'Trồng cây dưới gầm đường sắt là chuyện bình thường'

TUYẾN PHAN |

Đó là khẳng định của ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV công viên - cây xanh Hà Nội khi trả lời về việc trồng cây dưới gầm đường sắt.

Theo ông Vũ Kiên Trung, ở các nước như: Nhật, Trung Quốc, Singapore và những thủ đô phát triển trên thế giới thì câu chuyện trồng cây ở gầm đường sắt trên cao, gầm cầu vượt là câu chuyện bình thường.

“Những nơi ấy bằng kỹ thuật, họ phủ xanh hết cả đường sắt, cầu vượt… tạo ra hàng cây rất đẹp. Ở các nước tiên tiến họ làm được thì mình cũng làm được. Công ty cũng có xe chuyên dụng để khống chế chiều cao liên tục” – vị này nói.

Cũng theo ông Vũ Kiên Trung, đây là chủ trương của TP và đơn vị chỉ thực hiện. Loại cây trồng ở tuyến trên là cây chiêu liêu, việc trồng cây như trên đã được nghiên cứu.

Đồng quan điểm, chuyên gia sinh học nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết cây chiêu liêu còn được gọi là cây bàng Đài Loan.

Đây là loại cây tán đẹp, lá nhỏ và có thể hoàn toàn khống chế được chiều cao. Loại cây này thường được trồng nhiều ở phía nam và phù hợp với khí hậu Hà Nội. Cây này mới đây được đưa vào trồng ở các đô thị.

Trước đó, như đã thông tin, thời gian gần đây người dân trên con phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) không ngừng bàn tán về câu chuyện hàng trăm cây xanh được trồng ngay dưới gầm đường sắt tại đây.

Theo đó, có khoảng 100 cây xanh mới được trồng trên tuyến phố Yên Lãng, tuy nhiên, điều đặc biệt là có tới 2/3 số cây này được trồng ở dưới gầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Việc trồng cây “khác lạ” trên đang gây thắc mắc cho nhiều người về khả năng phát triển của cây sau này.

“Tôi không hiểu, lúc mới trồng đã sát đến gầm đường sắt thế kia thì sau này cây sẽ phát triển kiểu gì, ngọn cây sẽ đội đường sắt, còn tán cây sẽ rợp ra đường hay sao?” - một người dân tại phố Yên Lãng cho hay.

Trồng cây dưới gầm đường sắt là chuyện bình thường - Ảnh 1.

Một số cây khi mới trồng đã gần chạm tới gầm đường sắt

Đồng quan điểm, đa số những người dân ở đây khi được hỏi về hàng cây mới trồng đều đưa mắt nhìn rồi cười: “Không hiểu họ trồng theo quy tắc nào”.

Không chỉ những người sống tại khu vực này, cách trồng cây “lạ” còn gây sự chú ý đối với nhiều người lưu thông qua tuyến đường.

Không ít người khi nhìn thấy hàng cây mới trồng đã sát với đường sắt tỏ ra rất ngơ ngác, khó hiểu.

Cây chiêu liêu là một loại cây thân gỗ trung bình. Cây có tán rộng có thể trồng trong khuôn viên ngoại thất hay trong các khu đô thị, vỉa hè đường phố.

Tán cây phân nhiều tầng giống cây bàng hay cây hoa sữa. Cây thường mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam nước ta.

Cây chiêu liêu có là mọc đối, cuống ngắn. Hoa thường mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá. Lá dài khoảng 10-20 cm và rộng khoảng 5-10 cm tùy vào độ phì nhiêu của đất và lượng ánh sáng mà cây hấp thụ được.

Hoa của cây chiêu liêu mọc dạng bông nhiều hoa nhỏ giống như chùm hoa sữa. Quả hình trứng, 2 đầu nhọn có 5 cạnh dọc. Đường kính 2,5-3 cm; dài 3-5 cm. Vỏ màu nâu nhạt. Hạch (hột) cứng chắc, thịt dày (khi khô chỉ còn 2 – 4mm), vị chua chát, có một hạt cứng.

Ngoài chức năng làm đẹp đường phố, cây chiêu liêu còn là một vị thuốc quý.

Nguồn: Caydothi.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại