyên bố rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành siêu cường công nghệ.
"Vẫn còn quá sớm để chứng minh những phát biểu này liệu có tác động tới đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc nhưng thú vị là Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh giọng điệu về chính sách ngoại giao", bà Susan Shirk, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21, Đại học California nói.