Trump nhận cảnh báo: "Không nhờ Nhật Bản, Trung Quốc có thể đã chiếm Hawaii"

Hải Võ |

Truyền thông Nhật Bản gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump những thông điệp mạnh mẽ, khi ông có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe hôm 17/11.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Trump gặp mặt kể từ khi ông đắc cử Tổng thống.

Trong giai đoạn diễn ra bầu cử Mỹ, chính phủ và báo giới Nhật từng công khai chỉ trích và nghi ngờ chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng thống Barack Obama sẽ ra sao dưới thời Trump.

Việc ông Trump thắng cử được cho là "ngoài dự đoán" của các nhà cầm quyền Nhật, do đó cuộc gặp hôm 17/11 tại New York là một sự kiện quan trọng giúp ổn định quan hệ hai nước. Thủ tướng Abe lạc quan nói rằng ông đã xây dựng được "mối quan hệ tín nhiệm" với Tổng thống đắc cử Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc gặp 90 phút được tiến hành có phần vội vã này dường như đã gây ra sự bất mãn trong dư luận Nhật.

Báo Japan Times ngày 17/11 viết: "Abe cần phải nêu rõ với Trump rằng nếu không có Nhật Bản, Trung Quốc có thể đã chiếm được Hawaii rồi".

Theo tờ này, Thủ tướng Abe không chỉ đại diện cho nước Nhật mà còn đại diện cho danh tiếng của tất cả các quốc gia đồng minh có quan hệ quốc phòng tương hỗ với Mỹ.

Dư luận trong nước của Nhật tin rằng, giống như các đồng minh khác của Washington, Tokyo đã duy trì lực lượng vũ trang đủ mạnh để phù hợp với các lợi ích của Mỹ.

Nếu quân đội Mỹ rút khỏi Nhật Bản vì lý do kinh phí, như ông Trump từng đe dọa, Nhật sẽ bị suy yếu về mặt an ninh. Điều này đồng thời gây hậu quả trực tiếp lên sức ảnh hưởng và vị thế siêu cường của Mỹ.

Japan Times ví von, ông Abe mang một nhiệm vụ rất đơn giản: Thuyết phục Trump rằng vai trò toàn cầu của nước Mỹ không giống như việc phải trả tiền sinh hoạt cho vợ cũ, mà là khoản đầu tư có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cả xây cao ốc ở thành phố New York.

Kyodo News ngày 19/11 dẫn lời giáo sư Đại học Takushoku, Nhật Bản, ông Takashi Kawakami cho hay: "Nền tảng tư duy và thực dụng của Trump sẽ không thay đổi khi ông trở thành tổng thống. Trump nhiều khả năng sẽ nhìn nhận chính sách ngoại giao như những giá trị có thể thương lượng.

Nhật Bản cần phải chứng minh vai trò của mình đối với lợi ích Mỹ và thuyết phục Trump rằng nước Mỹ đang bảo vệ chính mình (khi hiện diện quân sự tại Nhật-PV), và Nhật không phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ.

Trump sẽ chỉ thỏa hiệp với Nhật Bản khi ông ta xem Nhật là một đối tác".

Trong động thái mới nhất được cho là để củng cố vị thế ở Đông Bắc Á trước Trung Quốc, Nhật Bản mới đây đã đạt bước tiến quan trọng cùng Hàn Quốc khi ký kết thỏa thuận chia sẻ chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhằm đối phó mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tokyo cũng tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Australia, Philippines, Ấn Độ và một số đối tác Đông Nam Á khác.

Bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang tổ chức ở Peru, ông Abe dự kiến có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm thắt chặt quan hệ và xúc tiến việc ông Putin thăm Nhật.

Ở một diễn biến khác, báo Huffington Post (Mỹ) nhận định, nội các của ông Abe có phần lo lắng và vội vã trong việc tái khẳng định và xác nhận tầm quan trọng hiệp ước bảo đảm an ninh song phương, cũng như duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á để kiềm chế sự bành trướng rõ rệt của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) thì đánh giá, mặc dù cuộc gặp hôm 17/11 đã củng cố lòng tin về quan hệ Mỹ-Nhật, nhưng ông Trump trên thực tế không mang lại hứa hẹn thực chất nào cho ông Shinzo Abe.

Hoàn Cầu khẳng định Mỹ và Nhật Bản nên "quên đi chiến lược kiềm chế Trung Quốc" và "hợp tác với Bắc Kinh để mang lại tương lai thịnh vượng, phát triển lâu dài cho châu Á".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại