Trong động thái mới nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo nâng thuế suất từ 10% lên 25% với hàng hóa Trung Quốc có giá trị 200 tỷ USD. Và trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đã nhanh chóng đáp lại với danh sách hơn 5.200 sản phẩm của Mỹ bị áp thuế với giá trị 60 triệu USD.
Trung Quốc đồng thời “cam kết” sẽ áp đặt đáp trả chính xác mức thuế mới tăng từ 5% lên 25% của Mỹ, nếu chính quyền Trump thực hiện lời đe dọa của mình.
Khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến thương mại toàn diện. Song may mắn rằng, Tổng thống Trump đã gia hạn thời gian đến tháng 9 trước khi hiện thực hóa cảnh báo tiếp tục tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Trump tự tin vào sức bền của kinh tế Mỹ
Theo giới quan sát, Tổng thống Trump dường như cho rằng Mỹ có thể “trụ” lâu hơn Trung Quốc trước những tổn thất vì sóng gió thương mại và điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh việc Washington có thể “quá chủ quan” khi không hiểu kỹ càng sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế, dù có suy yếu hơn so với 1 năm trước đây, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có mức tăng trưởng gần gấp đôi nền kinh tế Mỹ.
Song, đứng ở vị trí nền kinh tế số 1 thế giới, chắc chắn Mỹ cũng không phải là “kẻ khờ”. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố một cách giải quyết khác cho vấn đề, thậm chí còn nhắm tới cô lập Trung Quốc.
Với tên gọi “Chương trình Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, đã mang theo đề nghị đầu tư 113 triệu USD vào Sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của khu vực này.
Dù không trực tiếp nói ra, song giới phân tích cho rằng “Chương trình Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương” là nhằm tạo đối trọng với kế hoạch tham vọng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sáng kiến phát triển và kết nối các nước từ châu Á tới châu Âu.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho rằng, chương trình của Mỹ dường như làm gia tăng ngờ vực của Trung Quốc và nó có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đang bị bủa vây giữa những đợt sóng lừng vì căng thẳng thương mại giữa 2 bên.
Tuy nhiên, cũng khó có thể nói đây là một cuộc cạnh tranh mà Mỹ mong muốn với Trung Quốc, khi Tổng thống Trump chi cho “Chương trình Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương” 113 triệu USD, con số không thấm tháp gì so với 900 tỷ USD mà Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng “Vành đai và Con đường”.
Ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp 82 triệu USD cho “Vành đai và Con đường” từ cách đây 3 năm.
Hai thương vụ trung tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung VOV.VN- Mỹ cùng với châu Âu, Mexico và Canada đã đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại, trong khi với Trung Quốc cơ hội giải quyết đang ở mức rất thấp.
Trung Quốc tự tin đối đầu thương mại với Mỹ
Hơn thế nữa, Trung Quốc dường như đã chuẩn bị đủ cách để có thể kiểm soát chiến lược thương mại toàn cầu. Trong đó, ngày 6/8, Trung Quốc đã đề xuất đàm phán với Anh trước Brexit [việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-ND].
Với Washington, để giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay thậm chí là đạt được một số thỏa thuận thỏa đáng cho cả 2 bên, thì Mỹ sẽ phải chờ đợi kết quả này về lâu dài và phải nắm rõ đối thủ của mình.
Ming Zeng, người đứng đầu bộ phận kế hoạch chiến lược của Alibaba - trang bán hàng điện tử tương tự Amazon của Mỹ, cũng là một trong những nhà chiến lược tài ba nhất về kinh doanh và tài chính tại Trung Quốc cho rằng, trên đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng tập trung vào các khu vực kinh tế và thị trường trong nước.
Điều này giúp nền kinh tế Trung Quốc “miễn dịch” phần lớn trước các rắc rối thương mại và có cách để giải quyết.
Theo ông Ming Zeng, Trung Quốc ngày càng ít có nhu cầu thực sự với các sản phẩm của Mỹ, kể cả các sản phẩm trí tuệ.
Một ví dụ đầu tiên là vào tháng 1 năm nay, Mỹ đã gây khó dễ cho việc tiếp quản tài chính của Ant Financial of Moneygram - một công ty chuyển khoản thanh toán cho Alibaba. Tuy nhiên, Alibaba đã lập một kênh thanh toán khác cho các sản phẩm sáng tạo và công nghệ.
“Bất cứ hoạt động kinh doanh mới nào trong quá trình phát triển cũng sẽ vấp phải các trở ngại. Chúng tôi hiểu điều này.
Đó là cái giá trên thương trường. Chúng tôi có thể tuyệt vọng, nhưng bởi vì giá trị chúng tôi tạo ra quá mạnh mẽ nên chúng tôi sẽ tìm được cách nào đó để vượt qua các rào cản”, ông Ming Zeng khẳng định.
Một ví dụ khác là năm ngoái, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ đã từ chối nỗ lực của Navinfo, một nhà cung cấp bản đồ kỹ thuật số cho ô tô của Trung Quốc, nhằm mua cổ phần của HERE, một công ty bản đồ có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, và đang hoạt động tại Mỹ.
Để giải quyết thương vụ thất bại này, Navinfo đơn giản là rút lại yêu cầu của mình và tiếp tục mở rộng hợp tác các hãng sản xuất ô tô của Đức như BMW, Daimler, Volkswagen và thậm chí là tăng cường làm ăn với cả HERE.
“Vấn đề là kinh nghiệm đổi mới của chúng tôi và việc chúng tôi hiểu tương lai sẽ đi về đâu”, ông Ming Zeng nói.
Reuters dẫn một số ý kiến quan sát cho rằng, tình thế hiện nay có thể hiểu và chấp nhận rằng “cuộc chiến thương mại dài hơi” cuối cùng sẽ mang về phần thắng cho Trung Quốc.
Với Trung Quốc, mất mặt mới là thất bại cuối cùng. Các thỏa thuận thương mại tốt nhất và bền vững nhất sẽ được coi là chiến thắng kép cho cả 2 bên. Trong khi,Tổng thống Trump đã lún sâu vào chính sách “Nước Mỹ là trên hết”, sẽ không muốn các lãnh đạo Trung Quốc có được thắng lợi trong cuộc chiến này.
Điều này đồng nghĩa, ông Trump sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột thương mại “bầm dập” và kéo dài. Nếu không ai có thể thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ cuộc chiến, thì việc mà tất cả người Mỹ cần phải làm là chuẩn bị trả tiền cho cuộc “thập tự chinh thương mại” này./.