Kế hoạch quân sự khổng lồ của Trump và phản ứng từ Quốc hội
Với Tổng thống đắc cử Donald Trump, để thực hiện được một cách suôn sẻ kế hoạch đầy tham vọng trị giá nhiều tỷ USD như đã hứa nhằm biến Quân đội Mỹ trở nên hùng mạnh hơn với thêm nhiều tàu to, súng lớn, thêm máy bay, và tất nhiên là thêm cả lính thì ông ta phải hy sinh thứ gì đó!
Bởi lẽ, ngay như phe diều hâu trong Đảng Cộng hòa cũng đang chiến đấu để lấy lại sự cân trong bằng ngân sách liên bang hay phe Dân chủ muốn có sự bình đẳng trong chi tiêu quốc phòng và chi tiêu phi quân sự? Các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ lâu đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Hiện giờ Trump vẫn chưa chốt chính thức ứng viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, người sẽ là chủ công trong kế hoạch tham vọng này, và Trump cũng đã rút lại một số đề nghị cho những nhân sự trọng yếu khi vận động tranh cử.
Thế nên, liệu rằng Trump có còn bằng mọi giá giữ khư khư quan điểm như đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử và tất nhiên trong đó bao gồm cả việc "mua thêm vũ khí".
Nhà phân tích ngân sách quốc phòng Todd Harrison, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết:
"Chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ càng những gì ông ấy đã hứa trong chiến dịch và đâu là những thứ khả thi, có thể thực hiện được?".
"Chắn chắn sẽ xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ nếu Trump cố tình nhắm mắt thực hiện tất cả những lời hứa của mình trong cuộc vận động tranh cử. Sẽ không có một mức tăng trưởng kinh tế nào đáp ứng nổi những khoản chi đó".
Binh sĩ Mỹ huấn luyện bắn đạn thật!
Trong chiến dịch này, Trump đề xuất kế hoạch từ giảm thuế, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng cho tới phát triển quân đội, trong khi lại muốn duy trì, không cắt giảm phục lợi xã hội và y tế.
Tax Foundation - một tổ chức nghiên cứu có xu hướng bảo thủ dự báo những kế hoạch này có thể khiến nợ công tăng thêm trong khoảng từ 4.400 - 5.900 tỷ USD - trong đó, nếu thực sự xảy ra, dường như sẽ châm ngòi cho một cuộc lật đổ ngay trong nội bộ Đảng Cộng Hòa.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở tiểu bang Bắc Carolina Walter Jones, một thành viên thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã bình luận "Ông ấy sẽ lấy tiền đâu cho những khoản mua sắm ấy như thế nào? Cứ chi, cứ tiêu, mua sắm bạt mạng ư? Ở một góc độ nào đó chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng tới Quân đội Mỹ bởi vì chúng ta không thể chi trả cho những hóa đơn khổng lồ đó".
Kế hoạch 100 ngày đầu của Trump bao gồm trọng tâm "gỡ bỏ những rào cản đối với quốc phòng".
Trong khi đó, Đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để đạt được sự bình đẳng trong ngân sách giữa chi tiêu quân sự và phi quân sự, vì vậy, nếu Trump tìm cách tháo những "vòng kim cô" của Luật kiểm soát ngân sách Liên bang thì sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh cãi quyết liệt.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở tiểu bang Washington Patty Murray thẳng thắn "Đảng Dân chủ đã và đang chiến đấu cho những sự công bằng vốn luôn luôn được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Chiến dịch này chẳng thay đổi gì hết. Chúng tôi tin chắc như vậy".
Thượng nghị sĩ Claire McCaskill, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện khôn khéo bóng gió rằng sẽ có sự thỏa hiệp và cân đối giữa những kế hoạch phát triển quân đội với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng - vấn đề đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa.
"Tôi không biết liệu rằng ông ấy có phép thần để thu phục hay họ tự thay đổi toàn bộ suy nghĩ, nhưng rõ ràng đó là ưu tiên số 1 của Trump, thế nên sẽ rất thú vị chờ xem những đồng nghiệp của ông ấy thuộc Đảng Cộng hòa phản ứng thế nào", bà McCaskill nói về kế hoạch xây dựng hạ tầng.
"Câu hỏi là: làm cách nào ông ta có thể thuyết phục được tất cả mọi người khi họ đều biết rằng ngân sách vốn đang eo hẹp, không đủ chi tiêu trong nước".
Biên đội tàu sân bay Mỹ biểu dương lực lượng.
Hứa thật nhiều, thực hiện được bao nhiêu?
Trump hứa sẽ phát triển quân đôi, đưa số binh sĩ thường trực của Lục quân Mỹ lên 540.000 người, hải quân đóng 350 tàu mới, và Không quân có tổng cộng 1.200 máy bay chiến đấu và Lực lượng Thủy quân lục chiến có 36 tiểu đoàn.
Trump cũng hứa sẽ phát triển "hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân" để hiện đại hóa các tàu tuần dương của Hải quân và đưa năng lực phòng thủ tên lửa đường đạn lên một tầm cao mới.
Mackenzie Eaglen (Học viện Doanh nhân Hoa Kỳ) và Rick Berger (Trung tâm Marilyn Ware) ước tính rằng kế hoạch chi ngân sách quốc phòng của Chính quyền Tổng thống Obama đương nhiệm cũng đã vượt quá ngưỡng cho phép của Luật Ngân sách Liên Bang tới 113 tỷ USD trong khi đó, kế hoạch của Trump còn yêu cầu thêm 100 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Martha McSally, một cựu sĩ quan cao cấp Không quân Mỹ nghỉ hưu, hiện đang là thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, người ủng hộ nhiệt thành kế hoạch phát triển quân đội đầy hứa hẹn của Trump đã chỉ ra rằng:
"Tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Mỹ đang ở mức tồi tệ và các mối đe dọa toàn cầu đang là cái cớ để phe diều hâu trong Đảng Cộng hòa đưa ra yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng. Số lượng vũ khí có sức mạnh của nó", McSally, Nghị sĩ tiểu bang Arizona nói.
"Chúng ta phải đảm bảo về an toàn ngân sách, nhưng trang bị cho người lính những vũ khí họ cần là điều mà hầu hết mọi người có thể đồng ý đó cũng là trách nhiệm của chính phủ".
Được hỏi làm cách nào mà chính phủ có thể đủ tiền chi cho kế hoạch phát triển quân đội khổng lồ, một số thành viên có thế lực của Khối tự do Hạ viện đang soi rất kỹ vào chính sách thuế của Trump, vốn được cho là đảo ngược xu thế, khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài chảy về trong nước.
Tàu chiến tàng hình thế hệ mới của Hải quân Mỹ.
Về bản chất, một chính sách hợp lý sẽ khuyến khích các tập đoàn "mang tiền về" để được hưởng những ưu đãi từ mức thuế suất thấp.
Tuy nhiên, Ông Adam Smith - nghị sĩ đảng Dân chủ bang Washington và là thành viên của Ủy ban Quân vụ hạ viện Mỹ đã lập luận trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/11 rằng, kế hoạch quốc phòng đầy tham vọng của Trump áp dụng đồng thời cùng chính sách cắt giảm thuế và đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là vô nghĩa.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù chưa nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng những kế hoạch của Trump dường như đang vấp phải quá nhiều rào cản, từ trong nội bộ Đảng Cộng Hòa cho tới phe đối lập là Đảng Dân chủ.
Liệu Trump sẽ có sự hy sinh hoặc điều chỉnh cho hợp thế, thời hay vẫn nhất quyết vung tay và chấp nhận đương đầu với những khó khăn chồng chất đang ở phía trước? Cả nước Mỹ đang "nín thở" và "sôi sục" trước mộng bá chủ quân sự toàn cầu của ngài tân Tổng thống - Tỷ phú mà trước đó không mấy ai tin sẽ đắc cử.