Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam?

Sao Đỏ |

Thời gian gần đây, Israel đã trở thành một đối tác quan trọng trong việc cung cấp các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại cho Việt Nam.

Hôm 11/1, ông Mishel Ben Baruch - Giám đốc Cục Hợp tác và Xuất khẩu Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Israel đã có chuyến sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Sự xuất hiện của quan chức cấp cao nói trên khiến nhiều người đặt kỳ vọng về sự tăng cường quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam - Israel, trong đó có việc hai bên sẽ thảo luận về những hợp đồng mua sắm vũ khí hiện đại trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, một số vũ khí của Israel được đánh kỳ vọng là có thể có cơ hội sớm xuất hiện ở Việt Nam.

Tên lửa chống tăng Spike NLOS

Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Tên lửa chống tăng Spike NLOS

Đầu năm 2016, tờ tin tức quân sự VPK của Nga cho hay, Việt Nam đang bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa chống tăng Spike NLOS.

Spike NLOS (Non Line Of Sight) là loại tên lửa chống tăng không đường ngắm thẳng tiên tiến do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel sản xuất. Với tầm bắn 25 km, Spike NLOS vượt trội hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh đến từ Nga, Mỹ.

Phương thức dẫn bắn của Spike NLOS là thông qua máy bay không người lái hoặc định vị vệ tinh, việc điều khiển tên lửa được thực hiện bởi hệ thống truyền dẫn quang điện hai chiều. Nhờ đầu đạn tandem và chế độ "top attack", Spike NLOS đủ sức tiêu diệt mọi xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân nhất hiện nay.

Ngoài chống tăng, Spike NLOS còn được đánh giá đặc biệt hữu hiệu khi sử dụng để chống lại lô cốt, công sự hay các hỏa điểm của đối phương.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa MR-SAM

Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Các thành phần của hệ thống phòng không MR-SAM

Sau khi tiếp nhận các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung SPYDER-SR/MR, đã có một vài ý kiến cho rằng Việt Nam nên mua tiếp MR-SAM để kết hợp cùng S-300PMU1 tạo thành lưới lửa phòng không phủ kín mọi cự ly.

Hệ thống MR-SAM - sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa, trực thăng... đối phương ở cự ly lên tới 70 -100 km bằng tên lửa Barak 8.

Một khẩu đội MR-SAM bao gồm 3 xe mang phóng tự hành đi kèm xe nạp đạn, 1 xe đảm bảo kỹ thuật, 1 xe chỉ huy, 1 radar dẫn bắn EL/M-2084 và xe cấp nguồn điện.

Dễ nhận thấy tổ hợp này dùng chung một vài thành phần với SPYDER-MR, do vậy việc lựa chọn MR-SAM tỏ ra hợp lý và tạo sự đồng bộ lớn hơn so với mua sắm một hệ thống hoàn toàn mới như Buk-M3.

Tên lửa hành trình đối đất Delilah

Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Tên lửa hành trình Delilah phiên bản không đối đất

Delilah là loại tên lửa do thám/tấn công cực kỳ lợi hại và rất độc đáo khi có thể "lượn lờ" trên khu vực bị oanh kích để tìm kiếm những mục tiêu có giá trị cao được ngụy trang kỹ càng nhất trong một thời gian khá dài.

Nhờ vào khối lượng nhẹ (trọng lượng phóng 187 kg với đầu đạn nặng 30 kg), thiết kế module nhỏ gọn, Delilah triển khai được từ trực thăng vũ trang UH-60A, SH-60B, tiêm kích F-16 hay thậm chí phóng từ mặt đất.

Trước khi lao vào mục tiêu ở tốc độ cận âm, toạ độ oanh kích được cài đặt vào bộ nhớ chương trình điều khiển bay của Delilah, tên lửa sẽ liên tục kết nối với hệ thống GPS để hiệu chỉnh đường bay, sai số của loại tên lửa này chỉ vào khoảng 1 m.

Việt Nam hiện đã có trong biên chế đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA và ACCULAR, đây là các loại đạn của hệ thống MLRS Lynx mà Delilah mới được tích hợp. Liệu có thể hy vọng chúng ta mua thêm Delilah để hoàn thiện các thành phần của hệ thống Lynx?

Tàu hộ vệ tên lửa Sa'ar 5

Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam? - Ảnh 4.

Tàu hộ vệ INS Lahav với hệ thống radar mảng pha chủ động EL/M-2248 MF-STAR trên phần thượng tầng

Hiện tại Việt Nam đang có nhu cầu đối với một lớp tàu tên lửa cỡ trung bình có lượng giãn nước vào khoảng 1.000 tấn, trong số các ứng viên tiềm năng thì bản nâng cấp của Sa'ar 5 do Israel chế tạo được đánh giá là toàn diện nhất.

Sa'ar 5 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.065 tấn và lên tới 1.275 tấn khi đầy tải; chiều dài 88,64 m; chiều rộng 11,88 m; mớn nước 3,45 m; thủy thủ đoàn 74 người (10 nhân viên hàng không).

Tàu được trang bị hệ thống động lực hỗn hợp gồm 2 động cơ diesel MTU V12 1163 TB82 (6.600 mã lực) và 1 động cơ turbine khí General Electric LM2500 (30.000 mã lực), cho tốc độ tối đa 22 hải lý/h (37 km/h khi sử dụng động cơ diesel) hoặc 33 hải lý/h (61 km/h khi dùng động cơ turbine khí), tầm hoạt động 3.500 hải lý (6.500 km).

Hệ thống điện tử của Sa'ar 5 được đánh giá rất cao, bao gồm radar điều khiển hỏa lực EL/M-2221, sonar gắn liền thân Elta Type 796 cùng với sonar dạng kéo do Rafael sản xuất.

Radar trinh sát đường không của Sa'ar 5 mới đây đã được nâng cấp bằng loại EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng radar quét điện tử chủ động (tầm xa trên 250 km), có chức năng tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ, đây là điểm nhấn cực kỳ đáng chú ý.

Vũ khí của Sa'ar 5 gồm 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 6 ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm, 1 module pháo bắn nhanh Phalanx, 16 tên lửa phòng không tầm trung Barak 8 (sau nâng cấp), sàn đáp và nhà chứa máy bay phía sau cho phép tiếp nhận 1 trực thăng hạng nhẹ AS565 Panther.

Ưu thế của Sa'ar 5 nằm ở việc hiếm có một chiếc corvette 1.000 tấn nào đủ khả năng lập ô phòng không hạm đội cũng như mang theo trực thăng trong các chuyến hải trình dài ngày như nó. Nếu có trong biên chế lớp chiến hạm hiện đại này, chắc chắn sức mạnh của Hải quân Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại