Trùm giang hồ Nam Định và những vụ thanh trừng băng nhóm

Hương Vũ |

Thời gian qua, trên địa bàn toàn quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc các băng nhóm, tổ chức tội phạm sử dụng vũ lực giải quyết mâu thuẫn, thanh trừng lẫn nhau, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tội phạm lộng hành, nguyên nhân do đâu?

Bắt trùm giang hồ Nam Định

Ngày 27-7, Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết vừa đấu tranh triệt phá một băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức do đối tượng Trần Thanh Hải - tức Hải “Vinh” (SN 1979, ở đường Thái Bình, phường Trần Tế Xương, Nam Định) cầm đầu.

Đây là băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm, chuyên cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, hoạt động lưu động trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác trên toàn quốc.

Hải “Vinh” bị bắt cùng đám đàn em gồm: Nguyễn Văn Hoài (SN 1989), Trần Quốc Việt (SN 1988) cùng ở phường Trần Tế Xương, Nam Định; Trần Xuân Tình (SN 1976) ở Vũ Thư, Thái Bình và Nguyễn Đình Duy (SN 1987) ở phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến đánh giá, Hải “Vinh” là đối tượng hình sự thuộc loại cộm cán tại Nam Định, có 4 tiền án về các tội trộm cắp, cướp tài sản, liên tiếp gây án và đi tù từ năm 1996 đến 2005; 2 tiền sự về hành vi cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản.

Sau khi ra tù, Hải “Vinh” tiếp tục hoạt động cờ bạc, cho vay lãi, lừa đảo, có liên quan đến các vụ án cướp tài sản, bảo kê, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích mà Cơ quan công an đã và đang giải quyết.

Qua đơn thư tố giác cho thấy, Hải “Vinh” thuộc dạng “xã hội đen” đặc biệt nguy hiểm, có vũ khí “nóng”, sẵn sàng chống trả lực lượng công an.

Theo tài liệu của CQĐT, Hải “Vinh” là con út trong một gia đình có 8 người con.

Năm 2005 sau khi ra tù, Hải sống như vợ chồng với chị Đinh Thị H. (SN 1977, trú tại ngõ Kiến Thiết, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội; là em vợ của Khánh “trắng”) và có 2 con gái.

Tháng 5-2015, Hải và chị H/ ly thân. Sau đó, Hải tiếp tục chung sống với một phụ nữ khác tên Hiền, sinh được một con trai. Hiện vợ hai của Hải là bị can trong một vụ án ma túy do Công an Hà Nội thụ lý với tang vật là 16 bánh heroin.

Sau khi vợ hai bị bắt, Hải “Vinh” bị một số đối tượng chém gây thương tích. Tuy nhiên, anh ta không trình báo Cơ quan công an vụ việc này.

Từ đó, Hải “Vinh” nghi ngờ chị Đinh Thị H. dàn dựng các vụ việc trên để trả thù nên đã tổ chức đàn em thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật đối với chị H.

Chiều 21-7, Hải lái xe ô tô Poscher chở 4 đàn em là Hoài, Việt, Tình và Duy lên Hà Nội tìm bắt chị Đinh Thị H.

Phát hiện chị H. đang ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hải đưa đàn em tới bắt chị H. lên xe ô tô chở đi Bắc Giang.

Trên đường đi, Hải dùng chân tay và điện thoại di động đánh chị H. gây nhiều thương tích rồi đưa chị H. về Nam Định.

Sau khi nhận tin trình báo của bà Lương Thị T., mẹ đẻ chị Đinh Thị H. về việc chị H. bị Trần Thanh Hải bắt giữ, C45 đã khẩn trương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương tổ chức giải cứu chị H.

Chiều 22-7, lực lượng phối hợp đã tiến hành giải cứu chị Đinh Thị H. trong tình trạng đa chấn thương, gãy sống mũi, bị nhốt tại nhà chị gái của Hải “Vinh” ở đường Thái Bình, phường Trần Tế Xương, Nam Định.

Tiến hành truy xét, ngày 23-7, C45 đã bắt giữ Hải “Vinh” khi y đang trên đường ra ga Hải Phòng mua vé để trốn vào các tỉnh phía Nam.

Khám xét khách sạn mà Hải “Vinh” nhờ chị gái đứng tên kinh doanh tại Nam Định, CQĐT thu giữ 1 khẩu súng K59 và 4 viên đạn của Hải cất giấu tại tầng thượng.

Bước đầu, CQĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hải “Vinh” và đàn em về các hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cố ý gây thương tích” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Đáng chú ý, trước đó khoảng hơn 1 tháng, chị Đinh Thị H. từng bị Hải “Vinh” bắt giữ, đánh đập và đã được Công an Hà Nội giải cứu. Đeo đuổi mối thù tức cá nhân này, Hải tiếp tục tổ chức vụ bắt giữ lần 2 đối với chị H.

