Trước giờ ra đi, Obama "dọn sẵn" cho Trump 1 cuộc chiến không khoan nhượng với Bắc Kinh

Hải Võ |

Khi các chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama sắp trở thành "di sản", giờ là lúc đánh giá ông đã đi đến đâu với Trung Quốc sau 8 năm cầm quyền.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, Obama đã làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm là Tập Cận Bình từ tháng 3/2013.

Nhà bình luận của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Cary Huang, đánh giá ông Obama nhìn chung đã duy trì được quan hệ đối tác tương đối ổn định và thân thiện giữa hai nước trong nhiệm kỳ đầu.

Tuy nhiên, tình hình đã xấu đi nhanh chóng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, bắt đầu 2 tháng sau khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc.

Obama và Tập Cận Bình đánh dấu khởi đầu lạc quan khi thỏa thuận về "quan hệ nước lớn kiểu mới" và xây dựng hình ảnh quốc tế mẫu mực về quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo thông qua cuộc gặp ở Sunnylands, California và "ngoại giao tản bộ" ở Trung Nam Hải.

Thành tựu đáng kể nhất trong quan hệ Obama-Tập chính là lễ phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu hồi đầu tháng 9.

Cary Huang chỉ ra, "thời đại Obama-Tập Cận Bình" sẽ kết thúc trong ngờ vực và bất ổn vào tháng 1/2017, với bầu không khí căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương cùng sự bất tín nhiệm leo thang ở hai lĩnh vực: Địa chính trị và an ninh.

Trước giờ ra đi, Obama dọn sẵn cho Trump 1 cuộc chiến không khoan nhượng với Bắc Kinh - Ảnh 1.

"Thời kỳ Obama-Tập Cận Bình" sắp kết thúc. (Ảnh: AFP)

Washington quan ngại trước sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và quân sự. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn, đi cùng kế hoạch tăng cường quân sự ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu trong thời đại mới nhằm vào trật tự quốc tế giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, dẫn chứng bằng việc ông Tập khôi phục các cơ chế kiểm soát chính trị nghiêm khắc từ thời Mao Trạch Đông, cũng như chính sách đối ngoại mang thái độ không thân thiện với phương Tây.

Còn Bắc Kinh coi chiến lược "xoay trục châu Á" của Obama là nỗ lực ngăn cản Trung Quốc trỗi dậy. Tương tự, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữ Mỹ và 11 nước cũng bị Trung Quốc cho là để kìm hãm ảnh hưởng kinh tế đang lên của Bắc Kinh.

Theo ông Huang, cá tính và khuynh hướng tư tưởng của mỗi nhà lãnh đạo, các mối quan tâm trong nước và sự biến đổi môi trường kinh tế-địa chính trị thường tạo ra ảnh hưởng lên quan hệ ngoại giao giữa các nước.

Ông cho rằng, chính những biến động "kịch tính" từ các nhân tố trên là lý do dẫn đến "sự thâm hụt lòng tin" giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Kết quả là Bắc Kinh và Washington ngày càng dành cho nhau những thái độ cứng rắn trong vài năm trở lại đây.

Khi Obama chỉ còn 2 tháng cầm quyền, hai nước chuẩn bị bước vào một thời kỳ mới của Donald Trump và Tập Cận Bình.

Hai nhà lãnh đạo sẽ phải tìm cách làm việc với nhau, vượt qua khác biệt về hệ thống chính trị, tư tưởng và các mục tiêu chiến lược... để Mỹ và Trung Quốc cùng tồn tại một cách hòa bình.

Obama ra đi, nhưng đã để lại một vũ đài "dọn sẵn" cho Trump, với xu thế đối đầu chính trị và chiến lược Mỹ-Trung ngày một leo thang và căng thẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại