Thời gian gần đây, đường dây nóng của VTC News (0855.911.911) liên tục nhận được phản ánh từ độc giả về việc các app cho vay tiền ngày càng biến tướng với quy mô và cách thức hoạt động tinh vi.
Trong số độc giả phản ánh, phần lớn là người thân của các nạn nhân vay app, số khác chính là con nợ của app. Dù là người liên quan trực tiếp hay gián tiếp, họ đều đang trong cảnh “dở sống dở chết”.
Sau nhiều lần hẹn gặp trực tiếp với Vũ Đức Huy (*) nhưng bị từ chối, ra Tết (mùng 6 Tết), chúng tôi bất ngờ khi Huy chủ động liên hệ và đề nghị gặp mặt. Huy, 19 tuổi, hiện đang là con nợ của hàng loạt app cho vay với số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng.
Hẹn Huy trước trụ sở của VTC News lúc 10h, cậu mặc chiếc áo khoác có mũ trùm hết đầu, đeo khẩu trang kín mít, bước đi thiếu tự tin. Nếu không để lộ đôi mắt – đôi mắt có ánh nhìn dè chừng, sợ hãi thì hẳn chúng tôi chẳng dám tiến tới hỏi chuyện.
“Dạ… dạ…, là em đây! Anh chị cho em lên văn phòng luôn được không, đứng đây em sợ”, đó là câu đầu tiên Huy nói khi gặp chúng tôi. Vào văn phòng, sau khi đưa mắt quan sát xung quanh và chắc chắn nơi này người lạ không vào được, cậu mới yên tâm cởi mũ, bỏ khẩu trang.
Nhìn tấm thẻ sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, chúng tôi biết Huy đang là sinh viên năm 2, khoa công nghệ thông tin. Thế nhưng Huy nói, hai tháng nay cậu không còn đến trường.
Đầu tháng 11/2022, máy tính của Huy hỏng, đúng lúc một người bạn cùng lớp rao bán lại chiếc máy tính đang dùng. Thấy máy của bạn mới mua vài tháng nhưng chỉ bằng 2/3 giá mua mới, Huy tìm cách có đủ 13 triệu đồng để mua lại.
Nghĩ cha mẹ ở quê cũng chỉ làm ruộng mà lo cho mình ăn học, Huy quyết định không báo cho gia đình mà tự mình xoay xở số tiền. Vét sạch 2 triệu đồng tích góp từ việc đi làm thêm ở quán nhậu, Huy vay mượn thêm bạn bè nhưng cũng chỉ được 8 triệu đồng.
Máy tốt, giá tốt, nếu không mua sớm thì người khác mua mất, thế rồi cậu lần mò lên mạng tìm hiểu dịch vụ cho vay tiền nhanh.
“Thật ra em chỉ gõ tìm kiếm trên Google có 2 lần, em gõ là “vay tiền nhanh” thì cho ra nhiều trang lắm. Em lướt qua, vẫn hơi sợ nên thoát ra. Thế nhưng khi em thoát ra, trên các tài khoản mạng xã hội của em đều hiện đầy rẫy bài quảng cáo mời gọi vay tiền. Đáng sợ hơn là họ còn gửi tin nhắn Facebook cho em để mời vay”, Huy kể lại.
Ấn vào đường link 123vay.com từ một người lạ gửi vào tin nhắn Facebook, điện thoại của Huy tự động dẫn đến một trang web tập hợp các app cho vay tiền nhanh. Tại đây, có 150 app với đủ thể loại tên miền được cài đặt sẵn: Doctordong, newdong, moneydong, oncredit, tienoi …
“Tên khác nhau nhưng cách thức của chúng giống hệt nhau”, Huy nói. Click vào đường dẫn của app có tên newdong, điện thoại của Huy tiếp tục mở tra một trang mới với tên miền đầy đủ là h5.newdong11.
Sau khi Huy nhập con số cần vay là 5 triệu đồng, app này yêu cầu Huy điền đầy đủ thông tin cá nhân: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại cá nhân, số điện thoại người thân, ảnh căn cước công dân và quay video đối chứng khuôn mặt hiện tại với căn cước công dân. Khi xác định hồ sơ đã khớp, app yêu cầu Huy nhập số tài khoản cá nhân.
Bước cuối cùng, để nhận được khoản vay, Huy phải ấn chấp nhận yêu cầu “uỷ quyền sim”.
Khoảng 1 giờ sau, tài khoản của Huy thông báo có tiền chuyển đến từ app. Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ 3 triệu đồng, không đủ 5 triệu đồng như mong muốn ban đầu.
“Lúc đó em nghĩ chắc vay lần đầu nên họ chỉ duyệt cho 2/3 khoản vay nên cũng không lo lắng gì”, Huy nói. 6 ngày sau, điện thoại của Huy bắt đầu có những số điện thoại lạ gọi đến, yêu cầu thanh toán khoản vay hơn 5 triệu đồng.
Khi Huy thắc mắc tại sao số tiền vay lại lên tới gần gấp đôi, trong khi trước đó app đề rõ lãi suất 0% trong lần vay đầu tiên thì nhận được câu trả lời bực dọc từ nhân viên nhắc nợ: “ Vay 3 triệu lần đầu tiên không phải đóng lãi, nhưng phí nộp đơn là 1,1 triệu, phí quản lý 1,1 triệu. Tổng cộng là 5,2 triệu. Trước 12h ngày mai không đóng thì chúng tôi gọi người thân nhắc nợ”.
Chưa kịp định hình được ma trận mà mình sắp vướng vào, Huy hoảng hốt khi thấy điện thoại của mẹ gọi lên từ dưới quê, cho hay bị người lạ gọi đến và yêu cầu nhắc Huy trả nợ. Song song với đó, các số điện thoại lạ dồn dập gọi đến thúc giục Huy trả nợ. Họ nói, nếu Huy không trả đúng hạn, 200 số điện thoại trong danh bạ của cậu sẽ nhận được tin nhắn nói cậu dính nợ xấu.
Lúc này, Huy mới giật mình hiểu bước “uỷ quyền sim” mà app bắt buộc chấp nhận trước khi vay tiền là gì.
Giữa lúc lo lắng chưa tìm ra hướng giải quyết, Zalo của Huy nhận được tin nhắn từ người lạ kèm theo link app cho vay mới “h5.cashvnaa01.pw” với nội dung: “ Vay app mới trả app cũ. Không trả đúng hạn gửi ảnh bêu xấu cả danh bạ”. Hốt hoảng, Huy ấn vào đường link app mới và nhập số tiền cần vay. Lần vay tiếp theo này được giải ngân rất nhanh mà không yêu cầu nhiều thông tin cá nhân.
“Nhận 6 triệu về tài khoản, ngay lập tức em chuyển trả cho app đầu tiên. Em biết là khoản vay tiếp theo đó lãi cũng sẽ rất cao, nhưng không còn cách nào nữa, giải quyết tạm thời đã, chứ bị bêu xấu thì em không còn mặt mũi nào đến trường”, Huy nói.
Vài ngày sau, những số điện thoại lạ đòi nợ tiếp tục gọi đến cho Huy, yêu cầu thanh toán số tiền nợ gần 11 triệu đồng. Vẫn cách thức cũ, chúng đe doạ không trả đúng hẹn sẽ dán hình bêu xấu ở cổng trường. Tưởng chừng chúng chỉ dừng lại ở việc hù doạ, song ngày trễ hạn đầu tiên, 3 người quen của Huy gọi đến thông báo việc nhận được tin nhắn từ người lạ. Chúng gửi tin nhắn kèm theo hình căn cước công dân của Huy trên bảng chữ truy nã kẻ trốn nợ - lừa đảo.
Sợ hãi, Huy chỉ còn cách lần mò vào các app cho vay mới để giải quyết tức thời. Khi số tiền nợ lên tới 20 triệu đồng (hạn mức mỗi app không cho vay quá 15 triệu đồng), Huy phải chia ra vay nhiều app cùng lúc để trả nợ. Cứ thế, app chồng app, cuộc sống của cậu sinh viên năm 2 đen đặc trong những khoản vay không lối ra.
“Em đã bán máy tính rồi, bán luôn xe máy rồi nhưng không trả hết. Tháng trước em dùng căn cước công dân đi mua trả góp điện thoại, vừa ra khỏi cửa hàng thì em bán tháo luôn để lấy tiền trả app, thế nhưng vẫn không thoát được. Tính sơ, cả số tiền đã trả cho chúng, số tiền đang nợ chúng và số tiền đang nợ bên ngoài của em hiện chắc đã hơn 300 triệu rồi”, Huy cho hay.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Huy không dám về quê, phần vì sợ cha mẹ phát hiện việc nợ nần, phần vì ở lại TP làm thêm lấy tiền cấn trừ app. Dù vậy, do số tiền nợ quá lớn, mỗi ngày có hàng trăm cuộc gọi đe doạ “gặp đâu xử đó”, cậu chỉ còn cách thấp thỏm sống trong phòng trọ nhỏ.
“Thời gian vừa qua em sống chui lủi đúng nghĩa như một tên tội phạm truy nã, đó cũng là lý do em từ chối gặp anh chị nhiều lần. Nhưng nghĩ kỹ lại, nếu em vẫn im lặng thì hàng nghìn bạn khác cũng sẽ bị như em, và chính em cũng không có cách giải quyết cho chính mình, vì vậy em mới làm liều đến đây”, Huy nói với chúng tôi bằng giọng cầu cứu.
Trong gần 3 tháng bị nhấn vào vòng xoáy nợ nần, Huy tìm hiểu từ các hội nhóm thì biết được bản thân chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân của app cho vay. Có những người mang nợ cả tỷ đồng, có cả những người tìm đến cái chết để giải thoát.
Thông qua Huy, chúng tôi gặp Đậu Tấn Đạt (*). Bằng tuổi Huy nhưng Đạt không đi học mà đang làm công nhân tại một nhà máy ở Đồng Nai. Huy và Đạt biết nhau vì cùng là nạn nhân của app cho vay. Chưa chi trả số tiền nợ lớn như Huy, nhưng cuộc sống hiện tại của Đạt còn khủng khiếp hơn khi bị dọa giết hàng giờ, trù ẻo gia đình gặp nạn.
App cho vay đầu tiên Đạt tìm đến là Oncredit vào đầu năm 2022. Sau khi tìm hiểu, biết được Công ty Oncredit có văn phòng rõ ràng tại toà nhà Cantavil Premier (phường An Phú, TP Thủ Đức), khoản vay đầu tiên không mất lãi và phí nên Đạt quyết định vay.
“Vì không mất lãi và phí nên khoản vay đầu tiên chỉ được vay tối đa 500 nghìn đồng. Vay trong 5 ngày, em trả đúng hạn nên không mất phí gì thật”, Đạt kể.
Thế nhưng theo Đạt, khoản vay đầu như chỉ để làm “mồi” cho khách hàng. Khi hồ sơ khách hàng đã được lưu, các khoản vay tiếp theo được duyệt nhanh chóng. Và vì lần đầu minh bạch, khách hàng cũng cả tin mà không ngần ngại vay số tiền lớn hơn.
Khoản vay tiếp theo, Đạt chọn con số 5 triệu đồng, vay trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, do vẫn chưa đủ tiền trả nên Đạt buộc xin trễ hạn. Mỗi ngày đều có hàng chục số điện thoại từ app gọi đến nhắc nợ. Ngày trễ càng tăng, thái độ của người nhắc nợ cũng “căng” hơn.
“Đợt đó em tăng ca ở công ty, cũng ít cầm điện thoại nên không để ý lắm tới mấy số nhắc nợ. Có mấy người bạn em bị họ gọi đến, nói chuyển lời nhắc em trả nợ, nhưng do chưa có tiền nên em chỉ còn cách ráng tăng ca nốt, cuối tháng có lương thì trả”, Đạt nói.
Cuối tháng, khi đã nhận được 4,9 triệu đồng tiền lương từ công ty, Đạt mới dám nghe điện thoại người nhắc nợ. Tuy nhiên, lúc này Đạt giật mình vì số tiền nợ đã lên tới 10 triệu đồng do trễ hạn 25 ngày. Cho rằng công ty lừa đảo, Đạt chỉ chuyển trả đúng số tiền gốc và lãi 14,2% như quảng cáo ban đầu của công ty (vay 5 triệu đồng, tổng 35 ngày vay, lãi suất 14,2% tương đương 800 nghìn đồng).
Dù Đạt đã chuyển trả 6 triệu đồng vào tài khoản công ty, nhưng người nhắc nợ không đồng ý và cho biết sẽ gọi điện liên tục đến khi nào trả đủ mới thôi. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, số tiền lãi tăng lên vùn vụt.
Bị hù dọa, Đạt không còn tâm trí đi làm. Thông tin Đạt vay nợ cũng tràn lan khắp công ty, bạn bè và gia đình. Mặc kệ việc bị bêu xấu, ghép ảnh hù doạ, Đạt đổi số điện thoại để không còn bị làm phiền.
Khoảng 5 tháng sau, Đạt được một người bạn báo rằng, app Oncredit nhờ nhắc Đạt thanh toán số tiền nợ 29 triệu đồng.
“Sau đó em về quê và kể hết sự việc cho gia đình. Gia đình em lo lắng nên quyết định bán trâu cho em trả nợ, chứ sợ càng để lãi càng cao mà phải sống chui lủi cả đời. Thế nhưng, khi em liên hệ lại với app Oncredit thì được thông báo rằng khoản nợ của em đã được bán cho công ty khác”, Đạt kể.
Sau hai ngày không ai gọi điện làm phiền, ngày thứ ba, các số điện thoại lạ lại lũ lượt gọi đến, thông báo số tiền nợ Đạt phải trả là 45 triệu đồng.
“Họ gọi đến, yêu cầu em thanh toán khoản nợ cũ từ Oncredit. Họ đọc địa chỉ nhà em, họ tên ba mẹ, em trai em, và nói là muốn thấy quan tài trước nhà hay không. Hình bôi nhọ em cũng được dán đầy rẫy khắp các cột điện gần nhà trọ và công ty cũ ở Đồng Nai. Họ làm thật chứ không hù doạ nữa”, Đạt kể với chung tôi bằng giọng run rẩy.
Đạt trình báo công an địa phương nhưng mọi thông tin đều mơ hồ, các số điện thoại gọi đến khi gọi lại đều không liên lạc được. Đạt lên các hội nhóm nạn nhân của app cho vay và biết Huy, hai cậu thanh niên sinh năm 2003 cùng cảnh ngộ đi tìm lối thoát…
(*): Tên nạn nhân đã được thay đổi
>>> Kỳ 2: Từ trong hang ổ ứng dụng vay tiền 'siết cổ' con nợ