Mới đây, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo đã đăng tải bài phân tích về việc đẩy mạnh quá trình hình thành của mô hình kinh tế mở cửa toàn diện mới của Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 Uông Dương.
Ông Uông Dương hiện là Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và được coi là nhân vật ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do.
Theo giới chuyên gia, phân tích của ông Uông bắt nguồn từ phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 19 hồi tháng trước. Khi đó, ông Tập chỉ ra, Trung Quốc cần thúc đẩy sự hình thành mô hình mới về nền kinh tế mở cửa toàn diện bằng cách "trao quyền tự chủ lớn hơn cho khu thương mại tự do thí điểm để xem xét xây dựng cảng thương mại tự do".
Cảng thương mại tự do là gì?
Khu thương mại tự do thí điểm Thượng Hải
Tháng 9/2013, Trung Quốc thành lập khu thương mại tự do thí điểm đầu tiên ở Thượng Hải. Sau đó, nước này liên tiếp mở rộng ra 11 khu thí điểm khác bao gồm Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến v.v... Trong các khu thương mại thí điểm này đều có một hoặc nhiều khu vực giám sát hải quan chuyên biệt có chức năng bảo lưu thuế nhập khẩu.
Mục đích của khu vực giám sát hải quan chuyên biệt này nhằm để giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và thúc đẩy mậu dịch quốc tế.
Mục đích xây dựng cảng thương mại tự do cũng tương tự. "Cảng thương mại tự do là khu vực riêng biệt thuộc lãnh thổ của một quốc gia, vùng miền - nơi hàng hóa, tiền tệ có thể xuất nhập tự do và đại đa số các hàng hóa đều được miễn thuế hải quan, là khu vực kinh tế đặc thù mở cửa rộng rãi nhất trên toàn cầu", ông Uông Dương viết.
Nói cách khác, cảng thương mại tự do là "bản nâng cấp" của khu thương mại tự do thí điểm.
Theo truyền thông Trung Quốc, trên thực tế, Hồng Kông, Singapore, hay Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hoặc Humburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan) đều phát triển những cảng thương mại tự do phù hợp với tình hình bản địa.
Ví dụ, lợi thế lớn nhất của cảng Rotterdam là khả năng cung cấp dịch vụ lớn mạnh. Tuy việc liên minh châu Âu EU tăng tốc hợp nhất, ưu đãi cắt giảm thuế quan trong EU ngày càng suy yếu nhưng khả năng cung cấp dịch vụ của cảng Rotterdam đã thúc đẩy các giao dịch thương mại quốc tế khổng lồ cho Hà Lan.
Hay theo Xiake dao - tài khoản Wechat chính thức bản quốc tế của Nhân dân Nhật báo, kinh nghiệm của Hồng Kông có thể được tổng kết bằng hai từ - tự do. Trước hết, toàn bộ đặc khu hành chính Hồng Kông là một cảng thương mại tự do. Ngoài bốn mặt hàng gồm rượu, thuốc lá, dầu hydrocarbon và methanol, tất cả các mặt hàng còn lại đều được miễn thuế.
Thứ hai, vốn đăng ký thành lập công ty theo bất kỳ hình thức nào tại Hồng Kông đều rất thấp, các nhà đầu tư nước ngoài có thể được giữ 100% cổ phần.
Tài khoản này cũng cho biết, Trung Quốc đã công bố đề xuất về phương án xây dựng cảng thương mại tự do ở Thượng Hải và Ninh Ba nhưng về môi trường đầu tư và xây dựng đều có một khoảng cách nhất định với Hồng Kông và Singapore.
Cơ hội và thách thức
Cảng thương mại tự do có thể là "đầu cầu" phát triển kinh tế lịch sử của Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Thượng Hải, mục tiêu xây dựng các cảng thương mại không chỉ để phục vụ cho việc giao thương mà ý tưởng ban đầu của nó là để thúc đẩy sản xuất công nghiệp và đón nhận giá trị gia tăng lớn từ lưu lượng thương mại quốc tế khổng lồ.
Ông Thôi Phàm, Giáo sư Trung Quốc, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) cho rằng, điểm cốt lõi của các cảng thương mại nằm ở tính chất mậu dịch tập trung xuất nhập khẩu (thương mại trung gian) và thương mại quốc tế .
Ông này nhận định, điểm quan trọng của cảng thương mại tự do Trung Quốc hiện nay là thu hút nguồn giao dịch thương mại trung gian, tập trung khai thác dịch vụ hậu cần hàng hóa và chuỗi doanh nghiệp cung ứng.
"Nhưng phát triển thương mại địa phương cũng như giao dịch thương mại trung gian không phải là mục đích cuối cùng. Thương mại quốc tế, tài chính quốc tế có thể sẽ trở thành hướng phát triển chính của chính sách xây dựng cảng thương mại tự do", chuyên gia Trung Quốc nói.
Ví dụ như năm 2015, kim ngạch thương mại nước ngoài của Hồng Kông đạt 4.33 nghìn tỷ USD Hồng Kông, chiếm 55% tổng giá trị thương mại hàng năm. Giá trị thương mại càng lớn thì giá trị gia tăng càng cao.
"Quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã bước vào thời đại mới, xuất khẩu đơn thuần và thị trường trong nước dù mở cửa cũng không thể đáp ứng nhu cầu hiện nay. Việc xây dựng cảng thương mại tự do giúp Trung Quốc dành được vị trị ưu thế trong phân công quốc tế", ông Thôi bình luận.
Giới chuyên gia Trung Quốc dự đoán, cảng thương mại tự do có thể là "đầu cầu" phát triển kinh tế mang tính lịch sử của nước này.
[VIDEO] 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 ra mắt