Trong tay Mourinho, liệu Man United có còn là một CLB lớn?

Tâm Anh |

Sau "cơn sướng" khi Man United đoạt Europa League, giành quyền dự Champions League, hẳn đã đến lúc nghiêm túc nhìn lại Quỷ đỏ trong bàn tay nhào nặn của Mourinho.

Mourinho thất bại

Mùa giải trước, với việc vung tay đến 157,25 triệu bảng Anh để tậu về Paul Pogba, Mkhitaryan và Eric Bailly, Man United của Mourinho là đội "chịu chi" thứ nhì Premier League (sau Man City), đấy là chưa tính đến bản hợp đồng tự do mang tên Ibrahimovic. Bên cạnh đó, "Quỷ đỏ" cũng chi ra đến 220,8 triệu bảng Anh để trả lương cho cho các cầu thủ của mình.

Dù cho đoạt chức vô địch Europa League - "cánh cửa hậu" để góp mặt tại vòng bảng Champions League mùa sau, nhưng việc chẳng thể góp mặt trong top 4 Premier League, thậm chí còn xếp tận thứ 6 là nỗi thất vọng vô bờ bến so với những gì người hâm mộ Quỷ đỏ kỳ vọng, và rõ ràng là dấu hỏi rất lớn cho trình độ cầm quân của Mourinho, sau khi phải rời Chelsea "không kèn không trống".

Sự tự tin thái quá vào 4 bản hợp đồng trải đều trên 3 tuyến của mình khiến Mourinho phải trả giá đắt. Man United thậm chí còn "ngồi rung đùi" suốt kỳ chuyển nhượng mùa Đông, mặc cho các CLB Premier League khác "chạy đôn chạy đáo", chẳng thèm mua thêm bất kỳ ai. Trong khi đó ở Man City, Gabriel Jesus là sự bổ sung cực kỳ đáng giá, dù chỉ tiêu tốn có 27,20 triệu bảng.

Trong tay Mourinho, liệu Man United có còn là một CLB lớn? - Ảnh 1.

Những bản hợp đồng Mourinho đem về Old Trafford chưa thể đem lại thành công cho Man United.

Không những bỏ lỡ cơ hội bổ sung lực lượng để tranh chấp ở Premier League, Man United còn bỏ lỡ cực kỳ nhiều cơ hội tốt để chen chân vào top 4. Cứ mỗi lần cần đủ 3 điểm để vượt lên thoát khỏi vị trí thứ 6 tủi hổ, là thêm một lần Mourinho cùng các học trò lại quẳng cơ hội đi với một trận hòa bạc nhược. Nhiều đến mức niềm tin vào chiến thắng ở Old Trafford trở nên xa xỉ hơn lúc nào hết.

Tàn lụi tinh thần Quỷ đỏ

Ngày 22/7/2002, Rio Ferdnand về với Quỷ đỏ theo bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới dành cho một hậu vệ, cũng là cầu thủ người Anh đắt giá nhất thế giới. Trung vệ này kể lại ngày tập luyện đầu tiên ở Man United, nhận bóng, chuyền cho hậu vệ phải cách đó chừng 10, 15 mét và lập tức nghe Roy Keane gào lên: "Mày làm cái quái gì thế? Đây là Manchester United cơ mà!".

Chuyền thẳng bóng cho tiền đạo, triển khai tấn công ngay khi có thể là cách của Quỷ đỏ ngày ấy gây sức ép nghẹt thở lên đối phương. Với Rio Feardinand, đấy là sự khác biệt cơ bản giữa Man United với West Ham hay Leeds United - những đội bóng mà anh từng kinh qua. Đấy không chỉ là tinh thần, mà còn là bản lĩnh của đội bóng lớn, của Manchester United ngày nào.

Ở Old Trafford ngày ấy, dù có là hậu vệ đắt giá nhất thế giới, thì Rio Ferdinand vẫn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để học hỏi, bởi xung quanh anh là "những người tốt nhất". Ở Carrington - sân tập của Man United, những cầu thủ cộm cán như Roy Keane, Ryan Giggs ở lại thêm 20 phút để tập thêm, thì những cầu thủ trẻ như Rio còn phải chăm chỉ, cần mẫn hơn.

Trong tay Mourinho, liệu Man United có còn là một CLB lớn? - Ảnh 2.

Rio Ferdinand và Roy Keane là những tên tuổi đại diện cho tinh thần mạnh mẽ của Quỷ đỏ ngày nào.

Ở Man United ngày ấy, cũng theo lời Rio Ferdinand, khi đội nhà đoạt chức vô địch League Cup, bầu không khi trong phòng thay quần áo cứ như thể chỉ là một trận hòa ở Premier League, với chiếc cúp bị vứt chỏng chơ ở một xó, chẳng ai buồn chụp ảnh hay động chạm gì đến, như thể chỉ là một trận đấu bình thường vậy.

Không phải bởi Quỷ đỏ coi thường League Cup, mà bởi với họ ngày ấy, chỉ có chức vô địch thực thụ như Premier League hay Champions League mới là những danh hiệu thực thụ, danh hiệu đáng tự hào.

Ngày ấy, dù có là Rio Ferdinand, hay cậu nhóc vô danh Cristiano Ronaldo, thì họ đều đến Old Trafford với khát khao được chơi trong hàng ngũ của những nhà vô địch, cống hiến hết mình để chứng tỏ bản thân xứng đáng với cái tên Manchester United.

Mùa giải qua, lần cuối cùng Rio Ferdinand thấy được hình ảnh Man United đưa bóng thẳng từ hậu vệ lên tiền đạo là trận chung kết Europa League, với một Quỷ đỏ cực kỳ thận trọng trước Ajax "trẻ trâu" và yếu ớt hơn hẳn, bởi theo lời Mourinho: "Họ pressing tầm cao giữa sân tốt quá, nên cứ đưa thẳng bóng lên trên cho yên tâm".

Trong tay Mourinho, liệu Man United có còn là một CLB lớn? - Ảnh 3.

Sự thận trọng và sợ hãi của Mourinho đang làm biến dạng tinh thần của Quỷ đỏ.

Theo nhận xét của HLV Rene Meulensteen, người từng có 6 năm làm trợ lý cho Sir Alex Ferguson thì sự khác biệt của Mourinho nằm trong chính ADN của HLV này: "Cậu ấy muốn giành chiến thắng bằng mọi giá, và xuất phát điểm đầu tiên là không để thua, đấy là lý do Man United là đội để lọt lưới ít thứ nhì ở Premier League mùa giải vừa qua.

Tuy nhiên, nó lại dẫn tới hệ lụy là khi chơi quá an toàn, Man United bế tắc trong việc ghi bàn. Họ chỉ ghi được có 54 bàn, kém cả Bournemouth lẫn Everton. Nó hoàn toàn khác biệt với thứ bóng đá mà Quỷ đỏ chơi dưới thời Alex Ferguson. Sự tính toán quá mức của Mourinho khiến Man United thất bại".

Đáng chú ý, Rene Meulensteen cũng chính là HLV kỹ thuật ở Man United, người được Ronaldo cực kỳ nể phục vì đã giúp anh trở thành chân sút hàng đầu thứ giới sau 3 mùa giải đầu bết bát ở Old Trafford.

Ronaldo thì sao?

Việc Cristianl Ronaldo "khó ở" với Real Madrid không phải là câu chuyện mới. Nói cho ngắn gọn, câu chuyện Ronaldo chán ghét Tây Ban Nha hay "nhớ Man United" cũng chỉ được quy về một đầu mối duy nhất: Tiền.

Nhất là với việc Real Madrid vừa trải qua một mùa giải rực rỡ, với sự tỏa sáng xuất thần của chân sút người Bồ Đào Nha, mà sự ra đi lúc này của anh sẽ đem lại rất nhiều khó khăn, cũng như sự phản đối quyết liệt của người hâm mộ đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, việc "bứng" CR7 về Old Trafford lúc này là cực kỳ khó tin.

Trong tay Mourinho, liệu Man United có còn là một CLB lớn? - Ảnh 4.

Old Trafford đang nhớ Ronaldo hơn bao giờ hết.

Khó tin, nhưng không phải là không thể. Nhất là trong hoàn cảnh Man United không thiếu tiền, nhưng lại đang bị ám ảnh bởi mùa giải thất bại vừa qua, và những bản hợp đồng như Lindelof hay Morata, thậm chí là thêm Perisic cũng chẳng thể đảm bảo được thành công, với hai đấu trường lớn phải căng sức.

Trong bối cảnh ấy, Ronaldo là cái tên duy nhất có thể giúp Old Trafford lấy lại vị thế và khí thế ngày xưa, vượt qua nỗi sợ hãi mang tên Mourinho. Đấy là cái tên đủ lớn để Man United có được sự nể trọng ở Premier League, một tên tuổi với sức ảnh hưởng rõ rệt và nặng ký, chứ không như một Ibrahimovic "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng".

Nếu trở về, sẽ chẳng còn một Ronaldo dũng mãnh xuyên phá, khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương như ngày nào, bởi giờ đây chân sút ấy đã 32 tuổi. Nhưng sẽ là một Ronaldo tinh khôn, làm chủ vòng cấm địa đối phương với những pha đổi hướng nhanh như chớp di chuyển vào khoảng trống, lừa hậu vệ đối phương để tự tạo khoảng trống cho mình, và dứt điểm một chạm "chết người" cả tầm cao lẫn tầm thấp.

Hiệu quả ấy, sự tinh ranh ấy mới là thứ giúp các tiền vệ Man United yên tâm giao những đường chuyền quyết định của mình, đồng thời kéo trung vệ đối phương về sát khung thành, tạo cơ hội cho tuyến hai của Quỷ đỏ thể hiện, thay vì ích kỷ và kém hiệu quả như Ibrahimovic đã làm cả mùa giải qua. Khi đó, lối chơi tấn công ngày nào của Man United mới có cơ hội hồi sinh.

Một CLB lớn không chỉ được định nghĩa bằng thành tích hay những ngôi sao, mà còn được định nghĩa bằng lối chơi, bằng sự áp đảo, bằng chất riêng và bằng tinh thần mạnh mẽ, sức hút với những ngôi sao. Man United chỉ có thể có được điều đó nếu sở hữu được Ronaldo, chứ không phải cứ mãi vật vờ trong tay Mourinho như hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại