Lãnh đạo Kim Jong-un thử bom H để chứng minh mình vượt qua "cái bóng" của cha và ông nội?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến |

Thông báo đặc biệt từ đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) chiều 3/9 tuyên bố nước này đã thử thành công bom H, cũng là vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.

Mục đích của Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6

Trong thông báo, Triều Tiên tuyên bố thử "thành công hoàn hảo vũ khí hạt nhân hai giai đoạn" có sức mạnh "chưa từng thấy".

Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng cũng là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Ông Trump gọi động thái trên là "hết sức thù địch và nguy hiểm nhằm vào nước Mỹ".

Triều Tiên nói rằng vụ thử không nhằm đe dọa ai, mà là một sự "bảo hiểm chắc chắn" chống ý đồ tiến công của các thế lực thù địch.

Năm lần thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên vào các năm 2006, 2009, 2013 và 2016, đã dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA).

Các nhà phân tích cho rằng, mục đích của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi phô trương khả năng hạt nhân là để củng cố cơ sở quyền lực và chứng minh những thành tựu mà ông đạt được còn lớn hơn cả thành quả nước này có được dưới thời các cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

Mục đích Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần này có thể vì những lý do chính trị và quân sự. Để xây dựng một chương trình hạt nhân đáng tin cậy, Triều Tiên phải tiến hành những vụ thử vũ khí hạt nhân mới, kể cả loại siêu nhỏ, để các nhà khoa học có thể cải tiến công nghệ và thiết kế.

Việc chế tạo được đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa đạn đạo sẽ được sử dụng làm công cụ răn đe và tạo lợi thế thương lượng ngoại giao với các đối thủ, đặc biệt là Mỹ.

Lãnh đạo Kim Jong-un thử bom H để chứng minh mình vượt qua cái bóng của cha và ông nội? - Ảnh 1.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận chấn động gây ra bởi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 3/9 (Ảnh: USGS)

Thế lưỡng nan của Trung Quốc

Việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí hạt nhân lần thứ 6 đã đẩy các nước liên quan vào thế lưỡng nan, nhất là Trung Quốc. Vụ thử diễn ra ngay trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS - cuộc họp của 5 nền kinh tế lớn gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - tại Bắc Kinh.

Buổi khai mạc đã xáo trộn vì hành động của Triều Tiên. Theo giới chuyên gia nhận định, vụ thử bom hạt nhân đã khiến Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lúng túng và khó xử. Như vậy Triều Tiên đã chọn rất đúng thời điểm để tiến hành vụ thử để gây sức ép với ngay chính Trung Quốc, đồng minh được coi là thân cận và lâu đời nhất của họ.

Trong quá khứ, khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, Mỹ và các nước đồng minh đã hối thúc HĐBA lên án Triều Tiên, nhưng vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đặt Trung Quốc vào thế khó xử.

Dù là đồng minh lâu năm của Triều Tiên, hồi tháng 3/2016, Bắc Kinh đã phải bỏ phiếu tán thành nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA.

Không gây được sức ép đủ để ngăn chặn Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, làm cho tình hình khu vực ngày càng trở nên căng thẳng hơn, cộng thêm phản ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc đã buộc phải đồng ý áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Lâu nay các nhà lãnh đạo thế giới đã hối thúc Bắc Kinh kiềm chế những hành động quyết liệt của Triều Tiên, với lý do có sự trợ giúp của Trung Quốc đối với Triều Tiên từ nhiều năm nay. Điều này đã tạo cho Bắc Kinh ảnh hưởng đặc biệt đối với quốc gia bị cô lập này.

Nhưng quan hệ Trung-Triều ngày càng trở nên lạnh nhạt kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền. Bắc Kinh đã tỏ ra ngày càng bực bội với sự ngang ngạnh của Bình Nhưỡng, nhất là sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và thứ 4 của nước này hồi năm ngoái. Điều này cũng gián tiếp khẳng định tiếng nói của Trung Quốc với Triều Tiên không còn trọng lượng như trước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tin rằng đối thoại là biện pháp cơ bản để kiềm chế hành động của Bình Nhưỡng và Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng với khối lượng lớn sang Triều Tiên.

Mặt khác, Trung Quốc còn coi Triều Tiên là “nước đệm” giữa Trung Quốc với các lực lượng Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Nếu kịch bản bán đảo Triều Tiên thống nhất trở thành hiện thực thì quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ có căn cứ ở ngay bên kia biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn luôn cung cấp nhiên liệu, viện trợ thực phẩm cho Triều Tiên và tránh cho nước này khỏi bị hoàn toàn cô lập về ngoại giao và kinh tế. Tuy coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề gây “bực bội và khó xử”, nhưng Bắc Kinh không thể mạo hiểm để cho bán đảo này thống nhất và để Washington mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Lãnh đạo Kim Jong-un thử bom H để chứng minh mình vượt qua cái bóng của cha và ông nội? - Ảnh 2.

Người dân ở một ga tàu tại Seoul xem bản tin, trong đó phát thanh viên nổi tiếng của Triều Tiên Ri Chun-hee thông báo vụ thử bom H "hoàn toàn thành công". (Ảnh: AHN YOUNG-JOON/AP)

Liên minh chống Triều Tiên

Việc thử vũ khí hạt nhân lần này của Triều Tiên chắc chắn một điều đó là càng thúc đẩy các nước láng giềng cùng nhau lên án Triều Tiên, coi đó là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.

Cùng với những tiến bộ gần đây của Triều Tiên về công nghệ tên lửa đạn đạo bị cấm, một ngày nào đó, vũ khí hạt nhân có thể là mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên như Nhật Bản và Hàn Quốc, và ngay cả với chính nước Mỹ.

Trong những lần thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên, chính phủ nhiều nước đã tỏ thái độ phản ứng gay gắt. Nhiều bên kêu gọi LHQ áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng hành động của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của HĐBA và là một “thách thức nghiêm trọng đối với những nỗ lực quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 2006, LHQ đã năm lần ra nghị quyết thực hiện các biện pháp trừng phạt.

Gần đây nhất, ngày 5/8 HĐBA đã bỏ phiếu nhất trí áp đặt cấm vận mới đối với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây của nước này. Theo đó, nghị quyết được Mỹ bảo trợ cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, quặng sắt, chì và quặng chì, hải sản. Tính tổng số, những món hàng xuất khẩu này đem về cho Bình Nhưỡng hơn 1 tỷ USD/năm, chiếm 1/3 thu nhập hàng năm của nước này.

Biện pháp trừng phạt lần này nghiêm khắc hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trước đó của LHQ, nhằm làm cho Triều Tiên không thể có đủ nguồn tài chính cung cấp cho việc thực hiện các chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí bị cấm.

Chỉ ít ngày sau khi LHQ ra nghị quyết trừng phạt, Triều Tiên đã phản ứng bằng cách phóng thử tên lửa bay qua không phận của Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng vũ khí hạt nhân cho đòn đánh phủ đầu “bất cứ lúc nào”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley tuyên bố trước HĐBA rằng cuộc bỏ phiếu cấm vận nhằm chứng tỏ với Triều Tiên rằng thế giới đang đoàn kết trong việc tìm cách chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Vấn đề hạt nhân bán đảo vẫn chưa được giải quyết, vẫn là mối đe dọa đến an ninh, hòa bình và ổn định khu vực cũng như thế giới. Việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề quan tâm của tất cả cộng đồng quốc tế. Tái khởi động tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân là cấp thiết, nhất là trong lúc này, để tình hình không đi quá xa, vượt quá tầm kiểm soát của tất cả các bên./.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại