"Những người chưa nổi tiếng thường rất ác. Họ chơi xấu, đạp lên nhau để leo lên"

Cao Thanh Hương |

"Trong showbiz, thân cũng thân dữ lắm mà chơi hiểm cũng chơi hiểm nhau dữ lắm. Trước mặt thì vui vẻ nhưng sau lưng cầm con dao đâm cái ọt hồi nào không hay", Hòa Hiệp nói.

"Ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt nhưng tâm lý con người luôn nhạy bén với chuyện xấu nên nghĩ trong showbiz chỉ toàn chuyện xấu...", ca sĩ diễn viên Nguyễn Lê Bá Thắng mở đầu khi bàn về chủ đề "Người nổi tiếng thường là những người rất ác". 

Còn Hòa Hiệp thì bảo: "Trong showbiz, thân cũng thân dữ lắm mà chơi xấu nhau cũng chơi xấu nhau dữ lắm, chơi hiểm cũng chơi hiểm nhau dữ lắm. Trước mặt thì vui vẻ nhưng sau lưng cầm con dao đâm cái ọt hồi nào không hay".

Hòa Hiệp: những người chưa nổi tiếng còn ác hơn

Chia sẻ suy nghĩ của mình về quan điểm này, Hòa Hiệp tiếp lời: "Khi đi làm chung với các cô chú anh chị nổi tiếng trong nghề, Hòa Hiệp thấy có sự nâng đỡ, dìu dắt, chỉ dẫn. 

Bởi những người đã khẳng định tên tuổi thì không cần phải ác còn những người chưa nổi tiếng thường rất ác. Họ ác hơn cả người nổi tiếng. Họ chơi xấu, đạp lên nhau, nói xấu nhau để leo lên.

Chẳng hạn, chuyện ăn cắp miếng là bình thường trong nghề này. Không chỉ bạn diễn mà cả anh em ruột cũng chơi nhau hoặc thấy miếng diễn đó hay là tìm cách phá hoặc lấy cho mình. Nhưng đó chỉ gọi là chơi xấu, chơi dơ chứ không phải ác.

Ác là bị bạn diễn phá đạo cụ, gạt chân gây tai nạn, ảnh hưởng tính mạng bạn diễn. Hoặc vùi dập cho họ không ngóc đầu lên nổi".

Những người chưa nổi tiếng thường rất ác. Họ chơi xấu, đạp lên nhau để leo lên - Ảnh 1.

Hòa Hiệp chia sẻ tại chương trình Nghệ sĩ Đối thoại.

Bản thân Hòa Hiệp cũng không ít phen giông tố khi bị đồng nghiệp chơi xấu. Anh kể: "Hồi về sân khấu, Hòa Hiệp cũng bị gièm pha, đố kỵ rất nhiều. Mình đang có vai diễn hàng đêm và rất nhiều vai hay nhưng bị trù dập, bị dựng chuyện nói xấu. Bầu show lúc đó thương Hòa Hiệp lắm, muốn đầu tư để đẩy mình lên.

Sân khấu cũng giống như trong cung vậy, có vua, hoàng hậu, thái giám và rất nhiều cung tần mỹ nữ. Thái giám thì hay đâm chọt với hoàng hậu và hoàng thượng để ly gián.

Mình thì không luồn cúi, không nịnh nọt nhưng thẳng thắn thì hay thua thiệt. Thế là rạn nứt. Bầu show không mời show Hòa Hiệp nữa. Hòa Hiệp và bầu show mâu thuẫn gần 1 năm mới hòa giải được sau khi ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau.

Rồi cũng có người tuyên bố, có Hòa Hiệp thì không có tôi. Đôi khi, Hòa Hiệp muốn bỏ sân khấu, bỏ nghề nhưng rồi lại nghĩ, tại sao mình phải phân tâm vào những lời thị phi, những lời gièm pha đó?

Chỉ có cố gắng bằng thực lực thì con đường nghề mới chắc, mới bền. Khi mình khẳng định mình bằng thực lực thì chính những bầu show từng bị lời gièm pha, hiềm khích đó tác động sẽ quay lại mời mình. Hơn nữa, không có bầu show này thì sẽ có bầu show khác.

Đi tỉnh diễn, Hòa Hiệp bị bầu show chơi xấu hoài. Họ bán 3000, 4000 vé nhưng nói với nghệ sĩ là chỉ bán được 1000 vé thôi, số còn lại là khán giả làm sập dàn bao xông vào để bớt lương nghệ sĩ.

Rồi đang trên đường đi diễn thì bị hủy show, lại phải quay về. Mà show đó, phải đi 2,3 tiếng mới tới nơi. Mình đi được nửa đường rồi, mỗi lần nhận lịch show diễn xa là phải sắp xếp, có khi phải hủy show khác.

Rồi cũng có khi mình lên thấy khán giả đông lắm nhưng kêu bán ít vé rồi hẩy cho mình đồng tiền như kiểu bố thí. Thường những bầu show đó, Hòa Hiệp sẽ không làm việc thêm lần nào nữa, dẫu có đưa tiền trước cũng không tham gia.

Hòa Hiệp nghĩ rằng, khi bạn gian xảo, người khác không biết nhưng Tổ nghiệp thấy hết. Nếu bạn lấy của bạn diễn cái này thì trong cuộc đời sẽ phải trả giá bằng cái khác lớn hơn rất nhiều. Ai ngộ ra được, sửa được thì tốt, còn không sẽ bước xuống vũng lầy.

Mình đứng ở đâu là do cái tâm cái đức làm nghề của mình. Hòa Hiệp chứng kiến luôn. Đương thời làm trời làm đất, hết thời không ai nhìn mặt hết. Gieo cái gì thì gặt cái đó.

Nghề này có bạc hay không bạc là do cái đức. Ông bà nói, có tài có đức mặc sức mà ăn. Nếu có tài có đức thì nghề sẽ bền bỉ dù đương thời hay không".

Những người chưa nổi tiếng thường rất ác. Họ chơi xấu, đạp lên nhau để leo lên - Ảnh 3.

Bá Thắng: "Bầu show giống như túi rác..."

Cùng quan điểm với Hòa Hiệp, ca sĩ – diễn viên Nguyễn Lê Bá Thắng bày tỏ: "Mấy bạn mới vô nghề ưa nhận xét, các anh chị đi trước hay tỏ vẻ nhưng thực tế, các bạn phải biết lắng nghe.

Nếu diễn với các anh chị, họ góp ý 1 lần 2 lần mà các bạn không nghe thì họ sẽ không nói nữa. Họ phải tự cứu tên tuổi của họ, họ sẽ không diễn ăn ý với bạn nữa. Khi đó, các bạn lại nói, các cô chú ác, không vớt mình lên.

Ngày xưa, trong Vietnam Idol, mọi người nói Mỹ Linh hát lấn át Uyên Linh nhưng cô ấy là diva, đã lên sàn diễn thì phải hát hết nội lực. Nếu cô ấy nương thì hôm sau mọi người sẽ bảo hát thua thí sinh. Đâu được.

Diễn viên cũng vậy. Các cô chú anh chị trong nghề sẽ góp ý lúc luyện tập, nếu bạn không nghe thì đó là lỗi ở bạn còn khi ra sàn diễn, họ phải giữ vai trò và cái tên của họ, họ phải tự toả sáng nếu không muốn khán giả bình phẩm... "làm nghề bao lâu, có tên tuổi mà diễn thua con nít".

Ác là chơi xấu, nói xấu sau lưng để làm mọi người nhìn nhận về người kia không tốt. Còn họ diễn đúng đẳng cấp của họ thì không phải là ác. 

Hồi làm ở Idecaf, nghệ sĩ Minh nhí từng nói rằng, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thuỷ... ganh đua nhau lắm.

Ganh đua ở đây là ai cũng trau truốt cho vai diễn của mình từ quần áo đến bước đi, ánh mắt trên sân khấu. Ai cũng muốn vai mình tròn trịa. Đó là lý do khi xem một vở diễn toàn ngôi sao rất đã. Và sự ganh đua đó là ganh đua trong sáng lành mạnh khi làm nghề chứ không phải xỉa xói, chơi xấu".

Những người chưa nổi tiếng thường rất ác. Họ chơi xấu, đạp lên nhau để leo lên - Ảnh 4.

Ca sĩ, diễn viên Nguyễn Lê Bá Thắng chia sẻ tại talkshow Nghệ sĩ Đối thoại.

Kể về chuyện bị đồng nghiệp chơi xấu và vấn đề đạo đức diễn viên, Bá Thắng bảo: "Chuyện nghệ sĩ bị thêu dệt, dựng chuyện nói xấu với bầu show nhiều lắm. Thắng cũng từng bị nhưng mình tốt hay xấu thời gian sẽ trả lời, và những người đã, đang làm việc với mình đều thấy hết, không cần phải thanh minh.

Ngày xưa có thể, bầu show sẽ nghe một chiều nhưng bây giờ thì họ bớt nghe rồi. Bầu show bây giờ khôn lắm, họ biết nhìn vào túi tiền của họ nhiều hơn.

Nếu nghệ sĩ đó đem lại lợi ích kinh tế cho họ, họ sẽ bỏ qua lời gièm pha và vẫn mời show. Không ai trách được vì họ làm kinh tế thì phải tính toán đến kinh tế. Ai đem lại khán giả, ai đem lại tiền thì họ sẽ làm việc cùng.

Bầu show cũng rất tội ở chỗ, họ giống như túi rác. Ai muốn dựng chuyện người này, nói xấu người kia là tìm bầu show trút vô...

Về vấn đề đạo đức của người nghệ sĩ, Thắng nhớ có lần chị Phương Thanh nói "các em phải biết chào người lớn". Hồi chị Phương Thanh đương thời, chị vào sân khấu, gặp các bậc cha chú, anh chị, chị Thanh đều cúi chào dù lúc đó, tên tuổi của họ không nổi tiếng như chị.

Sau một thời gian chị Phương Thanh ngưng rồi trở lại, chị vẫn được mọi người kính nể. Mọi người nên xem đó là bài học cho mình.

Dĩ nhiên, trong trường sân khấu, các thầy cô đều dạy về đạo đức. Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức diễn viên nhưng học thì ai cũng học mà có hành được hay không cũng tùy người"!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại