Triều Tiên thử bom H vô tình chặn ông Trump, "cứu" Hàn Quốc một bàn thua trông thấy?

Ngọc Anh |

Báo chí đã có tin tức về việc ông Trump định "xử lý" thâm hụt thương mại 28 tỷ USD với Hàn Quốc. Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 3/9 có thể làm thay đổi mọi việc.

Trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử bom H, đã xuất hiện những tin tức về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc (KORUS).

"Dự định đó đã không hợp lý ngay từ đầu", giáo sư Lee Chung Min, ngành quan hệ quốc tế, đại học Yonsei (Hàn Quốc), viết trên Washington Post.

Ông Lee phân tích, đến nay nếu Nhà Trắng vẫn tiếp tục rút lui khỏi KORUS, thậm chí sau vụ thử bom H kia, họ sẽ làm tổn hại tới một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á bằng cách "ném liên minh Mỹ - Hàn vào tay những con sói".

Ông cũng cho rằng ông Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In nên cùng nhau đối phó với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, một cách minh bạch.

Nền kinh tế thứ 12 thế giới đứng trước đe dọa

Về phía tổng thống Trump, có thể ông sẽ ngày càng muốn chọn phương án tấn công quân sự Triều Tiên. Một số nghị sĩ Mỹ cũng sẽ ủng hộ cho một đòn như vậy để "quét sạch" mối đe dọa Triều Tiên. Thế nhưng, tấn công quân sự Triều Tiên lại là phương án tồi tệ nhất cho Hàn Quốc.

Bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ có hậu quả là Bình Nhưỡng trả đòn vào các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc, thiệt hại cho dân thường cũng không thể tránh khỏi.

Chỉ cần một vũ khí hạt nhân hạng nhỏ rơi xuống Seoul, hàng trăm nghìn người sẽ chết và thảm họa phóng xạ tác động lên hàng triệu người khác. Lúc đó, Hàn Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, có nguy cơ sẽ không còn tồn tại.

Nếu ông Trump có quyền bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của các công dân Mỹ thì ông Moon cũng có quyền tương tự đối với 50 triệu người dân Hàn Quốc cùng hàng trăm nghìn lính Mỹ và những người nước ngoài khác đang sống tại nước này.

Ông Moon được cho là bất đồng quan điểm với Nhà Trắng về phương án tấn công quân sự Triều Tiên, vì các thông tin tình báo cập nhật về Triều Tiên luôn khan hiếm, và chính quyền Trump phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến nếu muốn tấn công Triều Tiên trước.

Giáo sư Lee Chung Min cho rằng, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải có tiếng nói chung, như về vấn đề thúc đẩy bố trí lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, hay Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển các vũ khí phòng thủ.

Ngay sau vụ thử của Triều Tiên, ngày hôm nay (4/9), chính phủ Hàn Quốc xác nhận Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) sẽ sớm lắp đặt 4 bệ phóng của THAAD - lộ trình vốn bị gián đoạn để chính quyền đánh giá tác động môi trường - tại căn cứ mới ở miền Nam nước này.

Ở Seoul, người ta đã nói về việc tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Đó là một phương án.

Phương án khác là năng lực tấn công của Hàn Quốc cần phải thoát khỏi những áp lực ngầm từ Washington.

Điều này không có nghĩa là Hàn Quốc sẽ theo đuổi phát triền vũ khí hạt nhân riêng như Anh, Pháp hay Israel đã làm, Nhưng Seoul cũng không thể chỉ dựa vào riêng Mỹ. Người Hàn cần đẩy nhanh việc phát triển, triển khai các vũ khí có tầm tấn công tới Triều Tiên của riêng mình.

Lãnh đạo Mỹ-Hàn đã điện đàm hôm 1/9 và đạt thỏa thuận về việc xem xét khả năng tăng mức trần về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Theo thỏa thuận song phương về tên lửa hiện nay - được sửa đổi vào năm 2012, Hàn Quốc chỉ được phát triển, sử dụng tên lửa có tầm bắn tối đa 800 km và tải trọng 500 kg.

Triều Tiên thử bom H vô tình chặn ông Trump, cứu Hàn Quốc một bàn thua trông thấy? - Ảnh 1.

Một vũ khí hạt nhân nhỏ cũng có thể có khả năng làm tê liệt Seoul và nền kinh tế Hàn Quốc. Ảnh: KCNA

Chưa phải lúc châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Hàn

Trở lại hiệp định thương mại tự do KORUS, ông Lee Chung Min cho rằng, nếu cần phải can thiệp vào hiệp định này, thì mục tiêu chỉ nên là "đàm phán lại", chứ không phải là sự rút lui đơn phương của Mỹ.

Báo Korea Times của Hàn Quốc cho hay, tuy tình hình bán đảo đang căng thẳng nhưng Seoul cũng không vì vấn đề an ninh mà bỏ qua hay chấp nhận mọi điều kiện, yêu cầu về kinh tế. Các đại diện thương mại của Hàn Quốc đã được lệnh giữ vững lập trường khi đàm phán với Mỹ.

Theo tờ này, tuy Mỹ đang có thâm hụt thương mại trị giá 28 tỷ USD với Hàn Quốc, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực xe hơi và đồ điện tử. Sau khi KORUS được ký kết, Hàn Quốc đã nhập khẩu nhiều xe hơi Mỹ hơn, và thặng dư dịch vụ của Mỹ với Hàn đã tăng từ 6.7 tỷ USD năm 2011 lên 10.7 tỷ USD năm 2016.

Trong năm 2016, Hàn Quốc đã nhập khẩu lượng vũ khí trị giá 591 triệu USD từ Mỹ - chiếm 38% tổng trị giá vũ khí mua về của nước này. Hàn Quốc cũng chia sẻ 831 triệu USD chi phí quốc phòng với Mỹ, và góp 767 triệu USD chi phí xây dựng căn cứ quân sự Mỹ tại Pyeongtaek - căn cứ lớn nhất châu Á.

Nếu Washington muốn có một cuộc chiến tranh thương mại với Hàn Quốc, điều đó không khó thực hiện. Nhưng một cuộc chiến giữa hai đồng minh, theo giáo sư Lee, thì chỉ có lợi cho Trung Quốc.

"Như Tôn Tử đã dạy trong ‘Binh pháp Tôn Tử’, các trận đánh lớn đã thất bại vì thiếu đoàn kết, đặc biệt là giữa các đồng minh", giáo sư Lee bình luận.

Vì vậy, Mỹ và Hàn Quốc không có thời gian để xung đột với nhau. Đây không phải là thời điểm Washington châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại với Seoul hay đưa ra những giả định bấp bênh về Triều Tiên.

Washington Post cũng dẫn lời nhà nghiên cứu Gary Schmitt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marilyn Ware (Mỹ) cho rằng nếu ông Trump đặt ông Moon vào tình huống phải phản ứng thì phía Hàn Quốc sẽ trả đũa, trong khi "đây là thời điểm cần tới sự hợp tác càng nhiều càng tốt".

Ông Lee cũng cho rằng, đây là thời điểm Mỹ và Hàn Quốc cần đoàn kết trên một mặt trận. Họ không thể có lựa chọn nào khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại