"Năm 2028, Trung Quốc và Mỹ sẽ phát sinh xung đột trên biển Đông, tàu khu trục Trung Quốc sẽ bắn tên lửa phòng không HQ-9 vào máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ.
Quân đội Mỹ dùng tên lửa Slam-er để tiêu diệt chiến hạm của Trung Quốc. Cục diện căng thẳng Trung - Mỹ sẽ lên đến cao trào.
Lực lượng đặc nhiệm "Chim ưng" của Trung Quốc sẽ cải trang, lén thâm nhập vào Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania, tấn công vào hệ thống lưới điện thông minh của Mỹ, kích hoạt các phần mềm độc hại...
Công nghệ lưới điện sẽ bị phá hoại bắt đầu từ Pittsburgh sau lan ra toàn nước Mỹ. Hệ thống điện lưới toàn quốc của Mỹ sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Không thể chống cự, chính phủ Mỹ chỉ còn cách lựa chọn thỏa hiệp với Trung Quốc, buộc phải rút quân khỏi căn cứ quân sự ở Hawaii...".
Trên đây không phải là nội dung một tiểu thuyết giả tưởng mà là một phần trong cuốn sách "iWar: Chiến tranh và Hòa bình trong thời đại thông tin" của phóng viên nổi tiếng Bill Gertz thuộc tờ Washington Times, người chuyên viết về các chương trình vũ khí Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, tuy chỉ là giả định nhưng điều này cho thấy sức mạnh tác chiến điện tử của Bắc Kinh.
Trước đây, chuyên gia an ninh mạng Greg Austin tại Trung tâm An ninh Mạng của Đại học New South Wales (Mỹ) cũng cho rằng, Washington đang tỏ ra yếu thế trước Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Đồng thời ông cho biết, trong tương lai khả năng tác chiến điện tử của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa nguy hiểm hơn bất cứ thứ gì nước này đang thể hiện tại Biển Đông.
Theo trang Washington Free Beacon, "Trung Quốc hiện nay sử dụng Internet như một chiến trường chính và thường tiến hành các cuộc tấn công bí mật hoặc công khai nhằm vào Washington".
"Trung Quốc hiện nay đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất, mạnh nhất với Mỹ, không có quốc gia nào có sức đe dọa lớn hơn Trung Quốc đối với an ninh nước Mỹ", tờ này bình luận.