Báo động hiện tượng tội phạm có tổ chức thanh trừng nhau

Được biết Hải “Vinh” là một trong số đối tượng hình sự cộm cán cầm đầu băng nhóm tội phạm “xã hội đen” đang nổi cộm về những hoạt động có tính chất thanh trừng lẫn nhau gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Điển hình như ngày 5-6, do mâu thuẫn nên một băng nhóm tội phạm ở Bình Định và một băng nhóm ở TP Quảng Ngãi đã sử dụng 6 ô tô, chở vũ khí và hàng “nóng”, hẹn nhau hỗn chiến tại một bãi đất trống tại TP Quảng Ngãi.

Công an Quảng Ngãi đã bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ 1 ô tô cùng 2 đầu đạn súng bắn điện, 1 quả lựu đạn, mã tấu.

Cũng ngày 5-6, tại TP HCM, xuất phát từ mâu thuẫn, nhóm tội phạm do Sỳ Vỹ Sáng (một trong những đàn em của trùm xã hội đen Năm Cam) cầm đầu đã cầm kiếm, mã tấu vào Bệnh viện Quốc Ánh (quận Bình Tân) truy sát 2 đối tượng của băng nhóm khác bị thương đang cấp cứu tại đây khiến 2 đối tượng này bị thương nặng hơn, phải chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khám xét nơi ở của Sáng, Cơ quan công an thu giữ hàng chục hung khí như dao, kiếm, mã tấu các loại.

Chiều 7-6, cũng để giải quyết mâu thuẫn với một băng nhóm khác, khoảng trên 50 đối tượng côn đồ dùng 1 xe bán tải chở dao kiếm, hung khí ập đến một ngôi nhà trên phố Nguyễn Trãi, phường Âu Cơ, Phú Thọ, truy sát những người trong nhà, chém trọng thương 3 thanh niên.

C45 phối hợp Công an Phú Thọ đã làm rõ, bắt và khởi tố ít nhất 10 nghi phạm tham gia cuộc hỗn chiến trên.

Những vụ truy sát, thanh toán kinh hoàng giữa các băng nhóm tội phạm trên được quay clip, đăng tải trên các mạng xã hội, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất an trong nhân dân.

Trước tình hình trên, Cục C45 đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc tăng cường các giải pháp đấu tranh và phòng ngừa với tội phạm có tổ chức, phối hợp Công an các địa phương xảy ra các vụ việc trên điều tra, bắt giữ các đối tượng gây án.

Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng C45, việc các băng nhóm kéo số lượng đông tham gia hỗn chiến, giải quyết mâu thuẫn có tính chất bột phát, thời gian gây án nhanh nên hầu như lực lượng chức năng bị động trong giải quyết các vụ việc.

Chưa kể do công tác quản lý, phòng ngừa tại địa phương chưa tốt nên một số vụ việc có đối tượng hình sự cộm cán tham gia, sau khi xảy ra rồi mới vào cuộc điều tra.

Bên cạnh đó, quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng đa phần thuộc loại lưu manh cộm cán, nhiều kinh nghiệm đối phó với CQĐT như sử dụng giấy tờ giả, đặc biệt là CMND giả, sử dụng sim rác trong quá trình gây án và bỏ trốn, chỉ khai nhận các hành vi gây án đơn giản, bắt đàn em đứng ra nhận tội thay đối với các hành vi nghiêm trọng, có mức án cao...

Qua các vụ việc cho thấy các băng, ổ nhóm tội phạm này đều hoạt động đòi nợ thuê, bảo kê bến bãi, nhà hàng, karaoke... do mâu thuẫn trong sinh hoạt hoặc trong đòi nợ đã dẫn đến sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, thanh toán lẫn nhau để tranh giành lãnh địa hoặc để dằn mặt nhau, dẫn đến các vụ ẩu đả gây mất ANTT, gây bức xúc trong nhân dân.

Có dấu hiệu các đối tượng hình sự hoạt động có tổ chức thanh trừng lẫn nhau bằng những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như vụ Lê Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Trí ở Hà Nam bị bắn chết chiều 4-7.

Hay mới đây nhất, C45 phối hợp Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ Hoàng Thị Ngọc Lan (46 tuổi) do mâu thuẫn đã nhờ giang hồ từ Hải Phòng mang súng vào thanh toán chồng “hờ” là Phạm Đức Thịnh (43 tuổi), giám đốc một công ty tại Vũng Tàu.

Trong vụ việc này, ngoài mâu thuẫn cá nhân giữa Lan và ông Thịnh, theo đánh giá của C45, còn là mâu thuẫn về lợi ích giữa các băng nhóm.

Bản thân Hoàng Thị Ngọc Lan cũng có quá khứ bất hảo, hoạt động cờ bạc, là đàn em của nhóm tội phạm “xã hội đen” do Dung Hà - giang hồ đất Cảng cầm đầu. Còn Phạm Đức Thịnh cũng có liên quan đến một số hoạt động bảo kê, lừa đảo trong thu mua phế liệu.

Đặc biệt nổi lên hiện tượng đối tượng hình sự, xã hội đen hoạt động có tính chất lưu động, từ địa phương này sang địa phương khác gây án.

Điển hình là Trần Thanh Hải tức Hải “Vinh”. Không chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh Nam Định, năm 2012, Hải “Vinh” cùng đàn em từng gây ra vụ cướp 2 cây cảnh trị giá tiền tỷ tại tỉnh Hòa Bình.

Sau khi vụ án tạm đình chỉ điều tra, Hải “Vinh” vào TP Hồ Chí Minh hoạt động. Băng nhóm của Hải tiếp tục dùng “hàng nóng” để giải quyết các vụ cho vay nặng lãi, bảo kê nhà hàng, gái mại dâm và đòi nợ thuê.

Được thuê giải quyết mâu thuẫn trong mặt bằng kinh doanh, đêm 17-7-2012, Hải cùng 4 đàn em đi 2 xe máy SH đến trước quán ốc trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1), tấn công ông Lê Minh Thịnh, đánh gây thương tích người nhà.

Trước khi lên xe tẩu thoát, nhóm của Hải còn nổ súng đe dọa.

Mới đây nhất, tháng 5-2016, ca sĩ Quang Hà đã tố Hải “Vinh” dàn cảnh lừa mua nhà trị giá gần 4 tỷ đồng nhưng không trả tiền.

Theo đó, Hải cùng một đối tượng tên Việt mang valy chứa giấy báo từ Hà Nội vào TP HCM để giao dịch mua căn hộ của ca sĩ Quang Hà giá 3,9 tỷ đồng.

Hải gửi lại chiếc valy này ở nhà ca sĩ Quang Hà rồi ra phòng công chứng làm thủ tục mua bán.

Sau khi ký hợp đồng mua bán, Hải lấy lý do có việc gấp phải đi, sẽ thanh toán tiền tại nhà riêng nam ca sĩ và lấy hợp đồng mua bán sau.

Tuy nhiên sau đó, Hải đã lừa lấy hợp đồng mua bán công chứng rồi bỏ trốn. Khi mở chiếc valy của Hải gửi lại, chỉ toàn giấy báo. Những hành vi phạm tội này đang được C45 tiếp tục điều tra, làm rõ.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết, tại Cơ quan công an, Hải “Vinh” khai luôn mang theo hàng “nóng” để phòng thân bởi trùm giang hồ này hiện có rất nhiều mâu thuẫn với các băng nhóm tội phạm khác và mâu thuẫn trong chính nội bộ gia đình.

Chính vì vậy, việc C45 bắt giữ Hải “Vinh” không chỉ điều tra làm rõ các hành vi phạm tội của Hải “Vinh” và đồng bọn, mà còn ngăn chặn việc gây án tiếp theo của băng nhóm này, đồng thời ngăn chặn việc thanh toán, giải quyết mâu thuẫn giữa băng nhóm của Hải “Vinh” với các nhóm tội phạm khác và mâu thuẫn trong chính nội bộ gia đình đối tượng, có thể dẫn đến những vụ phạm pháp hình sự nghiêm trọng.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tội phạm

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho rằng, để giải quyết phòng ngừa, ngăn chặn việc các băng nhóm tội phạm thanh toán lẫn nhau đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân như hiện nay, đối với lực lượng công an, quan trọng là chủ động trong công tác quản lý, lên danh sách những băng nhóm hoạt động có tổ chức từ đơn giản đến phức tạp để đấu tranh, làm tan rã hoặc ngăn chặn nếu có biểu hiện gây án, điều tra kịp thời để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Công an cấp cơ sở phải nắm được di biến động của các đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động lưu động để thông báo cho Công an các địa phương biết, phối hợp quản lý và đấu tranh.

Cấp ủy cơ sở, chính quyền và công an địa phương phải phát hiện được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa việc thuê giang hồ, xã hội đen giải quyết mâu thuẫn, đâm thuê chém mướn.

Đặc biệt tập trung quản lý tốt các cơ sở, công ty hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê bởi mặc dù có giấy phép nhưng thực tế, nhiều công ty hoạt động không đúng, sử dụng côn đồ đòi nợ thuê gây ra những vụ án phức tạp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các địa điểm khai thác khoáng sản đang là những nơi dễ nảy sinh hiện tượng các đối tượng hình sự đứng ra thu phí trái phép, bảo kê vận chuyển.

Nếu không quản lý và xử lý nghiêm sẽ phát sinh, hình thành những băng, ổ nhóm tội phạm và việc thanh trừng giữa các băng nhóm để tranh giành địa bàn hoạt động cũng từ đây.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và công an địa phương trong việc để tội phạm “xã hội đen” lộng hành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí bao che chính là “mảnh đất màu mỡ” để dung túng cho tội phạm hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại