Trong bài phân tích mới đăng trên trang Project Syndicate, giáo sự Joseph S. Nye từ Đại học Harvard, cựu Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhận định trong số hàng loạt vấn đề đối ngoại mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phải xử lý, có những then chốt gồm: Quan hệ Mỹ-Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Nga, và tình hình Trung Đông.
Để xử lý tốt các khu vực ngoại giao này, điều kiện cần là Mỹ sở hữu lực lượng vũ trang hùng mạnh. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ.
GS. Nye tin rằng tại châu Á-Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo mối lo của Ấn Độ, Nhật Bản và các đối tác khác của Mỹ. Nhu cầu cân bằng thế lực ở châu Á đã tạo điều kiện tốt để Mỹ hiện diện tại đây.
Làm cách nào xử lý tốt ảnh hưởng toàn cầu gia tăng từ Trung Quốc là bài toán chính sách đối ngoại mà chính quyền Trump phải nghiên cứu, xa hơn nữa đó là câu hỏi đối với nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong bối cảnh này, ông Nye nhận xét "sách lược kép" mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa theo đuổi là định hướng đúng đắn.
"Sách lược kép", nghĩa là song song với việc đón nhận Bắc Kinh tham dự thiết lập trật tự thế giới tự do (the liberal world order), Mỹ luôn luôn phải củng cố và tăng cường hiệp ước quốc phòng với đồng minh Nhật Bản.
Mỹ không cần cố gắng kiềm chế Trung Quốc, Bắc Kinh đang tự làm điều đó
Vào thập niên 1900, sự trỗi dậy thần tốc của nước Đức, khi đó vượt qua Anh một cách toàn diện, đã gây ra mối quan ngại trên toàn châu Âu và thúc đẩy Thế chiến I bùng phát vào năm 1914.
Giáo sư Joseph S. Nye
Tuy nhiên, Joseph Nye gạt bỏ mối lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ông cho rằng Trung Quốc không có khả năng vượt qua Mỹ hoàn toàn về thực lực kinh tế, chính trị hay quân sự để tạo ra mối đe dọa thực sự đến trật tự quốc tế sau Thế chiến II.
Ngay cả khi vào thập niên 2030, 2040, quy mô nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ thì thu nhập bình quân đầu người, chỉ số đánh giá đúng hơn về sự phát triển của một nền kinh tế, của Trung Quốc chắc chắn vẫn không so sánh được với Mỹ.
Mặt khác, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khó bắt kịp quân đội Mỹ về "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm".
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng dự đoán, Trung Quốc có thể khiến Mỹ chật vật mới giành phấn thắng trong cuộc cạnh tranh, nhưng chỉ cần Mỹ còn mở rộng cửa đón nhận giới tinh anh trên toàn cầu thì Trung Quốc sẽ không thay thế được Mỹ.
Nye lập luận, chính quyền Trump không cần cố gắng kiềm chế Trung Quốc mà nên để Bắc Kinh tự làm điều đó. Mỗi khi Bắc Kinh xảy ra tranh chấp về lãnh thổ với các láng giềng ở biển Đông hay biển Hoa Đông thì họ đã kìm hãm sự phát triển của chính mình và tụt sâu hơn trong cuộc đua với Mỹ.
"Quốc gia duy nhất chó thể kiềm chế Trung Quốc chính là Trung Quốc," Nye viết.
Theo ông, điều Trump cần tập trung là khởi xướng nhiều sáng kiến kinh tế ở Đông Nam Á, củng cố các quan hệ đồng minh với Nhật và Hàn Quốc, đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ với Ấn Độ.
Đối với quan hệ Mỹ-Trung, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger mới đây trả lời phỏng vấn tạp chí Atlantic (Mỹ) nói rằng với công nghệ quân sự mà hai nước sở hữu, một cuộc xung đột vũ trang sẽ trở thành thảm họa.
Chiến tranh Mỹ-Trung sẽ dẫn đến sự phân liệt trên toàn cầu, nhưng chưa chắc xác định được "kẻ thắng". Hai nước không có lựa chọn khác ngoài tìm cách đạt được sự hiểu biết lẫn nhau.
Theo Kissinger, đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng kêu gọi Trump thận trọng với ý định phát động "cuộc chiến thương mại" chống Trung Quốc, bởi điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn đến trật tự thế giới hiện đại.