Đội chuyển giao của Trump vừa phát đi một yêu cầu khá "cứng rắn" đối với tất cả những đại sứ Mỹ ở nước ngoài thuộc diện đã được tổng thống Obama "bổ nhiệm chính trị" (không phải nhà ngoại giao chuyên nghiệp).
Theo đó, những đại sứ được "bổ nhiệm chính trị" sẽ phải chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 20/1, không được trì hoãn thi hành yêu cầu này vì bất cứ "ngoại lệ", lý do gì.
Các đại sứ được bổ nhiệm một cách "chính trị" ở Mỹ thường được đích thân Tổng thống, Phó tổng thống hoặc những người có tiếng nói trong chính quyền đề cử.
Họ trở thành các "đại sứ" (dù không có kinh nghiệm trong ngành ngoại giao) như một phần thưởng cho việc đã tài trợ hoặc có quan hệ thân thiết với tổng thống.
Các đại sứ được "bổ nhiệm chính trị" này thường được cử tới các quốc gia đồng minh hoặc có mối quan hệ ít phức tạp với Mỹ (như Anh, Úc, Đức, Canada, Nhật,...). Vì vậy, những nơi họ đến nhận nhiệm vụ thường được cho là khá "lành" và là nơi có thể tận hưởng nhiệm kỳ thú vị.
Các đại sứ được "bổ nhiệm chính trị" thường kết thúc sự nghiệp ngoại giao ngay sau khi tổng thống hết nhiệm kỳ (một điểm khác với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp).
Theo báo New York Times, yêu cầu này từ phía Trump sẽ dẫn tới tình trạng Mỹ không có một đại sứ chính thức (được Thượng viện phê chuẩn), ít nhất trong vài tháng tới, tại mốt số nước đồng minh chủ chốt như Đức, Anh, Canada,...
Đây là một yêu cầu chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị, ngoại giao Mỹ.
Những chính phủ gần đây nhất của các cựu tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Barrack Obama đều cho phép các đại sứ thuộc diện này kéo dài nhiệm kỳ thêm vài tuần đến vài tháng, tùy từng trường hợp cụ thể, chủ yếu là để sắp xếp cuộc sống mới hay trường học của con cái.
Một thành viên cấp cao trong đội chuyển giao của Trump trả lời báo chí rằng không có "ý xấu" nào trong quyết định này. Đây là một quyết định nhằm đảm bảo những nhân viên của Tổng thống Obama sẽ rời nhiệm sở theo đúng kế hoạch chuyển giao.
Trước yêu cầu đột ngột và có phần "bất ngờ" này, nhiều đại sứ Mỹ ở nước ngoài đang có ý định đưa quyết định này lên ông Rex Tillerson - ứng viên Ngoại trưởng của Trump, để ông Tillerson xem xét lại.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngay sau ngày bầu cử 8/11, họ đã thông báo tới tất cả các đại sứ được "bổ nhiệm chính trị" về việc nộp đơn nghỉ việc từ ngày 20/1, đồng thời hướng dẫn các đại sứ này đệ đơn yêu cầu được kéo dài nhiệm kỳ nếu cần thiết.
New York Times cho biết, các đại sứ Mỹ được "bổ nhiệm chính trị" ở Costa Rica, Cộng hoa Séc, Bỉ, Thụy Sĩ,... đều đang phải tìm nhà mới ở các quốc gia này để cố gắng cho con cái họ hoàn thành nốt mấy tháng của năm học.
Họ đã bày tỏ sự thất vọng với quyết định của Trump, khi dẫn lại chuyện Đệ nhất phu nhân tương lai – bà Melania Trump – có thể hoãn không chuyển tới Nhà Trắng ngay để tránh việc cậu con trai 10 tuổi của họ phải chuyển trường giữa học kỳ. Theo họ, những "ngoại lệ" như vậy cũng nên được cân nhắc cho các vị đại sứ.
W. Robert Pearson, một cựu đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và là một học giả tại Viện Trung Đông ở Washington, cho biết: "Yêu cầu này của chính quyền Trump là khá ‘bất thường’. Nó có thể làm suy yếu lợi ích của Mỹ và thể hiện một sự thay đổi vội vàng, làm trầm trọng thêm sự bồn chồn của các đồng minh về mối quan hệ của họ với chính quyền mới của Mỹ".
Thế giới đang lo lắng về những thay đổi đột ngột có thể xảy ra, và "đây là dấu hiệu cho thấy những thay đổi như thế sẽ diễn ra", Pearson nói.
Cho tới nay, Trump đã chọn lựa được 2 đại sứ: Ông David Friedman làm đại sứ Israel và ông Terry Branstad làm đại sứ Trung Quốc.