Anh hùng dân tộc
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, một cựu binh dày dạn kinh nghiệm, từng tuyên bố rằng ông sẽ làm việc không nghỉ cho tới khi tròn 100 tuổi. Nhưng, tại độ tuổi 93, những áp lực từ đảng ZANU-PF của ông và quân đội đã khiến "ước mơ" của ông không trở thành hiện thực.
Từng được ca ngợi là vị anh hùng giải phóng đất nước khi đưa Zimbabwe thoát khỏi cảnh làm thuộc địa của người Anh, ông Robert Mugabe sau đó bị phương Tây chỉ trích trong nhiều năm với cáo buộc siết chặt môi trường chính trị trong nước và hủy hoại nền kinh tế quốc gia.
Từ một tù nhân chính trị, ông trở thành nhà lãnh đạo trong cuộc bầu cử hồi năm 1980 sau khi cuộc nổi dậy và các cấm vận kinh tế buộc chính phủ Rhodesia (Zimbabwe sau này) phải ngồi vào bàn đàm phán.
Khi mới lên nắm quyền, ông được quốc tế ca ngợi vì những chính sách hòa giải sắc tộc và vì đẩy mạnh các chương trình giáo dục, dịch vụ y tế cho cộng đồng người da màu.
Theo các nguồn tin, khi quyền lực ngày càng mở rộng, ông Mugabe được cho là đã tận dụng tối đa khả năng của mình để trấn áp những người phản đối chính sách và chế độ của ông, trong đó nổi tiếng nhất là vụ Gukurahundi, làm khoảng 20.000 người thiệt mạng.
2 thập kỉ sau đó, các đợt thu giữ nông trại do người da trắng làm chủ cũng biến ông Mugabe từ "người bạn thân thiết" với phương Tây trở thành người bị cộng đồng quốc tế xa lánh – mặc dù đối với nhiều quốc gia Châu Phi, ông vẫn mang hình tượng của một vị anh hùng giải phóng dân tộc.
Các chính sách cải cách đất đai dưới thời ông Mugabe đã ảnh hưởng nghiêm trọng nền nông nghiệp Zimbabwe, khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè, gây bất ổn sâu sắc nền kinh tế quốc gia. Ông cũng bị chỉ trích là tìm cách củng cố quyền lực thông qua vi phạm nhân quyền và dàn xếp các cuộc bầu cử.
Ông Robert Mugabe (giữa) trong bức ảnh đầu tiên được công bố sau khi bị quân đội quản thúc tại gia. Cùng có mặt trong phòng là tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga (mặc quân phục), Bộ trưởng quốc phòng Sydney Sekerayami (tay trái ông Mugabe), Bộ trưởng an ninh nhà nước Kembo Mohadi, và chính khách người Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula
Ám ảnh quyền lực
Giáo sư Shadrack Gutto tại Đại học Nam phi nhận xét: "Ông Robert Mugabe thực sự là một lãnh đạo tài năng, ông ấy đã khiến cả Zimbabwe phải ‘phủ phục’ dưới quyền điều hành của mình."
Cựu Ngoại trưởng Anh Peter Carrington, người được cho là rất hiểu ông Mugabe, nhận định rằng: "Ông ấy rất phi thường, có kĩ năng và tầm nhìn rộng... nhưng đôi lúc ông ấy cũng không phải người trung thực lắm."
Trong những thập kỉ gần đây, ông Mugabe cũng đổ lỗi cho các cấm vận từ phương Tây vì đã làm suy kiệt nền kinh tế Zimbabwe.
Trong một đoạn phim tư liệu hồi năm 2013, ông cũng phản ứng lại lời nhận xét từ bên ngoài rằng: "Nếu họ nói tôi là một nhà độc tài... và tôi biết họ chỉ nói vậy để hạ thấp tôi, thì tôi sẽ chẳng cần để tâm tới những lời đó nữa."
Sau nhiều năm ông Mugabe cầm quyền, nhắc tới người kế nhiệm được xem như điều cấm đoán trong chính phủ Zimbabwe. Nhưng khi ông đã ngoài 90 và sức khỏe đi xuống nghiêm trọng, việc ai sẽ lên nắm quyền lại trở thành vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Quân đội Zimbabwe tuyên bố cuộc chuyển giao quyền lực ngày 15/11/2017 không phải đảo chính quân sự
Trước vụ quân đội giành quyền quản lý đất nước, người vợ thứ hai của ông, bà Grace Mugabe, trở thành người kế nhiệm tiềm năng sau khi phó tổng thống Emmerson Mnangagwa bị sa thải ngày 6/11.
Bà kể lại về chồng mình rằng, khi ngoài 80 tuổi, ông Mugabe vẫn dậy rất sớm để tập thể dục. Nhưng trong những năm sau, ông từng nhiều lần không đứng vững, phát biểu sai trong buổi khai mạc quốc hội.
Nhà ghi chép tự truyện Martin Meredith thuật lại: "Thứ thực sự ám ảnh người đàn ông này không phải tiền bạc, mà là quyền lực. Trong nhiều năm qua, ông Mugabe duy trì chế độ của mình bằng bạo lực và trấn áp các đối thủ chính trị, xâm phạm các phiên xử án, chèn ép quyền sở hữu, kiểm soát báo chí và sắp đặt kết quả bầu cử."