Zimbabwe: "Chuyển giao không đổ máu" có thể thành đảo chính vì tổng thống cự tuyệt từ chức

Tất Đạt |

Cuộc chuyển giao quyền lực không diễn ra nhanh chóng do gặp trở ngại từ vị tổng thống 93 tuổi của quốc gia này.

Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, việc Tổng thống Zimbabwe 93 tuổi Robert Mugabe từ chối từ chức công khai đang cản trở kế hoạch chuyển giao chính phủ được quân đội khởi đầu vào ngày hôm qua (15/11).

Theo đó, sau 37 năm cầm quyền, ông Mugabe đang được thúc giục từ chức để việc chuyển giao quyền lực này không phải là một cuộc đảo chính.

Liên đoàn châu Phi (AU) phản đối mọi cuộc đảo chính quân sự và không thừa nhận bất kỳ chính quyền nào nắm quyền lực bằng đảo chính. Đó cũng là nguyên nhân quân đội Zimbabwe nhanh chóng bác bỏ thông tin nói hành động của họ là đảo chính quân sự.

Thêm vào đó, các lãnh đạo quân đội cũng muốn tránh những căng thẳng với Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), trong đó có Zimbabwe và Nam Phi bởi trước đó, tổ chức này đã can thiệp khi quân đội chiếm quyền điều hành ở Lesotho.

Nguồn tin giấu tên cho biết, chiến dịch của quân đội Zimbabwe đã được lên kế hoạch nhiều tuần trước, nhưng được thúc giục triển khai sau khi ông Mugabe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

Hiện tại, địa điểm của ông Mugabe và vợ vẫn chưa được xác định.

Được biết, trước khi xảy ra vụ việc ngày hôm qua, bà Grace Mugabe được cho là người kế nhiệm tiềm năng chức vụ Tổng thống. Việc ông Mugabe có từ chức hay không vẫn chưa thể khẳng định, nhưng rõ ràng mục tiêu của quân đội là ngăn bà Grace nắm quyền điều hành đất nước.

Các nguồn tin hiện tại tỏ ra khá mẫu thuẫn về địa điểm hiện tại của Đệ nhất Phu nhân Zimbabwe, người khá nổi tiếng vì thói quen tiêu tiền xa hoa và con đường thăng tiến chính trị nhanh chóng.

Theo quân đội Zimbabwe, ông Mugabe và vợ đang bị giam lỏng trong "cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu".

Tham mưu trưởng quân đội Zimbabwe Sibusiso Moyo thông báo về tình hình đất nước trên kênh ZBC. Nguồn: BBC

Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ Sky News ngày hôm qua, bà Grace đã rời đất nước tới Namibia. Sau đó, nguồn tin này lại phủ nhận và cho rằng bà vẫn đang ở Zimbabwe.

Theo tờ New Era của Namibia, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Namibia Netumbo Nandi-Ndaitwah phủ nhận các thông tin rằng bà Grace đã tới quốc gia này.

Trong khi đó, nhà báo Trevor Ncube của Zimbabwe đăng tải trên Twitter: "Các nguồn tin của tôi ở Zimbabwe xác nhận bà Grace hiện vẫn đang ở nhà tại Borrowadale, thủ đô Harare với Tổng thống Mugabe."

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết ông đã được phép trao đổi với ông Mugabe. Tuy nhiên, quân đội từ chối bình luận về vụ việc này.

Bốn nhân tố tác động tình hình Zimbabwe

Theo Global Times, có bốn nhân tố ảnh hưởng đến diễn biến tiếp theo ở Zimbabwe.

Thứ nhất, liệu toàn bộ lực lượng quân sự có phản đối tổng thống Mugabe? Liệu số đông trong đảng cầm quyền Zanu-PF có đạt được nhận thức chung về giải quyết khủng hoảng? Nếu quân đội và Zanu-PF đạt đồng thuận thì tình hình sẽ rõ ràng, nhưng cục diện sẽ hỗn loạn nếu hai bên không thể nhất trí.

Thứ hai, thái độ của AU và phương Tây là rất quan trọng. Cả hai phía đều phản đối đảo chính bằng quân sự, nhưng ông Mugabe lại là lãnh đạo châu Phi bị phương Tây xa lánh nhất hiện nay. Có khả năng các nước phương Tây sẽ không can thiệp quá nhiều vào cuộc khủng hoảng.

Thứ ba, mặc dù ông Mugabe có danh tiếng tốt trong các tầng lớp ủng hộ mình ở cơ sở, nhưng có nhiều quan chức trong chính quyền nước này kỳ vọng cải cách. Hiện nay là thời điểm để đánh giá thái độ thực sự của dư luận Zimbabwe với tổng thống 93 tuổi. Ý kiến công luận sẽ tác động đáng kể đến tình hình.

Cuối cùng, một trong những lý do chính của khủng hoảng là sự suy giảm lòng trung thành với ông Mugabe, trong đó yếu tố tuổi tác của ông là đáng kể. Nhân tố này có thể ảnh hưởng đến những thời điểm quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại