"NATO Ả rập" là gì?
Nhưng với chuyến đi này, ông Trump có được những bước đi đầu tiên trong quá trình thực hiện ý tưởng ấy.
Tại Ả rập Xê út, Trump ký kết với Quốc vương nước này thỏa thuận về mua bán vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại trị giá 350 tỷ USD, có hiệu lực ngay 110 tỷ USD và 240 tỷ còn lại trải dài cho 9 năm tiếp theo.
Cũng ở vương quốc này, ông Trump đã có cuộc gặp với lãnh đạo của tất cả 6 quốc gia thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và hội kiến với lãnh đạo của gần 50 quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
"NATO Ả rập" là khái niệm được Tổng thống Mỹ dùng để đặt tên cho tập hợp lực lượng mà ông đang gắng công gây dựng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Cốt lõi của nó là liên minh quân sự đa quốc gia như NATO, nhưng không chỉ là một liên minh quân sự thuần tuý. Mỹ là thành viên trụ cột nhưng lại không đảm nhận vai trò quân sự chủ chốt.
NATO đặc thù ở Điều 5 trong Hiệp ước về thành lập ra nó với nội dung là khi một thành viên bị tấn công hay đe dọa thì coi như cả liên minh bị tấn công hay đe doạ. Ở cơ chế chỉ huy, hoạt động quân sự của nó với bộ chỉ huy chung và sử dụng quân đội cũng như cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần của tất cả các nước thành viên.
NATO được thành lập để đối phó Liên Xô và phục vụ trước hết cho Mỹ đối phó Liên Xô, nên Mỹ đóng vai trò chủ chốt về mọi phương diện. Còn "NATO Ả rập" của ông Trump nhằm mục tiêu đối phó Iran và tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mức độ tham gia trực tiếp các hoạt động quân sự được Mỹ chủ ý hạn chế ngay từ đầu. Đấy là kết quả của những bài học mà Mỹ đã rút ra được từ những cuộc chiến tranh tiến hành ở khu vực này và ở Afghanistan với kết quả là thắng ít bại nhiều, giải quyết được một vấn đề thì gây ra nhiều vấn đề khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud (Ảnh: Reuters)
Với "NATO Ả rập", Mỹ không tham chiến trực tiếp mà chỉ đứng đằng sau, hỗ trợ bằng vũ khí và hậu cần quân sự, bằng không kích từ xa và thông tin tình báo để tránh bị thiệt hại về người. Hay nói cách khác, Mỹ dùng các thành viên của "NATO Ả rập" tham chiến thay Mỹ.
Đối với chính quyền của ông Trump, việc tiêu tốn nhiều tiền không nguy hại bằng thiệt hại về binh lính ở bên ngoài nước Mỹ. Washington có lợi ích thiết thực với tập hợp lực lượng này vì ông Trump đã xác định dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho tiêu diệt IS, đồng thời không giấu diếm thái độ thù địch Iran.
Trump lợi dụng lo ngại của các đồng minh Mỹ ở khu vực về mối đe dọa an ninh từ IS và về sự trỗi dậy của Iran, đặc biệt ở thời kỳ hậu thỏa thuận hạt nhân Iran. Ở đây thuần túy là chuyện bên này cần bên kia và chủ ý lợi dụng bên kia chứ không phải vì thân thiện hay yêu quý lẫn nhau.
"NATO Ả rập" ngay từ đầu chỉ là cuộc hôn nhân vì lý trí.
Cuộc đối đầu thực sự đằng sau sáng kiến "NATO Ả rập"
62 năm trước, ở Trung Đông cũng đã từng có liên minh quân sự được thành lập để đối phó Liên Xô.
Middle East Treaty Organization (METO) được Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq thành lập năm 1955. Đến năm 1959 đổi thành Central Treaty Organization (CENTO) với sự tham gia thêm của Anh, Iran và Pakistan.
Mỹ là quan sát viên, nhưng với những hiệp ước hợp tác quân sự song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan nên chẳng khác gì thành viên chính thức trong thực chất.
CENTO tồn tại cho tới năm 1979 thì bị tan vỡ bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran. Số phận của CENTO rất có thể là điềm báo rằng "NATO Ả rập" không hẳn đoản thọ, nhưng nhiều khả năng chỉ hữu danh vô thực.
Thực tiễn cuộc chiến chống IS những năm vừa qua cho thấy không có Mỹ và Nga thì các nước trong khu vực có thể làm suy yếu nhưng không thể tiêu diệt được IS, và Ả rập Xê út hay thậm chí thành viên NATO "xịn" Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây khó cho Iran nhưng không cản được sự trỗi dậy của Iran ở khu vực về mọi phương diện, nhất là ở thời sau khi vấn đề hạt nhân của Iran đã được giải quyết.
Các địch thủ của Iran cần Mỹ và hiện có nhu cầu tranh thủ, tận dụng và lợi dụng ông Trump vì thế. Họ đáp ứng những yêu cầu của ông Trump nhưng đồng thời cũng để ràng buộc Mỹ vào chung số phận với họ.
Lợi ích quyết định liên minh và sự bền tồn của liên minh phụ thuộc vào lợi ích. Bởi vậy, "NATO Ả rập" của ông Trump như được thiết kế hiện tại là liên quân nhiều hơn là liên minh, hoặc một dạng hỗn hợp giữa liên minh và liên quân.
Điểm yếu nữa của "NATO Ả rập" là ông Trump coi Ả rập Xê út là hạt nhân chính. Vương triều này hiện đi đầu trong cuộc xung đột giữa dòng Sunni và dòng Shia, mà biểu hiện ra bên ngoài là chính sách trấn áp người Shia ở trong nước và thù địch với Iran.
Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, mối quan hệ giữa hai dòng tôn giáo này trong đạo Hồi không căng thẳng và bạo lực như hiện tại. "NATO Ả rập" như thế là bằng chứng cho thấy ông Trump đứng hẳn về phía Ả rập Xê út và qua đó về phía dòng Sunni chống Iran và chống dòng Shia.
"NATO Ả rập" có thể giúp Riyadh và những vương triều khác ở vùng Vịnh duy trì được thể chế và sự thống trị của dòng Sunni đối với dòng Shia ở đó. Nhưng không chỉ ở Iran mà còn ở nhiều quốc gia khác trong thế giới Hồi giáo, dòng Shia chiếm đa số dân chúng.
Không chỉ Iran chống mà cả những quốc gia này rồi cũng không thể cùng hội cùng thuyền được với "NATO Ả rập" của ông Trump.
Góp phần làm cho sự phân rẽ trong thế giới Hồi giáo thêm sâu sắc và trầm trọng như thế rồi sẽ nhanh chóng lợi bất cập hại và phản tác dụng đối với Mỹ và chính ông Trump.