Đại sứ Trương Triều Dương: Không chỉ Philippines, Đông Nam Á cần cảnh giác với IS

Ngọc Anh (thực hiện) |

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương trao đổi với Báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 25/5, cảnh báo nguy cơ IS bành trướng ở Đông Nam Á.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ và tính chất nghiêm trọng của sự kiện nhóm phiến quân Maute tiến vào thành phố Marawi của Philippines ngày 23/5, khiến Tổng thống Duterte đã phải rút ngắn chuyến công du đến Nga để trở về đất nước ngay lập tức và ban bố tình trạng thiết quân luật ở khắp vùng Mindanao?

Vùng Mindanao của Philippines đã là một vùng với nhiều bất ổn từ rất lâu. Tuy nhiên, từ năm 2012, Chính phủ Philippines và phe đối lập nổi dậy gọi là MILF (Moro Liberation Islamic Front – Mặt trận Giải phóng Hồi giao Moro) đã có một thỏa thuận và tiến tới sẽ xây dựng một chính quyền mang tính chất hòa hợp dân tộc ở Mindanao, thiết lập hòa bình.

Tình hình tưởng như yên ổn. Thỏa thuận đó đã đặt ra nhiều hy vọng. Mọi việc tiến triển theo hướng thuận lợi cho tới khi ở Mindanao xuất hiện một nhóm phiến quân, có thể gọi là khủng bố, chuyên bắt cóc và tống tiền, chống lại tiến trình hòa hợp dân tộc ở Philippines, gọi là Abu Sayyaf.

Đại sứ Trương Triều Dương: Không chỉ Philippines, Đông Nam Á cần cảnh giác với IS - Ảnh 1.

Tới nay, đây là lực lượng chống đối mạnh nhất và nguy hiểm nhất ở Mindanao. Còn nhóm phiến quân Maute vừa tràn vào thành phố Marawi theo tin tức là ngày 23/5 thì mới nổi lên khoảng 2 năm trở lại đây, là một trong hàng chục nhóm phiến quân tương tự đang tồn tại ở Philippines. Nhóm này đã tự thề là trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2015.

Sự kiện nhóm phiến quân Maute, theo lời kêu gọi “cứu viện” của một thủ lĩnh đang bị vây bắt Abu Sayyaf tại thành phố Marawi tiến vào thành phố này, dùng bạo lực chiếm một số cơ sở công cộng và bắt một số người dân – trong đó có những người theo Kito giáo – làm con tin là lần đầu tiên xảy ra như vậy.

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng đây là một hiện tượng nguy hiểm, không thể coi thường được.

Sự kiện này khiến tôi liên tưởng tới chiến thuật của IS ở Iraq – đánh chiếm Mosul và từ đó bành trướng ra, thu hút thêm lực lượng.

Phải chăng, nếu như chúng ta không cảnh giác thì Marawi, Maute có thể trở thành một tiền đồn của IS ở Đông Nam Á? Lúc đó, đây sẽ không còn là câu chuyện riêng của Philippines. Về mặt địa chính trị, dù chúng ta không bao giờ phân biệt tôn giáo, nhưng thực tế là Hồi giáo tồn tại ở nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Nếu Marawi trở thành một “Mosul thứ hai” thì sẽ rất nguy hiểm. Những điều này chúng ta đã e ngại từ lâu, sự kiện ở Marawi là một minh chứng rằng những lo ngại đó là có căn cứ.

Đây là điều mà tất cả các quốc gia ASEAN cần quan tâm và nếu cần thì phải có những nỗ lực chung để giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thành lập cộng đồng ASEAN. ASEAN sẽ trở thành một mái nhà chung.

Đại sứ Trương Triều Dương: Không chỉ Philippines, Đông Nam Á cần cảnh giác với IS - Ảnh 2.

Quân đội Chính phủ Philippines đã bắt đầu thực hiện tấn công để quét sạch nhóm phiến quân Maute đang có mặt tại thành phố Marawi. Ảnh: Inquirer

Đáng chú ý, cùng thời điểm với sự kiện ở Marawi là vụ nổ bom ở Jakarta, Indonesia. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hay có thể đó là một sự sắp xếp? Hôm nay nổ bom ở Indonesia, ngày mai có thể là ở một nơi nào khác không? Vì vậy, trước sự kiện ở Marawi, chúng ta phải cảnh giác.

Tất cả các nước cần phải cảnh giác. Tôi nhấn mạnh là tất cả các quốc gia, tất cả thành viên của ASEAN, chứ không phải chỉ riêng quốc gia nào. Những xung đột về sắc tộc và tôn giáo luôn để lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi nghĩ đây là vấn đề trong tương lai của cả ASEAN và các nước cần cảnh giác, phối hợp giải quyết ngay từ bây giờ.

Sự kiện ở Marawi giúp báo động điều gì cho Đông Nam Á về khủng bố IS và "chân rết" của mạng lưới này ở khu vực?

Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng IS đang ngày càng cố gắng thể hiện sự có mặt của mình ở nhiều nơi, nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á, sau khi IS bị tổn thất nặng nề và bị đánh bật tại căn cứ địa ở Trung Đông.

Đã có những lo ngại rất lớn và từ lâu là IS sẽ chuyển mục tiêu và địa bàn hoạt động của họ đến Đông Nam Á vì ở đây cũng có sự hiện diện mạnh của cộng đồng người Hồi giáo, trong đó có bao gồm cả một số phần tử Hồi giáo cực đoan.

Những lo ngại về việc IS hiện diện ở khu vực đang trở thành hiện thực và rất đáng báo động. Tôi nhắc lại là chúng ta nên cảnh giác và chúng ta cần phải hành động.

Thực tế ở Marawi thì chính phủ Philippines cũng đã hành động ngay. Ông dự báo tình hình "chiến sự" ở Marawi sắp tới sẽ như thế nào?

Tôi có cơ hội được tiếp xúc và hiểu về Tổng thống Philippines, ông Duterte, khá rõ. Vì vậy, thứ nhất, tôi tin ở ông Duterte, về một điểm. Đó là, Duterte là một người mà khi đã nói gì thì rất dứt khoát và rất trung thành với những gì mình đã nói.

Với việc chống khủng bố, ông Duterte đã hứa sẽ cương quyết tiêu diệt khủng bố ở bất cứ nơi nào, bất cứ đâu, bằng đủ mọi biện pháp.

Đại sứ Trương Triều Dương: Không chỉ Philippines, Đông Nam Á cần cảnh giác với IS - Ảnh 3.

Đại sứ Trương Triều Dương (thứ hai từ trái) chụp ảnh cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cựu Ngoại trưởng Perfecto Yasay (Ảnh: Facebook nhân vật)

Việc ông Duterte dù đang đi thăm Nga nhưng vẫn sẵn sàng về nước sớm để giải quyết sự việc xảy ra ở Marawi thể hiện quyết tâm của ông, đặc biệt trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố.

Thứ hai, Philippines có lực lượng quân đội, chống khủng bố khá tinh nhuệ, được đào tạo, có khả năng tác chiến tốt. Tôi từng là một người lính và tôi đánh giá lực lượng của chính phủ Philippines có thể “đánh” được ở Marawi.

Việc Duterte sử dụng biện pháp “thiết quân luật” tôi đã thấy truyền thông có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn phải chờ đợi các diễn biến tiếp theo. Tôi rất mong ông Duterte sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống khủng bố này.

Mong rằng tất cả những biện pháp mà ông Duterte đưa ra đều đúng, đều sẽ thu hoạch được những kết quả khích lệ, mang lại lợi ích cho đất nước và người dân Philippines, đóng góp vào nền hòa bình chung và sự ổn định chung của khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại