Trợ thủ đắc lực của ông Tập dành gần 20 phút chỉ trích TT Trump, TQ sẽ kéo về "mẻ lưới" lớn?

Thủy Thu |

Nối tiếp bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ở Thượng Hải, ông Vương Kỳ Sơn đã dành gần 20 phút để phê phán chính sách thương mại của TT Trump trong bài diễn thuyết ở Singapore.

"Đội trưởng đội cứu hỏa" ra mặt

Sáng 5/11, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc CIIE 2018 lần thứ nhất chính thức được khai mạc tại Thượng Hải. Cùng ngày trong khuôn khổ hoạt động, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, Bắc Kinh và Singapore đã hoàn thành quá trình đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Singapore CSFTA.

Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Singapore có hiệu lực từ tháng 1/2009 và các cuộc đàm phán nâng cấp kéo dài trong ba năm kể từ tháng 11/2015.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ sang thăm Singapore, đồng thời tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức vào giữa tháng 11 này ở Singapore. Được biết, ông Lý Khắc Cường sẽ chính thức ký kết CSFTA trong thời gian này.

Chiều 5/11, phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, sau khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Singapore được thực thi, các doanh nghiệp Singapore có thể có cơ hội tiếp cận nhiều với thị trượng rộng lớn như Trung Quốc cũng như có chính sách đầu tư chính xác hơn.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thế giới đang cố né trách ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ thì từ ngày 5-7/11, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn - người từng được mệnh danh là "đội trưởng đội cứu hóa" sẽ sang thăm Singapore và tham dự Diễn đàn kinh tế mới.

Đài phát thanh quốc tế Pháp - RFI nhận định, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại song phương leo thang căng thẳng thì việc sang Singapore sẽ chứng tỏ sứ mệnh "cứu hỏa" trong cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ của ông Vương Kỳ Sơn.

Theo RFI, Diễn đàn kinh tế mới dự kiến được tổ chức tại Bắc Kinh nhưng Bắc Kinh đã yêu cầu dời sự kiện sang năm sau do cuộc chiến thương mại và lịch trình bận rộn nên cuối cùng phía Mỹ đã quyết định thay đổi địa điểm tổ chức tại Singapore.

Trợ thủ đắc lực của ông Tập dành gần 20 phút chỉ trích TT Trump, TQ sẽ kéo về mẻ lưới lớn? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn kinh tế mới. Ảnh: Bloomberg

Tờ Financial Times ngày 29/8 từng tiết lộ, diễn đàn này được sáng lập bởi tỷ phú Michael Bloomberg - cựu Thị trưởng thành phố New York, Henry Kissinger - cựu Ngoại trưởng Mỹ và các CEO nổi tiếng quốc tế khác, mục đích để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại nên các nhà tổ chức đã buộc phải thay đổi kể hoạch.

Cảnh cáo Mỹ

Sáng 6/11 (giờ Singapore), Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mới.

Trong bài phát biểu, ông khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán với phía Mỹ, thúc đẩy tìm ra giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được về vấn đề kinh tế thương mại.

"Mỗi nước trên thế giới đều có ưu thế của riêng mình, toàn cầu hóa kinh tế là dòng chảy của lịch, dù dòng chảy này sẽ phải đi qua những khúc quanh co thì việc thiết lập hàng rào sẽ không giải quyết được những vấn đề của riêng họ", ông Vương nói.

"Thế giới hiện nay đang đối mặt nhiều vấn đề lớn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc tin tưởng chắc chắn rằng, Trung Quốc và Mỹ đều hưởng lợi từ sự hợp tác, và cùng tổn thất vì sự đối đầu và [quyết định này] sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và ổn định của toàn cầu", Phó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), ông Vương đã dành gần 20 phút trong bài phát biểu để phản đối kịch liệt chính sách thương mại Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump, dù ông không nhắc đích danh ông chủ Nhà Trắng.

Tờ này cũng cho rằng, bài phát biểu của ông có hiệu ứng đẩy cao tầm nhìn toàn cầu hóa - chủ đề trọng tâm trong bài phát biểu gây tiếng vang trước đó một ngày ở Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc CIIE 2018 lần thứ nhất tại Thượng Hải của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tờ Bloomberg cho rằng, với tư cách là chuyên gia cải cách kinh tế nổi tiếng ở Trung Quốc, ông Vương đã đưa ra lời cảnh cáo về chủ nghĩa đơn phương. Đây cũng là quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bài phát biểu ở Thượng Hải.

Chiến tranh thương mại chuyển hướng?

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn liên tục thực hiện các chuyến công du trong thời gian gần đây. Vừa kế thúc chuyến thăm bốn nước Trung Đông, ông đã lại sang Singapore thăm dự hội nghị với các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị toàn cầu.

Tại hội nghị ở Singapore, ông có cuộc gặp gỡ với một số nhân vật nổi tiếng như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson v.v...

Được biết, ông Vương Kỳ Sơn đã luôn duy trì liên lạc với giới chức Nhà Trắng. Ví dụ, từ năm 2009, ông Vương đã nhiều lần gặp gỡ cựu Ngoại trưởng Mỹ hay ông đã gặp cựu Cố vấn hàng đầu Nhà Trắng Gary Cohn từ những năm 70 thế kỷ trước.

Theo giới quan sát, xét từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Vương và các nhân vật trong giới kinh doanh chính trị Mỹ có thể thấy, đây chỉ giống như cuộc hội ngộ của "những người bạn cũ".

"Ông Vương Kỳ Sơn - người từng phụ trách lĩnh vực kinh tế và từng sống ở Mỹ, không chỉ có sự am hiểu về kinh tế, xã hội, chính trị Mỹ mà còn luôn duy trì liên lạc nhất định với giới chính trị gia, doanh nhân Mỹ", báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định.

Cũng theo tờ này, tháng 3 năm nay, việc ông Vương Kỳ Sơn từ một đảng viên phổ thông trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc, đã tạo ra tiền lệ trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy sự coi trọng của ông Tập đối với trợ thủ đắc lực.

Đặc biệt dù cho trong nửa năm qua, dù không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ nhưng ông Vương vẫn được đánh giá là nhà hoạch định và thực thi quan trọng chính sách ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc và diễn đàn lần này tại Singapore chính là cơ hội của ông.

Đặc biệt, với tư cách là người chủ trì hội nghị, tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg cho biết, hội nghị này khác với Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vì nó sẽ tập trung vào "giải pháp thực tế" và giải quyết vấn đề "Trung Quốc trở thành nước lớn mới trỗi dậy và cách hợp tác với Trung Quốc".

Trong những năm gần đây, ông Bloomberg được cho đã duy trì mối quan hệ thân thiện với các quan chức Trung Quốc, bất chấp quan hệ song phương có những diễn biến phức tạp.

Thậm chí, ông này từng chỉ trích quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris của Tổng thống Trump cũng như kêu gọi hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như tự do thương mại và biến đổi khí hậu.

Theo giới phân tích, sự xuất hiện tại Diễn đàn kinh tế mới ở Singapopre sau hàng tháng xung đột thương mại chứng tỏ rõ ràng rằng, ông đang tiến về sân khấu từ sau cánh gà cũng như cho thấy, đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có thể đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó Mỹ.

Trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Tập vào cuối tháng 11, sự xuất hiện của ông Vương Kỳ Sơn có vai trò như chuyến đi tiền trạm, nhằm tìm kiếm phương hương mới cho quá trình giải quyết xung đột thương mại, Đa chiều bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại