Video: Một tuần thâm nhập 'sào huyệt' công ty cho vay qua app, thót tim xem cảnh hù dọa con nợ
Như đã thông tin ở kỳ trước, thời gian gần đây, app cho vay tiền hoạt động ngày càng biến tướng hơn. Dù cơ quan chức năng đã liên tục xử lý không ít trường hợp sai phạm, thế nhưng, vì lợi nhuận quá “khủng”, những nhóm lợi ích trong đường dây app cho vay vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật.
Kỳ 1: Cuộc sống sợ hãi của nam sinh dính vào ma trận vay tiền 'app chồng app'
Trên ứng dụng tìm kiếm Google, chỉ cần gõ từ khoá “vay tiền”, trong chưa đầy 2 giây đã cho ra hàng nghìn kết quả dẫn tới hơn 200 app cho vay với nhiều tên gọi. Tên gọi khác nhau, song cách thức hoạt động của những app này đều tương tự nhau, đều đưa con nợ đến cảnh “sống dở chết dở”.
Trong vai hai thanh niên nam 20 tuổi thất nghiệp, không bằng cấp nhưng từng có một năm kinh nghiệm làm thu hồi nợ ở một công ty tài chính khác, chúng tôi đến văn phòng của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tài chính Oncredit tại tầng 8 toà nhà Cantavil Premier (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) để ứng tuyển vào vị trí nhân viên thu hồi nợ theo lịch hẹn.
Tại đây, có khoảng 7 người khác cùng đến xin việc, tất cả đều còn rất trẻ. Câu hỏi đầu tiên mà những người đến ứng tuyển nhận được là “ biết thông tin tuyển dụng từ ai? ”. Nếu trả lời không hợp lý, người đó lập tức bị từ chối ngay vòng đầu tiên.
Qua vòng đầu tiên, chúng tôi được yêu cầu khai thông tin cá nhân gồm: Tên, tuổi, số CMND, quê quán, thông tin người thân trong gia đình, thông tin công ty trước đây từng làm, thông tin đồng nghiệp cũ… Khi mọi thông tin đã khai đầy đủ, chúng tôi được một thanh niên là quản lý của 1 trong 4 nhóm thu hồi nợ tại công ty “test” về khả năng “nói chuyện” điện thoại.
“Phải ‘cứng’ thì mới làm thu hồi nợ được nha, còn không chỉ hợp làm nhắc nợ hay chăm sóc khách hàng thôi”, người này nói. Sau khi “trình” những thành tích về các khoản nợ xấu đã thu được trước đây cho công ty cũ, hồ sơ của chúng tôi được người này đánh dấu “G3” kèm theo cái gật đầu hài lòng.
Ở vòng phỏng vấn cuối cùng, chúng tôi được kiểm tra bởi đích thân giám đốc công ty – ông Lê Thanh Huỳnh Cang.
“Làm công việc này không hẳn là phải hung dữ gì đâu, công ty cũng không cho phép chửi bới khách hàng…”, ông Lê Thanh Huỳnh Cang nói. Trong lúc phỏng vấn, ông Cang không hỏi quá nhiều chi tiết nhưng dành nhiều thời gian để “nhìn người”.
Chúng tôi đến làm việc hôm sau, ngay sau ngày phỏng vấn.
Văn phòng của Oncredit có khoảng 100 nhân viên thu hồi nợ, mỗi người được trang bị máy tính và headphone riêng. Nhân viên được chia theo những luồng cách biệt, trước mỗi luồng đều có người giám sát, quản lý.
Tại công ty, thường xuyên có nhiều người nước ngoài lui tới. Theo lời các nhân viên tại đây, những người nước ngoài này là “chủ đầu tư” của app với đủ thứ quốc tịch.
Chúng tôi được hướng dẫn ngồi tại vị trí trống đã có sẵn máy tính và headphone ở luồng thứ 3. Một thanh niên, khoảng 28 tuổi, tự giới thiệu là trưởng nhóm G3 cho biết sẽ là người giám sát và quản lý trực tiếp chúng tôi.
Những ký hiệu G lúc này cũng được người giám sát giải thích nhanh gọn: “Có tất cả 4G: G1, G2, G3 và G4. G1 là nhắc nợ, nghĩa là gọi nhắc khách hàng sắp đến hạn thanh toán. G2 là đòi nợ trễ hạn 1-30 ngày. G3 là đòi nợ trễ hạn 30-61 ngày. G4 là đòi trễ hạn 61-180 ngày hoặc nhiều hơn”.
Theo người này, G càng cao thì người thu hồi nợ càng phải dữ.
Đối với G1 và G2, khi được cấp tài khoản, nhân viên thu hồi nợ chỉ cần đeo headphone, hệ thống app sẽ gọi tự động đến cho các con nợ hoặc người thân của con nợ. Khi có người nghe máy, nhân viên thu hồi nợ chỉ cần đọc số tiền cần đòi đã hiện sẵn trên màn hình máy tính. Thi thoảng, nhân viên thu hồi nợ của G1 và G2 cũng sẽ được cấp một danh sách các con nợ và phải tự thao tác gọi trên máy tính.
Còn ở G3 và G4, phạm vi “tự do” của nhân viên thu hồi nợ được mở rộng hơn. Ngoài đọc số tiền con nợ cần phải trả, nhân viên thu hồi nợ của G3 và G4 được phép đe doạ con nợ, bất kể “cách nào thì cách, đòi được tiền là được”.
Nhiều người nước ngoài thường xuyên có mặt tại Công ty Oncredit.
Đập bàn, quát tháo là những cảnh tưởng thường xuyên diễn ra tại khu G3 và G4. Ở hai nhóm này, nhân viên thu hồi nợ có thể sử dụng điện thoại cá nhân để tự “chăm sóc” con nợ của mình.
“Có trả nợ hay không thì nói, hay là muốn bị ghép hình trốn nợ rồi đăng hết khắp nơi. Kiểm tra Zalo đi, tôi đã nói là làm chứ không doạ. Đấy, có muốn bị ghép hình đăng như người này không? Trước 5h ngày mai mà vẫn không gửi thanh toán thì hình ảnh của anh, con gái anh sẽ giống như người mà tôi đang làm đó nha!”, đó là cách mà một nhân viên thu hồi nợ chưa đầy 20 tuổi của Oncredit nói với con nợ 40 tuổi của mình.
Tương tự, một nhân viên khác lớn giọng suốt cuộc gọi tới con nợ: "Vay 2,6 triệu đến nay không thanh toán cho Oncredit là sao đây? Oncredit đây, Oncredit Lợi Tín đây! Số điện thoại này vay tiền, có thanh toán tiền hay không? Không thanh toán tiền thì để chúng tôi giải quyết... Cái tiền nợ bây giờ tính sao?".
Trước khi tắt máy, nhân viên này đã hoàn tất gửi tin nhắn tới Zalo con nợ vừa được gọi với nội dung: "Tiền không đóng kêu cả nhà mày trốn đi. Kêu bạn bè nhận hình".
Ở luồng bên cạnh, giọng quát tháo của nữ nhân viên thu hồi nợ G4 khiến nhiều người giật mình: "Bây giờ muốn sao, bây giờ viết mail khiếu nại công ty đi. Trễ hợp đồng hai trăm mấy ngày rồi đó. Đòi hoài, đòi hoài... Bớt khiếm nhã! Bớt khiếm nhã đi!".
Dù trước đó ở các vòng phỏng vấn, các quản lý và chính ông Lê Thanh Huỳnh Cang khẳng định rằng, người đòi nợ không được dọa dẫm, khiếm nhã với khách hàng. Song thực tế, mặc cho nhân viên quát tháo, đe dọa khách hàng ngay bên cạnh mình, những quản lý trực tiếp lại có vẻ không nghe, không biết.
Trung bình mỗi ngày một nhân viên thu hồi nợ của Oncredit sẽ thực hiện khoảng 200 cuộc gọi đến con nợ và người thân của con nợ. Mỗi nhân viên thu hồi nợ tại đây sẽ thu về cho công ty khoảng 700 triệu đồng/tháng từ các cuộc gọi.
Sau một ngày học việc, ngày thứ hai, chúng tôi được thử cuộc gọi đầu tiên. Một nhân viên cũ có nhiệm vụ “kèm” chúng tôi.
Vừa đeo headphone, một cuộc gọi tự động kết nối. Trên màn hình, tên, tuổi, hình ảnh CMND của con nợ hiện sẵn kèm theo số tiền gốc, số ngày trễ hạn và số tiền hiện cần phải trả. Tuy nhiên, sau một hồi đổ chuông không có người nghe máy.
“Để đó, nhắn tin Zalo cho nó rồi lát gọi người thân của nó”, vừa nói với chúng tôi, người chỉ việc vừa gửi các tin nhắn đã được cài đặt sẵn trên máy tính vào tài khoản Zalo của con nợ.
"Tao hỏi lần cuối... tự giác mang tiền ra trả nợ hay để tao cho người xiên cả nhà mày đây. Đúng 15h hôm nay không nhận được tiền thì tốt nhất cả nhà mày ra đường trùm kín cái đầu lại...", tin nhắn được một nhân viên thu hồi nợ của Oncredit gửi đến số điện thoại di động của con nợ.
Khi chúng tôi thắc mắc, nếu lãi suất chỉ 14,2%/năm thì tại sao khoản vay đầu của người vừa gọi tới là 4 triệu, vay trong 7 ngày, chỉ trễ hạn 36 ngày nhưng số tiền phải trả lại lên tới hơn 12 triệu, người này đáp: “Ai mà biết, tính thêm phí tùm lum. Mà thu thì thu đi, thắc mắc chi nhiều vậy”.
Những cuộc gọi tiếp theo, chúng tôi bị nhân viên này phàn nàn: “Đòi kiểu vậy thì xuống G1, G2 đi”.
Khi chúng tôi ngỏ ý được quay màn hình máy tính để tiện nhớ thao tác làm việc, người chỉ việc lập tức cau mày nói: “Cấm quay phim, chụp ảnh. Quay quay, chụp chụp đi rồi bị đuổi luôn giờ”. Vừa nói, người này vừa chỉ lên 3 chiếc camera an ninh đang theo dõi nhất cử nhất động của từng người trong văn phòng.
Quản lý "lệnh" cho các nhân viên tạm thời ngưng tác động trường hợp chuẩn bị gửi đơn cho công an.
Trong hàng chục group chat qua ứng dụng Viber của lãnh đạo và nhân viên Oncredit, những thông tin về "thị trường" cũng liên tục được các "sếp" phổ cập như: "Thời gian này hơi nhạy cảm, thị trường đang bị công an để ý, mọi người nhắc các bạn cẩn trọng...".
Khi một số trường hợp khách hàng bị đe dọa đã hoặc chuẩn bị gửi đơn phản ánh tới công an, các quản lý lệnh cho cấp dưới: "Đã xin ý kiến anh Kang (ông Lê Thanh Huỳnh Cang - PV) . Tạm thời trường hợp này ngưng tác động, để xem xét tình hình và xử lý sau".
Ngoài hầu hết các cuộc gọi đi từ hệ thống, thi thoảng sẽ có những con nợ chủ động liên lạc để trả nợ. Những con nợ này hầu hết đều trễ hạn thanh toán quá lâu và bị khủng bố quá nhiều, nay chủ động được trả nợ. Và những khoản nợ trễ hạn thanh toán quá 180 ngày đều được bán cho bên đòi nợ thứ hai – những công ty núp bóng văn phòng luật.
“Bên đòi nợ thứ hai” cũng là một trong những “đòn hiểm” được các nhân viên thu hồi nợ tại Oncredit đưa ra đối với những khoản nợ trễ hạn: “ Trả hay không, hay muốn bị bán cho bên đòi nợ khác”, “Vậy là không trả đúng không, vậy chuẩn bị tinh thần bên đòi nợ khác tìm đến đi nha!”, “Chúng tôi không bảo đảm được bên đòi nợ khác họ sẽ làm gì đâu, không trả thì cứ để họ”…
Mai Anh (*), người từng có thời gian làm việc tại Oncredit nói với chúng tôi: “Bị bán khoản nợ thì xem như xong đời”.
Theo Mai Anh, các khoản nợ quá 200 ngày được quy là nợ rất xấu, khó đòi, được công ty bán (hoặc liên kết trả %) cho các văn phòng luật. Những văn phòng luật này bày biển hiệu tư vấn luật, song thực tế lại là các tổ chức chuyên đòi nợ thuê.
“Để tên văn phòng luật chỉ để đủ pháp lý ký hợp tác với các app cho vay hay các công ty tài chính thôi, chứ không có luật sư nào cả. Mấy công ty luật này cũng tổ chức tương tự các app, nhưng đại loại là mức độ khủng bố con nợ kinh khủng hơn. Nếu các app chỉ dừng ở việc gọi điện hù dọa tung thông tin, thì mấy công ty luật này còn dọa giết, thậm chí khủng bố cả người thân con nợ”, Mai Anh nói.
Chị Hồng Huế (*), ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, mấy ngày nay chị đang mất ngủ vì bỗng dưng bị các app cho vay gọi điện làm phiền.
Theo lời kể của chị Huế, chị và Ánh (*), 21 tuổi, quê Quảng Trị là đồng nghiệp. Do tính chất công việc nên hai người thường xuyên liên lạc. Tuy nhiên, hai tuần trước Ánh đã nghỉ việc và hai người không còn liên hệ. Sau khi Ánh nghỉ việc khoảng một tuần, chị Huế bắt đầu bị hàng loạt số điện thoại lạ gọi đến.
“Mỗi ngày phải hơn 30 cuộc, gọi cả đêm cả ngày. Đầu tiên họ hỏi có quen Ánh không, tôi nói có biết nhưng giờ không liên lạc nữa. Nghe tôi nói vậy thì họ nói liên lạc với Ánh đi, và nhắc Ánh trả nợ số tiền 11 triệu đồng. Nếu nhắc được Ánh trả nợ thì họ sẽ không còn làm phiền tôi nữa. Nhưng tôi gọi Ánh đâu có được, tìm đâu ra mà nhắc”, chị Huế than thở.
Vì bị quá nhiều số điện thoại lạ làm phiền, chị phải cài chế độ chặn cuộc gọi từ số lạ. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nhiều phiền phức cho chị, vì số điện thoại hiện tại chị đã dùng hơn 10 năm, việc chặn số lạ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc.
(*): Tên nạn nhân đã được thay đổi
>>> Đón đọc kỳ tới: Thâm nhập hệ thống app Oncredit: Nhiều quyền nguy hiểm được sử dụng