Ở phần 2 cuộc trò chuyện, ông Lê Huy Khoa đã bật mí về sự lão luyện bậc thầy của HLV Park Hang-seo trong việc kích cầu tâm lý các tuyển thủ. Phần 3 - phần cuối của cuộc phỏng vấn này, là những chi tiết xúc động về mặt trái của tấm huy chương.
Thanh An: Tôi là người không am hiểu bóng đá. Tôi rất muốn biết tại sao những người như anh, dù đã có công việc kinh doanh thuận lợi, lại mê bóng đá đến độ sẵn sàng đi theo đội tuyển như vậy?
Lê Huy Khoa: Bóng đá có sức hấp dẫn riêng của nó. Nó hấp dẫn đến mức mà bất cứ ở đâu, làm ngành nghề gì, lúc vui hay buồn, thậm chí cả lúc chẳng có việc gì làm người ta vẫn có thể đưa bóng đá ra nói say sưa được. Mà chuyện về bóng đá là đủ thứ trên trời dưới đất, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ chuyện sung sướng đến chuyện bực mình, từ chuyện có đến chuyện không có… Người ta nói đủ thứ. Chính vì thế tôi nghĩ rằng nó là mối quan tâm của xã hội.
Trên thế giới thì rõ rồi, ngôi sao bóng đá là ngôi sao đắt giá bậc nhất. Còn ở Việt Nam, bằng chứng cho thấy là những người tạo ra nhiều giá trị trong xã hội đều đang quan tâm thực sự đến bóng đá. Bầu Đức và Bầu Hiển là rõ rồi chứ. Thật ra những người có hàng nghìn tỷ ấy mà, tôi nghĩ họ đầu tư vào điều gì cũng đều phải là lĩnh vực cả xã hội quan tâm. Vì họ muốn thể hiện trách nhiệm của họ với xã hội. Tôi cho rằng họ phải rất mê bóng đá đấy. Vì cỡ không có tiền như tôi mà còn nghĩ được là thôi cố nốt đợt này đi tuyển, hôm sau về cày bừa kiếm tiền bù vào cùng vợ nuôi con. Đấy, từ một người nhỏ bé như tôi cho đến các ông Bầu nghìn tỷ, tất cả đều cảm thấy thỏa mãn khi đến với bóng đá.
Cái thứ hai nữa là thế này này, những người như cầu thủ, hay HLV khi tham gia vào bóng đá rồi thì họ không bỏ được đâu. Bởi vì sao? Sự gắn bó quá mức nó sinh ra hệ quả tất yếu là lệ thuộc. Mà với bóng đá, bạn không gắn bó, không hết lòng cho nó, bạn không bao giờ thành công cả. Mà gắn bó nghĩa là gì? Là phải quên hết tất cả mọi thứ khác, chỉ biết có bóng đá và đá bóng thôi. Một cầu thủ gắn bó tất cả với bóng đá, thành tài thành danh đến khi bước qua thời kỳ đỉnh cao là 28 tuổi rồi. Cả quãng đời từ 12 tuổi cho đến 28 tuổi họ chỉ biết có bóng đá cho nên họ rất khó học thêm bất cứ một nghề nào khác. Rất khó. Như ông Park còn tâm sự với tôi rằng:
"Thật sự nhiều khi tao muốn bỏ bóng đá lắm, nhưng mà vì không biết làm nghề gì cho nó tốt hơn, cho nên vẫn theo thôi". Bởi vì không biết gì ngoài bóng đá cho nên người ta phải theo là vì vậy. Đi làm cùng ông ấy tôi thấy đặc thù bóng đá đúng là như vậy.
Các cầu thủ cũng như thế, cũng phải theo vòng quay đó. Bạn đã bước vào trò chơi rồi thì bạn phải chấp nhận thử thách chứ. Như Hà Đức Chinh chẳng hạn, tôi biết rằng gần một năm nay chưa được về nhà. Nhà bạn ấy ở Phú Thọ, CLB lại ở Đà Nẵng, hết thi đấu rồi tập huấn, hết đá CLB xong thì đá các giải của đội tuyển… Với lịch tập huấn như thế này, Tết không biết có về được hay không ấy.
Thanh An: Tôi đã từng thích xem bóng đá chỉ vì nhìn thấy trên sân các cầu thủ rất đẹp. Đến bây giờ tôi mới mang máng hiểu rằng để có một trận bóng hay đúng là có quá nhiều sự cống hiến và hy sinh!
Lê Huy Khoa: Ôi, bạn không biết đâu. Vết thương đầy ra, toàn vết sẹo lồi, vết mổ gối thôi… Người ta cứ ví von cầu thủ tài giỏi là những đôi chân vàng, rồi giải thưởng danh giá là chiếc giày vàng… sự thực ra bàn chân là chỗ xấu xí nhất trên người một cầu thủ. Nhiều cầu thủ chân biến dạng đi, có những ngón chân không còn cử động vì chấn thương, móng chân luôn được sơn màu đen vì tụ máu. Chân đi bằng chữ bát, đi vòng kiềng luôn. Các bạn cứ nhìn thấy đội hình mặc đồng phục trắng tinh hay đỏ rực rỡ, tóc xịt keo ngẩng cao đầu, hát quốc ca như thế… Cởi ra đi rồi biết, trên người toàn sẹo. Trời ơi, tội lắm.
Tôi nói ví dụ vừa rồi, chấn thương của Trọng Hoàng như thế, rách bươm cả 2 đầu gối kìa. Thành Chung vừa mới bị 3 mũi khâu ở ngay gần mắt, cạnh đó vẫn còn 3 cái sẹo khác nữa, những vết khâu cũ chưa lành. Nhiều lắm. Có nhiều cầu thủ chấn thương quanh năm suốt tháng tội lắm bạn ơi.
Như Tuấn Anh ấy, cầu thủ này là một thiên tài về xử lý bóng ở không gian hẹp, trong đội tuyển ai cũng công nhận. Quan sát cá nhân của tôi thì thấy bạn ấy xử lý vô cùng uyển chuyển, nhanh và cực kỳ hiệu quả. Dù có 3 - 4 đối thủ ập vào thì bạn ấy cũng không bao giờ rối, không bao giờ mất bóng. Đó là điểm tuyệt vời của Tuấn Anh. Nhưng cậu ấy suốt ngày chấn thương! Thương và đau lắm.
Mà cái đau về thể xác chưa là gì so với áp lực tinh thần cầu thủ đang phải vượt qua. Mọi người nhìn bóng đá với con mắt nhiều khi yêu quý quá mà thần tượng hóa, chứ thực ra sau tất cả, cầu thủ hôm nay chính là đại diện của những người bền chí vượt qua gian khổ. Bình thường một cậu bé khi chọn bóng đá hoặc bóng đá chọn nó, nghĩa là 12 tuổi phải xa gia đình, đi tập 7 - 8 năm trời mới thi đấu được. Bọn trẻ con hồi mới vào CLB để học, chúng nó nhớ nhà khóc inh ỏi cả tháng trời. Lúc đó, nó bắt đầu biết thể nào là khổ về mặt tinh thần. Khi đã thành danh, là cầu thủ bóng đá nổi tiếng, họ là mối quan tâm của xã hội. Nhiều khi họ gánh vác cả khát vọng của xã hội luôn. Lúc đấy đá penalty quan trọng mà trượt thì thôi rồi.
Nói thật, hôm đó về không chỉ mình bị chửi mà gia đình mình cũng bị réo tên, người yêu cũng bị vạ lây. Cầu thủ hôm đó, chắc chắn họ mất đi những phần tự tin cực lớn. Đá penalty mà quả đó khiến cho đội thua trận thì đừng nói gì nữa. Nhưng nếu mà đá vào được là ngược lại nhé. Chỉ một tích tắc thôi hoặc là lên thiên đường hoặc là xuống địa ngục. Những áp lực đấy, không là cầu thủ không ai hiểu nổi đâu.
Thanh An: Để vượt qua quá nhiều những thử thách đó, các cầu thủ cần điều gì?
Lê Huy Khoa: Bản thân cầu thủ phải tự nỗ lực không ngừng trước đã. Sau đó, họ chỉ cần trao cho họ sự tin tưởng. Quá khứ thì tôi không biết, bởi vì tôi không gắn bó với bóng đá từ trước. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng các đội tuyển cấp quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo dẫn dắt là một thể thống nhất gần như tuyệt đối. Tất cả mọi thành viên thống nhất từ đồng phục, hành động đến tinh thần, mục tiêu, ý chí.
Tính thống nhất còn được thể hiện ở sự hỗ trợ từ Liên đoàn, từ các cơ quan nhà nước liên quan, từ chính phủ và đặc biệt là của người dân Việt Nam. Bây giờ người hâm mộ nhìn bóng đá với một niềm tin rõ ràng chứ không phải như ngày xưa nữa. Bước vào trận đấu không có những nghi ngờ rằng liệu có đá thật hay không, có bán độ hay không, có gì đó mờ ám hay dàn xếp hay không… Bây giờ tuyệt đối là không có.
Và thầy Park thì tin tưởng tuyệt đối vào học trò của mình. Niềm tin của ông giúp cầu thủ hiểu họ cần phải làm gì. Tôi nhớ có lần đi đá King’s Cup ở Thái Lan, Quế Ngọc Hải mới nói với thầy như này: "Sang tận đây mà chỉ đá có một trận rồi về thì phí quá, ta phải đá đến trận chung kết thầy ạ". Ông Park bảo: "Chung kết hay không là do các cậu. Đá là các cậu đá chứ tôi có đá đâu". Ý ông ấy rằng: trong quá trình huấn luyện, tập huấn tôi dạy hết rồi, dặn dò hết rồi, nhắn nhủ hết rồi, các bạn lên sân cứ thế mà thể hiện đúng những gì các bạn muốn có thôi. Ông Park luôn luôn tin tưởng cầu thủ.
Cái hay của ông Park là niềm tin không phân biệt chính phụ. Ở đội tuyển Việt Nam tất cả mọi người được ông ấy tin tưởng. Ông Park nói rằng: "tôi không xây dựng đội tuyển dựa vào một con người". Ông ấy chẳng quý ai đặc biệt, chẳng ghét bỏ ai, mọi người đều bình đẳng. Kể cả những cầu thủ ngồi ghế dự bị. Đối xử của ông ấy với các cầu thủ dự bị giống hệt như các cầu thủ quan trọng khác. Đó là cái rất hay để tất cả mọi người cùng ông ấy vượt qua thử thách.
Thanh An: Góc nhìn của anh về những trợ lý của ông Park? Cả những người đến từ Hàn Quốc và cả thành phần ban huấn luyện người Việt?
Lê Huy Khoa: Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố mang lại thành công lớn nhất trong thời gian qua của các đội tuyển bóng đá nam đó là bởi vì xung quanh ông Park có một đội ngũ những người trợ lý rất tài giỏi. Mà giỏi không là chưa đủ đâu, họ vừa giỏi lại vừa hết sức tâm huyết và đồng lòng.
Ví dụ nhé, càng làm việc thì tôi càng thấy anh Lee là một cận thần đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Anh này lạnh lùng, ít nói, đọc tình huống giỏi, phân tích cá nhân giỏi, luôn ở cạnh ông Park trong mọi trường hợp. Anh ấy là một con người toàn diện và sâu sắc. Ông Park có thể rối ở một vài trường hợp nhưng mà anh Lee tuyệt đối chưa bao giờ rối. Trong trận gặp Thái Lan có thể thấy ông Park đã bắt đầu lo lắng nhưng anh Lee vẫn bình tĩnh. Anh ấy nói: "thôi trường hợp này chúng ta làm như thế này, và cứ làm đúng như thế". Cuối cùng thì mình đã có được lợi thế. Các trợ lý người Hàn Quốc khác cũng là một thể thống nhất. Họ đoàn kết lắm, đồng lòng phò tá hết sức cho cấp trên của mình.
Còn các trợ lý Việt dưới thời của ông Park cũng là nhân tố mà chúng ta cần phải phân tích và đánh giá đúng vai trò của họ. Sau mỗi một chiến công chúng ta thường hay nói đến những người xuất hiện ở trên sân. Thực ra phía sau những thành công đó còn là rất công sức đóng góp cần được trân trọng. Tôi có cơ hội làm việc với khá nhiều trợ lý người Việt của ông Park. Đầu tiên là anh Lư Đình Tuấn, anh Nguyễn Đức Cảnh, sau này là anh Minh Quang, anh Thế Anh, anh Văn Đàn, Đinh Hồng Vinh, Danh Minh... Họ hết sức chuẩn mực về tư cách đạo đức, chuyên môn rất giỏi. Những tư vấn của các anh ấy dành cho ông Park thật ra nhiều khi rất hữu hiệu về sơ đồ chiến thuật, về bố trí con người. Ông Park vẫn nói tôi thành công vì nhờ có đội ngũ trợ lý giỏi mà.
Huấn luyện viên thủ môn như anh Cảnh hoặc anh Thế Anh chẳng hạn. Ông Park là huấn luyện viên trưởng của toàn đội nhưng việc đào tạo, huấn luyện thủ môn thì vai trò của các anh này rất lớn. Mọi người vẫn tính vui, mỗi ngày anh Cảnh phải sút cỡ 500 - 700 quả bóng vào gôn cho thủ môn chứ chẳng đùa.
