Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu thăm Trung Đông từ ngày 13/7. Ảnh: AP
Chọn thăm Israel và Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã lựa chọn các vấn đề liên quan đến Iran là “trọng tâm nghị sự” vì bản chất đây là 2 “kình địch” của Tehran tại Trung Đông giữa bối cảnh các nước phương Tây, Israel và Arập đang lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran cũng như các hành động của Iran trong khu vực. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Iran “đang nóng” và nhóm cường quốc P5+1 vẫn chưa thể khôi phục Thỏa thuận hạt nhân 2015.
Trước chuyến thăm, nhiều thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ thành lập một liên minh phòng không Trung Đông giữa Israel và các nước Arập, để cùng đối trọng với Iran. Tuy nhiên, có một trở ngại là Saudi Arabia vẫn chưa thể bình thường quan hệ với Israel, do đó, thế giới đang trông chờ vào điều kỳ diệu cho mối quan hệ Israel - Saudi Arabia, biến cựu thù thành bạn.
Nhiều người dân Israel bày tỏ lạc quan, kỳ vọng về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden.
“Tôi thực sự hy vọng rằng Tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm tới đây sẽ cố gắng giải quyết một số vấn đề mà chúng tôi gặp phải với người Palestine, sẽ cố gắng để mối quan hệ của chúng tôi với Saudi Arabia, UAE và các nước Arập khác trở nên gần gũi hơn và nâng cao vị thế của Israel ở Trung Đông”, một người dân Israel cho biết.
Một số người cho cho rằng, chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với đồng minh số 1 khu vực là Israel, giữa lúc chính trường nước này đang và sắp có những biến động lớn.
“Israel và các quốc gia Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni đang mong đợi Biden tuyên bố dứt khoát cam kết của Mỹ ở lại Trung Đông, tài trợ cho một liên minh phòng thủ hiệu quả, chủ yếu chống lại chủ nghĩa khủng bố, bạo lực và thao túng của Iran trong khu vực. Israel kỳ vọng ông ấy có thể nâng cấp quan hệ Israel – Saudi Arabia”.
Xác nhận những trọng tâm nghị sự trong chuyến công du Trung Đông của “ông chủ Nhà Trắng”, Cố vấn an ninh Jake Sullivan cho biết, Mỹ muốn Israel hội nhập sâu rộng hơn tại Trung Đông, nhưng chưa dám khẳng định mối quan hệ Israel – Saudi Arabia có thể cải thiện trong “một sớm, một chiều”.
Ngoài ra, theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, chuyến thăm Saudi Arabia lần này cũng sẽ là cơ hội để Tổng thống Mỹ và giới lãnh đạo Saudi Arabia – quốc gia đầu tàu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC thảo luận sâu rộng hơn về vấn đề an ninh năng lượng, cuộc khủng hoảng “giá dầu”, và cách thức hạ nhiệt “cơn khát dầu” của thế giới hiện nay.
“Trước tiên, chúng tôi đã thấy OPEC thực hiện một bước đi có ý nghĩa liên quan đến việc tăng sản lượng dầu trong tháng 7 và tháng 8, đó là một bước tích cực, chúng tôi hoan nghênh nó. Và chúng tôi sẽ có cơ hội trong chương trình nghị sự rất rộng này để nói chuyện về an ninh năng lượng với các nhà lãnh đạo của OPEC tại Trung Đông. Chúng ta hãy chờ xem kết quả thu được là gì – điều do các nước OPEC quyết định cuối cùng”, ông Sullivan nói.
Trong chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Mỹ cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo các nước UAE và Ấn Độ, để thảo luận thêm cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên thế giới hiện nay./.