Thôn Tuấn Tú thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã.
Địa hình ở đây chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và động cát trắng, trong tổng diện tích tự nhiên 458 ha, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác, trong đó có 62 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy. Khu vực này đầy nắng và gió, 65% diện tích là đất pha cát bạc màu.
Trước đây, bà con trồng chủ yếu là đậu, bắp, cà rốt, hành, tỏi... Tuy nhiên, năng suất của các sản phẩm này khá bấp bênh nên đời sống của bà con cũng gặp không ít khó khăn.
Trong những năm qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Trong số đó có mô hình trồng cây măng tây xanh.
Măng tây xanh là một loại cây thân thảo, được mệnh danh là "rau hoàng đế", "cây rau vua" do nhu cầu của chúng trên thị trường rất lớn, đồng thời, loại cây này cũng đem lại giá trị kinh tế cao.
Đất trồng măng tây tốt nhất là đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu chất hữu cơ. Tuy nhiên, loại cây này lại đặc biệt thích nghi với vùng đất cát ven biển như ở Ninh Thuận. Cây măng chịu được khí hậu khắc nghiệt nơi đây, nhưng cây cần đủ nước mới có thể phát triển. Vì vậy, khi trồng loại "rau hoàng đế" này cần chú ý tưới tiêu thường xuyên để cây không bị khô cằn.
Để cây có thể sinh trưởng tốt nhất, trên diện tích mỗi ha cần khoảng 500g hạt giống. Gieo cây với mật độ khoảng 18.000 – 20.000 cây/ha. Độ pH của đất phải ở ngưỡng 6,5 - 7, nhiệt độ thích hợp để cây măng tây phát triển tốt nhất từ 25 - 30°C.
Thời gian gieo hạt thông thường vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng vào tháng 2, tháng 3 và gieo hạt cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 (dương lịch). Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 6 - 8 tháng. Một năm, cây măng tây cho thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa 2 - 3 tháng.
Do đặc tính của cây măng tây không chịu được úng ngập nên cần phải làm luống cao khoảng 30cm, hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 40cm. Cây măng có thân mỏng manh nên khi cây cao khoảng 40cm cần phải cắm cọc để tránh cây bị đổ ngã.
Thời gian thu hoạch măng tốt nhất phải từ 4 - 6h sáng hoặc lúc tối. Bởi lẽ, đây là thời điểm cây cho hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Nếu thu hoạch vào lúc mặt trời mọc, cây măng tây có thể sẽ bị đắng và hàm lượng dinh dưỡng không cao. Người hái măng dùng tay bới xung quanh cây, khi đủ kích thước khoảng 25cm thì nhổ.
Cây măng tây có thể sống tới 20 - 25 năm và thời điểm cho thu hoạch tốt nhất là trong khoảng 9 - 10 năm đầu. Loại cây này xuống giống 1 lần nhưng có thể thu hoạch liên tục trong 10 năm. Chu kỳ thu hoạch khoảng 2 tháng, sau thời gian tái tạo, thay cây già và chăm sóc khoảng 20 ngày lại có thể tiếp tục thu hoạch.
Măng tây có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Trong rễ măng tây có sarsasapogenin coniferin, acid chelidonic, mannit, asparagin và muối kali, có tác dụng giúp điều trị hỗ trợ giảm niệu của bệnh nhãn tim và các bệnh về thận, vàng da.
Măng tây chứa các chất chống ôxy hóa như vitamin C, vitamin E, các flavonoid, polyphenol; chất cải thiện sức khỏe xương và chống đông máu như vitamin K; nhiều chất xơ không hòa tan giúp cải thiện chức năng tiêu hóa; chứa folate giúp thai kỳ khỏe mạnh. Măng tây còn cung cấp kali giúp giảm cao huyết áp và là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều chất bổ ích khác cho cơ thể.
Chính vì vậy, ngoài việc dùng làm thực phẩm, loại rau này còn được y học dùng làm vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh như mất ngủ, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, tốt cho đường ruột.
Bà con thôn Tuấn Tú bên sản phẩm măng tây xanh. Nguồn: Bộ Công thương.
Tại Tuấn Tú, mỗi hộ được hỗ trợ trồng thí điểm 1.000 m2. Hiện tại, cây măng tây xanh cho thu hoạch 10 kg/ngày, thương lái thu mua tại vườn 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Ông Lỗ Trung Tài - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Tuấn Tú chia sẻ, 1 kg măng tây có giá trị bằng 10 kg thóc. Trong giai đoạn thu hoạch thì ngày nào cũng có măng để bán. Ngày nào người dân trong thôn cũng có tiền bởi nhà ít thì cũng được thu hoạch 10 -15 kg; nhà nhiều thì 30 - 50 kg. Nhờ hiệu quả của cây măng tây xanh, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú có thu nhập bình quân trên 52 triệu đồng/người/năm.