Nếu như bà vợ ông Park đã mở ra cánh cửa mới cho chồng, thì đội ngũ trợ lý chính là những người cùng ông ấy tạo nên thành công đấy.
Sau họ vẫn còn có rất nhiều hỗ trợ khác nữa. Tôi nói ví dụ như là sự hỗ trợ từ liên đoàn cũng rất quan trọng.
Như đợt vừa rồi đi SEA Games, tất cả các đội khác sang đều ngỡ ngàng hết. Indonesia đợi ở sân bay đúng 3 tiếng đồng hồ mà vẫn không có xe. Việt Nam không bao giờ có chuyện đợi. Sang cái là có xe ngay, ra đến cửa là có người chỉ dẫn đưa về khách sạn luôn. Bởi vì sao? Bởi vì liên đoàn bây giờ họ cũng biết cách làm việc lắm. Họ làm việc rất bài bản.
Họ cử người đi tiền trạm trước từng sân đội tuyển sẽ thi đấu để kiểm tra xem tình hình sân bãi như thế nào. Họ lên phương án tính cự li giữa các điểm như thế nào? Từ khách sạn đến sân tập là bao xa? Từ khách sạn đến chỗ thi đấu có những điểm nóng gì?... Họ check cẩn thận từng ly từng tí một như thế. Làm việc chu đáo và bài bản. Tất nhiên đây cũng là một phần phong cách làm việc của ông Park dẫn đến việc Liên đoàn phải chuyên nghiệp hơn. Nhưng mà Liên đoàn hỗ trợ tối đa đấy. Sự hỗ trợ của họ, tôi nghĩ rằng ở thời kỳ này, đã mang lại điều kiện lý tưởng cho ban huấn luyện và các cầu thủ.
Thanh An: Có vẻ như tất cả các thành phần của đội tuyển hiện nay đều đang trưởng thành cùng nhau?
Lê Huy Khoa: Chúng tôi đang vẫn tiếp tục chinh phục các đỉnh cao, và giới hạn vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi như người leo núi, lúc leo thì rất mệt, nhưng cảm giác lên đến đỉnh thì rất hạnh phúc. Leo riết rồi bất kỳ ai trong đội cũng đều nhờ đó mà trưởng thành.
Đó là về chuyên môn, còn về tư cách đạo đức, về ý thức nghề nghiệp, có thể nói tuyển thủ quốc gia thời kỳ này đang là những đại diện ưu tú nhất cho bóng đá Việt Nam. Và không chỉ bóng đá thôi đâu, họ xứng đáng đại diện cho lớp trẻ Việt Nam đi hội nhập. Họ là những người xuất sắc. Họ đang trở thành những ngôi sao của xã hội theo đúng nghĩa của nó. Giống như một phong cách sống mới mà các bạn trẻ ngày nay muốn hướng tới.
Tôi nói ví dụ như sự thay đổi của đội trưởng ở các cấp độ đội tuyển, từ thời ông Park xuất hiện, suy nghĩ, hành xử của các thủ lĩnh như đội trưởng ĐTQG là Quế Ngọc Hải, U23 là Xuân Trường, U22 là Quang Hải đã thay đổi hoàn toàn. Người ta nhắc nhau, tâm sự với nhau, khuyên bảo nhau cùng tạo nên một tập thể rất đẹp, hoàn thiện lắm. Các cầu thủ của chúng ta bây giờ suy nghĩ về công việc rất chuyên nghiệp. Họ hiểu rằng nghề nghiệp có họ đang được mọi người quan tâm, nó mang lại thu nhập khá tốt và họ được mọi người yêu quý cho nên họ cố gắng giữ gìn lắm.
Thanh An: Một câu hỏi rất tò mò của tôi, các cầu thủ nhà mình từ thời ông Park sang có dùng thêm sâm vào chế độ dinh dưỡng không mà sức khỏe cải thiện thế?
Lê Huy Khoa: Nói tầm bậy, người Việt mình không hiểu, đâm ra chém gió. Sâm có phải là thần dược đâu, cũng không phải doping đâu. Sâm chỉ là góp phần làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể thôi, nếu sâm là doping chắc chắn mọi người đã mua sâm ăn hết rồi.
Cầu thủ khỏe mạnh hơn tôi nghĩ phải nhìn từ gốc rễ của vấn đề đào tạo trẻ. Thứ nhất các CLB bây giờ họ tuyển chọn và đào tạo con người khá tốt. Chế độ ăn uống, đời sống sinh hoạt của Việt Nam cũng đang dần được cải thiện. Bạn thấy đội tuyển U22 không? Nền tảng thể chất tăng lên hẳn, đến mức bây giờ tranh chấp với các đội trong khu vực là mình ngang ngửa luôn.
Cái thứ 2 là sự thay đổi chính từ Liên đoàn. Liên đoàn hiện nay đang đảm bảo cung cấp cho các đội tuyển chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi rất chuyên nghiệp và khoa học. Rồi phương pháp huấn luyện, phương pháp phục hồi tốt, cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng thể lực cầu thủ của chúng ta tốt lên một phần còn ở lối chơi nữa đấy.
Lối chơi hiện nay tạo cho cầu thủ nhiều cơ hội để thể hiện hết mình, vừa bứt phá vừa tích lũy sức bền. Những cầu thủ chạy liên tục trên sân như Quang Hải, nhỏ nhỏ thế thôi, lúc chạy mông cứ đánh tích tích tích tích hay lắm, nhưng mà sức bền của cậu ấy thì cực kỳ khủng khiếp.
Hơn nữa là họ có ý thức giữ gìn sinh hoạt cá nhân lắm. Ăn uống là như lập trình rồi, họ cố gắng ăn đầy đủ các nhóm chất. Cả đội không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích. Như Quang Hải, những thứ rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích không đụng đến đã đành, thậm chí thức uống có ga cậu ấy cũng không chạm vào. Tuổi mới có 20 - 21, cơ thể được rèn luyện và giữ gìn hàng ngày, do đó, đội tuyển chẳng có sâm nào cả, suốt ngày ăn cơm như bình thường. Chỉ khác biệt là họ ăn uống điều độ, đúng lượng, đúng chất, đúng giờ. Không có chuyện thích ăn thì ăn mà chán ăn thì nhịn đâu. Luôn có người đi kiểm tra đầy đủ: "Hôm nay ăn không? Tại sao ăn ít như thế?"
Thanh An: 60 tuổi ông Park Hang-seo mới khởi nghiệp ở xứ người, và thành công rực rỡ. Bí quyết của ông Park và sự bền bỉ, chuyên nghiệp của các cầu thủ cho chúng ta bài học gì?
Lê Huy Khoa: Tôi chỉ muốn làm thế nào đó để tinh thần của bóng đá lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Bóng đá phải phát triển trong mối tương quan với các lĩnh vực đời sống xã hội thì mới có thể bền chặt và lâu dài. Vì thế tôi mong rằng mọi người hãy tìm hiểu bóng đá, tìm hiểu lý do thành công của bóng đá để ứng dụng vào các lĩnh vực mình đang làm việc, đừng chỉ sướng 2 - 3 ngày rồi lại hết, rồi lại thành ký ức, nếu thế thì đó là sự lãng phí của toàn xã hội.
Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau thế này, ông Park đã trở thành 1 biểu tượng của bóng đá Việt Nam, ở một mức độ nào đó là biểu tượng yêu quý của xã hội. Bây giờ đã đến thời điểm chúng ta phải phân tích nguyên nhân của thành công đó. Và người Việt Nam phải làm gì để thành công không chỉ dừng lại ở bóng đá? Điều đó thôi thúc tôi viết một cuốn sách về chủ đề này.
Thực ra, viết sách chẳng được bao nhiêu tiền đâu. Bản thân tôi là người đọc nhiều, rồi khi đi dạy tôi lại khuyến khích học viên của mình đọc nhiều. Muốn đọc nhiều thì phải có người viết ra cho mà đọc. Tôi háo hức viết là vì muốn chia sẻ cho mọi người góc quan sát rất gần và suy nghĩ rất chi tiết của mình về hiện tượng Park Hang-seo.
Tôi viết là vì tôi muốn người Việt Nam mình biết rằng, thực ra người Hàn Quốc với tư duy và cách làm của họ mà đại diện là ông Park, không chỉ có tốt cho riêng bóng đá đâu.
Chúng ta biết rằng 30 năm phát triển kinh tế của Hàn Quốc bằng cả quá trình phát triển 100 năm của châu Âu. Hàn Quốc có tốc độ phát triển thần kỳ về kinh tế, và các mặt khác trong xã hội, thể thao cũng thế. Hàn Quốc có 50 triệu dân thôi, nhưng đoàn Olympic của họ đứng thứ 5 thế giới. Bóng đá của Hàn Quốc là một thế lực bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á và là một trong số ít các đội bóng luôn góp mặt ở các vòng chung kết World Cup từ lâu lắm rồi. Vậy mình học là học cái hay chung của người Hàn Quốc để có được những thành công thần kỳ đó.
Thanh An: Xin cảm ơn ông!