Cuộc thử nghiệm bom H mới nhất của Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến cộng đồng quốc tế gây thêm nhiều áp lực cho Trung Quốc, buộc nước này phải áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, Trung Quốc - vốn đã hoài nghi về tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt kinh tế này - tuyên bố rằng mình không phải là bên có trách nhiệm duy nhất trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.
Trong vài tuần trở lại đây, trong khi không hài lòng với cuộc tập trận thường niên quy mô lớn Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) giữa Mỹ và Hàn Quốc, vì cho rằng cuộc tập trận đó không giúp ích gì cho việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo, Trung Quốc đã cực lực phê phán luận điểm "trách nhiệm của Trung Quốc" mà phương Tây liên tục đề cập khi tìm hướng giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trả lời Reuters, học giả Nguyễn Tông Trạch, một cựu quan chức ngoại giao, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận định: "Mỹ cần phải thực hiện vai trò của riêng họ và không nên mù quáng gây áp lực bắt Trung Quốc tìm cách đè bẹp Triều Tiên".
Ông Nguyễn cho rằng, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày 3/9 có tính chất nghiêm trọng của Triều Tiên, Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ các biện pháp cứng rắn mới đối với Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ thể hiện rõ rằng các bên khác cũng phải có hành động.
Thời gian gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục phản ứng lại yêu cầu của các nước phương Tây và Nhật Bản về việc Trung Quốc phải hành động tích cực hơn hơn để kiểm chế Triều Tiên.
Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc, đẩy mạnh đàm phán cũng là một phần quan trọng trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đã tự chứng tỏ là không hiệu quả.
"Trong khi các biện pháp trừng phạt đang được thực hiện theo nghị quyết, chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp tục", người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng phát biểu vào tuần trước.
Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, đăng bài xã luận chỉ trích phát ngôn của các lãnh đạo Anh và Australia khi họ cho rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn [trong việc kiềm chế Triều Tiên], đặc biệt là phát biểu của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull kêu gọi Bắc Kinhcắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên.
Thái độ phản kháng của Trung Quốc khiến một số nhà ngoại giao phương Tây đặt câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh sẵn sàng áp đặt những biện pháp trừng phạt tới mức nào đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc luôn lo ngại rằng, việc Triều Tiên bị cô lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế và xã hội có thể khiến nước này không chống đỡ được, và hậu quả là một làn sóng người tị nạn Triều Tiên tràn trang sang các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên công tác tại Bắc Kinh, trả lời Reuters vào thời điểm trước vụ thử hạt nhân ngày 3/9, cho biết Trung Quốc đã hợp tác "có chừng mực" với Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên, để không trao cho Washington một cái cớ tấn công quân sự Triều Tiên.
"Trung Quốc sẽ không đi xa tới mức gây ảnh hưởng tới quyết tâm trở thành một cường quốc hạt nhân của Triều Tiên", quan chức trên nói.