1. Nếu từ giờ đế cuối năm, bóng đá Việt Nam không chứng kiến thêm một "trò hề" đình đám tầm cỡ nào nữa, thì câu chuyện bầu Đệ gửi công văn đến VPF "xin dừng cuộc chơi" với đội Thanh Hóa của mình sẽ là câu chuyện nực cười và đáng xấu hổ nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay. Nực cười ở chỗ hôm trước ông bầu của đội bóng nộp đơn "xin rút", thì hôm sau, đơn vị chủ quản lập tức chỉ đạo "rút đơn", khiến người hâm mộ chẳng biết đâu mà lần.
Với những người đồng hành cùng nền bóng đá "chuyên nghiệp" của nước nhà, câu chuyện này dù đáng cười, đáng xấu hổ, nhưng đằng sau nó là cả một vấn nạn của bóng đá Việt Nam.
Phải chăng CLB Thanh Hóa kiệt quệ đến mức phải "bỏ cuộc chơi"? Phải chăng bầu Đệ vì lo nghĩ cho đội bóng quê hương mà "quẫn" đến mức độ "làm bừa", ra tối hậu thư với VPF? Không hề.
Với động thái lập tức của cơ quản chủ quản đội bóng này, không khó để nhận ra rằng đây chỉ là vấn đề nội bộ của CLB, khi "ông chủ" của đội bóng "đánh nước cờ liều" để "thương thảo" một số vấn đề khó lòng công khai. Nói thẳng ra, đích nhắm của bầu Đệ là các "sếp" của mình, và cú "chơi liều" ấy hoàn toàn nằm trong tính toán, khiến "đối tác" phải xuống nước, ngồi lại với những thỏa thuận về mặt quyền lợi.
Bao nhiêu CLB V.League có thể "sống khỏe" bằng chính nguồn lực của mình, nếu như không cú sự "tiếp máu" từ những "ông bầu" cả công khai lẫn "nửa kín nửa hở? E rằng ngoài HAGL của bầu Đức ra, chẳng CLB nào có thể làm được.
Mùa giải 2017, cựu danh thủ Công Vinh khiến người hâm một bóng đá Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi ngồi vào chiếc ghế quyền chủ tịch CLB TP.HCM, nhưng còn ngạc nhiên hơn nữa khi vừa nắm quyền, cựu tiền đạo này đã lại "ghi bàn" với số tiền khổng lồ lên đến 60 tỷ đồng đem về cho đội, kéo theo sau đó là hàng loạt hoạt động chi tiền để "nâng tầm" đội bóng vốn khá èo uột này, khiến họ "lột xác" nhanh như một cơn gió.
Ngày ấy, chỉ có những người "trong cuộc" mới biết rằng ai là chủ nhân thực sự của đội bóng duy nhất đại diện cho TP.HCM ở thời điểm ấy, và Công Vinh thực ra chỉ còn một con cờ trong một ván cờ lớn, không chỉ trên sân bóng hay bảng xếp hạng V.League, mà còn là "trên bàn", và hơn thế nữa.
Công Vinh đến CLB TP.HCM với rất nhiều hoài vọng, cũng như kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá TP.HCM. Song rốt cuộc, anh ra đi cũng nhanh không kém. Quyết định ra đi của cựu danh thủ này, bỏ lại sau lưng chiếc ghế đầy danh vọng, có lẽ là bởi anh nhận ra được bản thân mình, cũng như đội bóng thực ra chỉ là "con tin" của những toan tính, trao đổi ngoài sân cỏ. Con số ngót nghét trăm tỷ đồng mỗi mùa được bơm cho đội, hẳn nhiên không từ trên trời rơi xuống.
Nó đến từ đâu, e rằng không nhiều người trả lời được.
2. Mười ba năm lăn lộn với con đường mà mình chọn cho HAGL, ngót 6 mùa bóng đưa lứa cầu thủ trẻ do chính tay mình đào tạo ra sân chơi V.League, bầu Đức thất bại nếu nhìn vào thành tích, cũng như vị thế của đội bóng phố Núi trên bảng xếp hạng. Nhưng nếu nhìn vào một khía cạnh khác, với hệ quy chiêu là tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp, bầu Đức lại thắng lớn.
Trong khi các CLB "kêu như bọng" trong mùa đại dịch, khi số tiền tài trợ mà CLB vững mạnh nhất V.League nhận được một mùa giải cũng chỉ tương đương, thậm chí còn thấp hơn số tiền của một ngôi sao trong đội kiếm được, thì HAGL của bầu Đức vẫn sống khỏe, thậm chí là cực kỳ thảnh thơi chờ đón những khó khăn phía trước.
Đầu mùa giải 2017, HAGL nhận về khoảng 50 tỷ đồng cho hai mùa bóng chỉ bằng việc "uống sữa". Với số tiền ấy, CLB phố Núi hoàn toàn có thể "sống khỏe" với lực lượng và chính sách chi tiêu của mình. Đấy là chưa kể đến những bản hợp đồng tài trợ khác, cũng như các nguồn thu khác đến từ chính hình ảnh của CLB, hình ảnh của các cầu thủ, cũng như các khoản tiền được trả thông qua việc cho mượn các ngôi sao "dưới trướng" của mình.
Những khoản tiền ổn định và đầy sự chuyên nghiệp ấy giúp CLB phố Núi vững vàng để nhìn về tương lai, cũng như tiếp tục đầu tư cho bóng đá trẻ, không chỉ giúp HAGL nâng tầm, mà còn cung cấp rất nhiều nguồn lực giúp bóng đá Việt Nam thành công.
Chẳng phải tự nhiên mà bầu Đức có thể thảnh thơi rút ví ra số tiền khổng lồ để trả lương cho HLV Park Hang-seo hai năm liền. Chẳng phải tự nhiên mà các cầu thủ trẻ của HAGL được cho rất nhiều CLB mượn. Điển hình là Lê Phạm Thành Long - cầu thủ từng được gọi lên đội tuyền Olympic Việt Nam trước thềm ASIAD 2018, Trần Hữu Đông Triều, Đinh Thanh Bình, Văn Sơn, Đức Lương, Thành Đồng, Trung Hiếu, Thanh Sơn, Lương Hoàng Nam, Huỳnh Tiến Đạt...
Đấy toàn là những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, là tương lai của HAGL, cũng như bóng đá Việt Nam. Việc "chia quân" cho các CLB khác khiến đội bóng phố Núi có thêm được sự tự chủ về mặt tài chính, nhưng vẫn sử hữu những tài năng sáng giá này, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững, có sự tính toán "thấu tình đạt lý" của mình.
HAGL của bầu Đức đang là CLB duy nhất của bóng đá Việt Nam có thể tự nuôi sống mình, thậm chí là kiếm tiền bằng chính bóng đá. Vị thế ấy của CLB phố Núi là "độc tôn" giữa làng bóng Việt đang thừa scandal, thiếu sự chuyên nghiệp.
Tầm nhìn của bầu Đức để tạo nên vị thế ấy, liệu có ai có được, liệu có ai đủ tầm để biến nó thành kết quả như ngày hôm nay?