EU có thể dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc
Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 31/5 cho rằng trong tình hình việc Anh rời khỏi EU không thể thay đổi, EU đến nay đang bất ổn, "ba cỗ xe" thúc đẩy tổ chức quốc tế này phát triển đã mất đi một trụ cột quan trọng, khả năng có nhiều nước hơn theo gót nước Anh sau này là rất lớn.
Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump làm việc "không đáng tin", thái độ của ông đối với EU gần đây cũng làm cho tổ chức này càng bất ổn. Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí đã phải thốt lên rằng "từ nay về sau EU cần dựa vào chính mình".
Trong thời điểm này, từ ngày 31/5 đến ngày 2/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiến hành chuyến thăm Đức và tổ chức cuộc gặp thường niên với Thủ tướng Đức, đồng thời ông sẽ đến Brussels tham gia Hội nghị Cấp cao Trung Quốc - EU lần thứ 19, tiến hành chuyến thăm chính thức Bỉ.
Từ năm 1975 đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua 42 năm, liên tục phát triển lên với 3 cấp độ - từ quan hệ đối tác hợp tác đến quan hệ đối tác toàn diện, rồi nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Đến nay, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU. Trong tình hình này, vấn đề EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc được dư luận nước này quan tâm.
Tàu ngầm thông thường của Đức. Ảnh: Sina
Một mặt, quan hệ kinh tế giữa EU - Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng nhất của mỗi bên, mặt khác, sự phân biệt đối xử chính trị đã dẫn tới cấm vận quân sự của EU đối với Trung Quốc kéo dài 28 năm. Hai vấn đề rất mâu thuẫn này lại tồn tại lâu dài giữa Trung Quốc và châu Âu là một điều "kỳ lạ".
Trong thập niên qua, mặc dù có một số nước thành viên EU đã nhiều lần kêu gọi bãi bỏ chính sách cấm vận quân sự đối với Trung Quốc, nhưng do bị Mỹ can thiệp, một số nước EU đã gây trở ngại, nên những lời kêu gọi này đều không có kết quả.
Anh, một nước đồng minh chủ chốt và một nước đại diện cho Mỹ ở EU là một nước như vậy. Thực hiện mong muốn của Mỹ, Anh nhiều lần phản đối những lời kêu gọi thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm từ Đức và Pháp.
Hơn nữa, để nhận được viện trợ của Mỹ, một số thế lực còn nặng về ý thức hệ ở các nước Đông Âu như Ba Lan kiên quyết phản đối việc bán vũ khí cho Trung Quốc.
Nhưng, sự thay đổi tình hình gần đây có thể gây tác động tích cực. Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm cho tổ chức này mất đi một thế lực "chống Trung Quốc" quan trọng. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan không những đã tham gia Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai, con đường" cách đây không lâu, mà còn cho biết "Ba Lan đang trở thành đối tác hợp tác ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế thương mại".
Điều này có nghĩa là, nếu thời gian tới không bị hai nước này cản trở, cộng với chính sách bất định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại có nước thúc đẩy EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, thì rất có thể EU cuối cùng sẽ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Máy bay tiếp dầu A330 MRTT của EU. Ảnh: Sina
Mặc dù khả năng này tồn tại, nhưng thời điểm hiện nay đã khác. Trung Quốc hiện không còn là nước nằm trong tình trạng lạc hậu quân sự của vài chục năm trước, mà dựa nhiều hơn vào sức mình để phát triển nhanh.
Trung Quốc giảm nhu cầu đối với công nghệ vũ khí của EU?
Trên thực tế, về công nghệ quân sự, khả năng Trung Quốc lệ thuộc vào mua sắm nước ngoài đang giảm mạnh. Trong các lĩnh vực quân sự lớn của lục, hải, không quân và không gian vũ trụ, Trung Quốc đều đã đạt được các thành tựu lớn.
Nhưng trong một số lĩnh vực đơn nhất, Trung Quốc cũng không phải đều đã đạt trình độ tiên tiến. Vậy nếu EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ có thể xem xét mua sắm những vũ khí này của EU?
Nhìn vào thực tế, Trung Quốc quan tâm đến công nghệ tàu ngầm thông thường Type 216 và ngư lôi DM2A4 của Đức, động cơ máy bay chiến đấu M88-3 và ngư lôi hạng nặng F21 của Pháp, pháo hạm Oto Melara và đạn dược của Italy. Những vũ khí này đều do EU tiến hành nghiên cứu chế tạo chung.
Ngoài ra, EU còn có máy bay tiếp dầu trên không A330 MRTT, tên lửa phòng không Aster-30 và động cơ phản lực EJ200.
EU còn là "nước lớn" xuất khẩu thiết bị điện tử quân dụng. Hệ thống C4I sử dụng cho tàu chiến, máy bay và các trang bị mặt đất cũng là những thứ được các nước rất quan tâm.
Chẳng hạn, thiết bị định vị thủy âm trên tàu chiến do Pháp sản xuất, radar do Italy sản xuất… đều nổi tiếng thế giới. Nếu Trung Quốc có thể học hỏi một số công nghệ của bên ngoài, có thể nhập khẩu được một số công nghệ nói trên thì sẽ thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ cùng loại ở trong nước.
Trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay, sự tiến bộ công nghệ quân sự trên các lĩnh vực là toàn diện, kể cả các loại tàu chiến hải quân, máy bay chiến đấu của không quân, trang bị tác chiến của lục quân hay tên lửa.
Tên lửa phòng không Aster-30 của châu Âu. Ảnh: Sina
Chính việc cấm vận quân sự của phương Tây đã kích thích toàn diện tinh thần tự lực cánh sinh của Trung Quốc. Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí trang bị tiên tiến đạt "trình độ thế giới" – Sina tự tin khẳng định.
Những vũ khí trang bị này bao gồm tàu sân bay Type 001A, các tàu khu trục Type 052D và Type 055, các tàu ngầm thông thường Type 039A và Type 041, tàu ngầm hạt nhân Type 095, tên lửa Cự Lang-2A và tàu ngầm hạt nhân Type 096, máy bay chiến đấu tàng hình J-20, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay chiến đấu J-15, J-16, J-10C, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, tên lửa đạn đạo Đông Phong-15, các tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-5C, Đông Phong-31A/B và Đông Phong-41, xe tăng chiến đấu Type 99A2, xe chiến đấu Type 04…
Những vũ khí trang bị này cho thấy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ to lớn. Vì vậy, tác dụng thực tế của việc EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc là không lớn. Sina thậm chí cho rằng, vũ khí của EU cũng chưa chắc "mạnh" hơn vũ khí Trung Quốc.
Nhưng xóa bỏ cấm vận là một việc làm cần thiết để loại bỏ hoàn toàn việc phân biệt đối xử về chính trị. Chỉ có làm như vậy thì mới có thể mở ra con đường rộng lớn cho hợp tác giữa Trung Quốc với châu Âu, mới cho thể làm cho tương lai của hợp tác giữa Trung Quốc với châu Âu tốt đẹp hơn – Sina kết luận.
Ngư lôi hạng nặng DM2A4 Đức. Ảnh: Sina