Trực thăng Mi-28, Ka-52 mạnh hơn nhờ cuộc chiến Syria: Trả giá bằng máu và nước mắt!

Chỉ Nhàn |

Để có được những kinh nghiệm quý giá giúp biến trực thăng Mi-28NM và Ka-52 mạnh mẽ, hiện đại và an toàn hơn chẳng hề dễ dàng, không ít binh sĩ và phi công Nga đã đổ máu ở Syria.

Theo hãng thông tấn TASS, trong khuôn khổ Diễn đàn Quân sự - Kỹ thuật quốc tế (Army 2019) đang diễn ra tại Công viên Patriot, Công ty Trực thăng Nga đã giới thiệu những chiếc trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52 đầu tiên được hiện đại hóa nhờ kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Syria.

"Công ty Trực thăng Nga lần đầu tiên đã trình bày trực thăng tấn công Mi-28NM mới nhất và trực thăng trinh sát - chiến đấu Ka-52 được nâng cấp nhờ kinh nghiệm từ chiến trường", cơ quan báo chí công ty thông tin.

Mi-28NM rất mạnh, Quân đội Nga sẽ có 100 chiếc

Theo TASS, trực thăng tấn công Mi-28NM được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu trên không bay tốc độ thấp, xe tăng, thiết giáp cũng như bộ binh địch trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm.

Mi-28NM là phiên bản nâng cấp sâu từ mẫu Mi-28N vốn được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến ban đêm.

Cụ thể, phiên bản Mi-28NM trang bị radar N025 đặt ở đỉnh trục cánh quạt chính sẽ cung cấp "tầm nhìn lớn" cho phi công điều khiển máy bay. Ngoài ra, máy bay còn có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, phi công có mũ bay tích hợp hệ thống hiển thị.

Thêm vào đó, phần thân trực thăng Mi-28NM được sửa đổi nhiều; tích hợp hệ thống điện tử - vô tuyến và quan sát mục tiêu thế hệ mới và đặc biệt là thiết bị liên lạc có thể kết nối với máy bay không người lái.

Ngoài ra, Mi-28NM còn có cặp động cơ mới Klimov VK-2500 thay cho loại TV3-117VMA cùng cặp cánh quạt cải tiến cho phép tăng tốc độ tối đa thêm 13%, tốc độ hành trình thêm 10%.

Trực thăng Mi-28, Ka-52 mạnh hơn nhờ cuộc chiến Syria: Trả giá bằng máu và nước mắt! - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công Mi-28NM.

Về mặt vũ khí, Mi-28NM vẫn sử dụng các loại đạn tên lửa, rocket tương tự các thế hệ trước. Bên cạnh đó, Nga có kế hoạch trang bị tên lửa chống tăng dẫn đường laser mang mật danh "Izdeliye 305" có tầm bắn 25km.

Những nâng cấp lớn trên Mi-28NM được cho là có một phần đóng góp từ các phiên bản Mi-28 thế hệ trước được gửi tới Syria năm 2016. Trong cuộc chiến Palmyra 2016, trực thăng Mi-28 được ghi nhận là đã yểm trợ hiệu quả cho Quân đội Syria tiến chiếm lại thành phố.

Và tới tháng 3/2019, nguyên mẫu Mi-28NM chính thức được triển khai tới Syria để thử nghiệm thực tiễn.

Theo ấn phẩm Izvestia, những chiếc Mi-28NM đã thử nghiệm thành công với điều kiện hoạt động ở địa hình đồi núi và sa mạc ở Syria.

Các thay đổi cải tiến và thử nghiệm trên chiến trường thực tế đem lại hiệu quả cao, có thể nói đã khiến giới lãnh đạo nước Nga "tin tưởng tuyệt đối" vào sức mạnh Mi-28NM. Đây là lý do chính khiến Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ mua 100 chiếc Mi-28NM cho Quân đội Nga.

Trực thăng Mi-28, Ka-52 mạnh hơn nhờ cuộc chiến Syria: Trả giá bằng máu và nước mắt! - Ảnh 2.

Trực thăng Ka-52 sở hữu nhiều tính năng độc đáo nhưng thực tiễn chiến trường cho thấy nó vẫn có vô số lỗi cần khắc phục.

Trả giá bằng máu và nước mắt!

Về phần Ka-52, cũng như chương trình Mi-28, dòng trực thăng này sớm được gửi tới Syria tham gia hoạt động bảo vệ binh sĩ Nga và hỗ trợ Quân đội Syria từ năm 2015-2016.

Trong quá trình hoạt động, ít nhất một chiếc Ka-52 đã gặp nạn gần Mayadin khiến hai phi công hi sinh hồi tháng 5/2018.

Nguyên do được xác định là vì lỗi kỹ thuật nhưng không được thông tin chi tiết.

Chỉ biết rằng, cùng năm đó lãnh đạo Công ty Trực thăng Nga đã thừa nhận việc trực thăng Ka-52 gặp nhiều vấn đề kỹ thuật trong quá trình hoạt động tại Syria và cả Ai Cập.

Ví dụ như trong điều kiện khí hậu nóng bức, động cơ của Ka-52 mất nhiều công suất ở các chế độ bay khác nhau.

Ngoài ra, Ka-52 thiếu hệ thống quan sát đêm làm giảm khả năng tác chiến, hệ thống định vị thiếu tin cậy có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc.

Thế nên, Công ty Trực thăng Nga tiết lộ tham vọng nâng cấp, sửa chữa tất cả các lỗi kỹ thuật của Ka-52 trong tương lai gần.

Còn theo nguồn tin của TASS, phiên bản nâng cấp được thiết kế theo kinh nghiệm từ cuộc chiến Syria sẽ mang tên Ka-52M dự kiến sẽ được chế tạo vào năm 2022.

Ka-52M sẽ được trang bị hệ thống động lực và hệ thống bám bắt mục tiêu mới. Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga, bộ phận bảo vệ trực thăng cũng được tăng cường.

Có thể nói, dù Mi-28 may mắn hơn Ka-52 ở Syria khi chưa có sự cố, nhưng rõ ràng để thu được kinh nghiệm quý giá từ chiến trường, đôi khi phải trả giá bằng máu của các chiến sĩ và nước mắt gia đình họ. Đổi lại, người ta sẽ có thay đổi phù hợp trong tương lai nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại nặng nếu có.

Thiết giáp "mang lồng gà" gia nhập Quân đội Nga

Ngoài trực thăng, cuộc chiến Syria cũng giúp Quân đội Nga cùng các đơn vị thiết kế vũ khí nhìn nhận lại khả năng thực sự của các loại xe tăng - thiết giáp, từ đó có các nâng cấp phù hợp.

Trong ngày đầu tại Army 2019, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tiếp nhận xe thiết giáp chở quân BTR-82AT đầu tiên trong năm nay.

"Bắt đầu từ năm 2019, tất cả BTR-82A sẽ tiếp nhận nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực với kính ngắm hồng ngoại và giáp tăng cường", Bộ trưởng Soigu cho biết.

p1745563_main

Xe thiết giáp chở quân BTR-82AT.

Theo lãnh đạo Công ty Công nghiệp Quốc phòng VPK, dựa trên BTR-82A, BTR-82AT trang bị hệ thống kính ngắm TKN-4GA với chế độ ngắm hồng ngoại và hệ thống ổn định tầm nhìn chiến trường. Ngoài ra, xe có thể mang giá phóng 9K129 để bắn tên lửa chống tăng 9M133 Kornet.

Dù không tuyên bố rõ, nhưng nhìn bề ngoài BTR-82AT thì 99% nó được nâng cấp với kinh nghiệm sử dụng loại BTR-82A tại chiến trường Syria.

Cụ thể, quanh thân xe BTR-82AT xuất hiện "giáp lồng" - kiểu giáp phổ biến ở chiến trường Syria nhằm chống lại đạn súng chống tăng RPG.

Ka-52 lần đầu tham chiến ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại