Quả vậy, cách đây vài năm, truyền thông Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến khả năng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) sẽ tiến hành mua trực thăng chữa cháy chuyên dụng phục vụ công tác cứu hỏa. Tuy nhiên, dường như mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Đầu năm nay, Cảnh sát PCCC TP. HCM đề xuất phương án mua trực thăng chữa cháy hiện đại với đơn giá có thể lên tới 1.000 tỷ đồng/chiếc. Mặc dù đưa ra đơn giá mua dự kiến, nhưng Cảnh sát PCCC TP. HCM không nêu cụ thể đó là loại trực thăng chữa cháy chuyên dụng nào.
Mặc dù có nhiều ý kiến, cả đồng tình lẫn chưa đồng tình nhưng xu thế dễ nhận thấy của thế giới là có nhiều quốc gia đã và đang đặt mua loại máy bay chuyên dụng này.
Trên thực tế, trực thăng chữa cháy được sử dụng khá phổ biến trong các vụ hỏa hoạn lớn và đem lại hiệu quả dập lửa đáng kể. Thế nên, nếu điều kiện cho phép, Việt Nam hoàn toàn có thể mua dòng máy bay này và đưa vào hoạt động.
Bỏ qua việc đi tìm loại máy bay có mức giá tới 1.000 tỷ đồng/chiếc mà Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh đề xuất, chúng ta thử xem loại trực thăng chữa cháy Ka-32A11BC nổi tiếng mà nhiều quốc gia tin dùng như Áo, Azerbaijan, Brazil, Canada, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha Thụy Sĩ, Úc... có phù hợp với Việt Nam hay không nhé.
Trực thăng Ka-32A11BC lấy nước chữa cháy.
Ka-32A11BC - Trực thăng chữa cháy tốt nhất thế giới...
Tạp chí Lính cứu hỏa quốc tế - International Fight Fighter Magazine dẫn lời các chuyên gia chữa cháy hàng đầu của Canada và Mỹ khen ngợi Ka-32A11BC hết lời khi cho rằng nó là "Trực thăng chữa cháy tốt nhất thế giới".
Thực tế hoạt động và hiệu quả đáng nể của Ka-32A11BC khiến các nhà sản xuất Nga (hãng trực thăng Nga) hãnh diện đón nhận lời khen thực tâm của chính những người trong nghề đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, các tòa nhà chọc trời liên tiếp mọc lên từ ở New York, Toronto, Sao Paolo, Thượng Hải, Tokyo, Moscow cho tới các siêu thành phố ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) khiến cho công tác phòng cháy, chữa cháy trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều.
Nếu có sự cố hỏa hoạn trên các tầng cao của những tòa nhà chọc trời thì lực lượng cứu hỏa thông thường (cứu hỏa mặt đất) chắc chắn sẽ không thể hiệu quả, thậm chí là cực kỳ nguy hiểm.
Điển hình là vụ cháy 2 tòa tháp đôi (1 tòa cao 200m và tòa còn lại cao 150m) ở thành phố Thẩm Dương, đông-bắc Trung Quốc vào tháng 2/2011. Đã xảy ra cuộc chiến thực sự của những người lính cứu hỏa trong vòng 6h đồng hồ liên tục, nhưng họ đã bất lực, các toà nhà bị thiêu rụi hoàn toàn.
Trước đó, vào tháng 2 năm 2009, Khách sạn Mandarin Oriental cao 159m ở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đã bùng cháy như "một que diêm" ngay khi vừa mới chỉ khai trương. Chẳng còn gì để cứu, chỉ còn lựa chọn duy nhất là xây lại toàn bộ tòa nhà.
90 người bị ngộ độc khói khi ngọn lửa bùng phát ở tòa nhà 35 tần ở Sao Paolo, Brazil hồi tháng 1/2015.
Các thống kê cho thấy khoảng 70% số vụ cháy trên toàn cầu xảy ra ở các đô thị và trực thăng chữa cháy đang ngày càng được coi là một thứ vũ khí lợi hại trong số các phương tiện đặc chủng của lực lượng chữa cháy, cả trong việc dập lửa lẫn trong cứu hộ những người bị nạn.
Vào mùa xuân năm 2012, tại Moscow (Nga), các trực thăng chuyên dụng đã xuất sắc thực hiện vai trò của mình khi dập lửa và cứu hộ thành công những người bị mắc kẹt trên tầng 66 và 67 của tòa tháp Vostok - Tổ hợp trung tâm thương mại cao nhất Châu Âu.
Ka-32A11BC tham gia chữa cháy tòa nhà Vostok ở Moscow, Nga.
Khi xảy cháy, tòa nhà vẫn đang trong quá trình thi công và có khoảng 300m2 chìm trong lửa, gió mạnh khiến các nỗ lực cứu hỏa ở độ cao đó tưởng chùng bất thành.
Nhiều người đã lo sợ rằng tòa nhà có thể bị hư hại nghiêm trọng và thậm chí có thể sụp đổ vào các tòa nhà bên cạnh. Ngày tận thế đã suýt xảy ra! Tuy nhiên, 2 trực thăng gồm 1 chiếc Ka-32A11BC và 1 Mi-8MTV đã kịp thời có mặt, lấy nước ở con sông gần đó làm nhiệm vụ cứu cháy.
Trong khi Ka-32A11BC dùng súng chuyên dụng phun nước xuyên qua các ô cửa thì Mi-8MTV, từ trên cao thả những quả bom nước nặng nhiều tấn trực tiếp vào ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội. Họ đã thành công, dập tắt đám cháy và cứu được tòa nhà.
Trực thăng chữa cháy cũng chững minh được hiệu quả của mình ở Indonessia năm 2013 khi góp phần dập tắt đám cháy rừng khủng khiếp ở đảo Sumatra.
Một chiếc trực thăng Ka-32A11BC đã tham gia dập cháy thành công nhiều vụ hỏa hoạn ở Idaho (Mỹ) và Vancouver (Canada) khiến các chuyên gia chữa cháy hàng đầu của Mỹ phải thừa nhận nó là dòng máy bay trực thăng chữa cháy tốt nhất thế giới.
... xứng đáng có chỗ đứng ở Việt Nam
Theo giới thiệu của Công ty trực thăng Nga - Russian Helicopters JSC thì Ka-32A11BC là dòng trực thăng đa dụng tốt nhất thế giới. Chúng được thiết kế cho các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đặc biệt, xây dựng công trình cao tầng, vận tải thông thường, tải thương, chữa cháy cũng như thực hiện nhiệm vụ tuần tra và hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật.
Do vậy, nếu Cảnh sát PCCC Việt Nam có đặt mua dòng trực thăng chữa cháy tốt nhất thế giới Ka-32A11BC thì cũng hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ:
Thứ nhất, chúng được đánh giá cao nhờ thiết kế cánh quạt đồng trục, không cần cánh quạt đuôi nên rất gọn, có khả năng thao diễn tốt và dễ dàng điều khiển, nhất là khả năng bay treo tại chỗ siêu hạng, quá thích hợp với một chiếc trực thăng chữa cháy chuyên dụng.
Chúng có khả năng mang tải lớn tới 5 tấn bằng móc treo bên ngoài. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhất cũng được ưu tiên trang bị.
Nhờ vậy, chúng có thể hoạt động hiệu quả ở cả trong những khu đô thị hiện đại hay những khu vực khó tiếp cận như rừng rậm, núi cao, có thể hạ cánh trên các loại tàu nhỏ, giàn khoan hoặc hạ cánh bãi ngoài ở những nơi khó tiếp cận.
Thứ hai, rất kinh tế nhờ giá mua ban đầu hợp lý trong khi chi phí vận hành thấp và có vòng đời rất dài, tới 32.000 giờ bay.
Theo đánh giá của trang thông tin thị trường máy bay trực thăng unavia.ru (Nga) thì đơn giá ban đầu đối với mỗi chiếc trực thăng Ka-32A11BC vào khoảng từ 10-15 triệu USD (230-350 tỷ đồng/chiếc), tùy theo lựa chọn thiết bị đi kèm và các dịch vụ khác.
Ka-32A1 thực hành sử dụng súng phun nước cứu hỏa tòa nhà cao tầng.
Thứ ba, có nhiều lựa chọn về thiết bị chữa cháy đồng bộ kèm theo Ka-32A11BC. Theo Công ty trực thăng Nga, có tới 40 lựa chọn, bao gồm các hệ thống Bambi-Bucket và Simplex, súng phun nước theo phương ngang,... Tùy theo yêu cầu của khách hàng, các thiết bị này sẽ được lắp thêm cho máy bay.
Thứ tư, Việt Nam đã có kinh nghiệm vận hành trực thăng họ Kamov. Hiện nay, Không quân hải quân Việt Nam có trong biên chế khá nhiều trực thăng Ka-27 săn ngầm và Ka-32T vận tải - những phiên bản đàn anh của Ka-32A11BC.
Với kinh nghiệm hàng chục năm vận hành và khai thác họ máy bay Kamov, Không quân hải quân hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm bay và thậm chí đảm bảo kỹ thuật cho các máy bay Ka-32A11BC của Cảnh sát PCCC (nếu chúng được mua) trên cơ sở hạ tầng có sẵn, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư.
*** Quan điểm riêng của tác giả