Tuyên bố "có thể quan hệ tốt với Kim Jong-un" của ông Trump cho thấy điều gì?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Dù có sức mạnh quân sự không nước nào sánh nổi nhưng Mỹ đã không thể ngăn cản được quyết tâm của ông Kim Jong-un trong việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thắng trong cuộc đối đầu với Mỹ

Ngày 11/1/2018, trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Có thể tôi sẽ có quan hệ rất tốt với Kim Jong-un".

Trước đó, ông cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thái độ này của Tổng thống Trump hoàn toàn khác với các tuyên bố của ông trước đây về Triều Tiên. Mọi người còn nhớ bài diễn văn nảy lửa của ông ngày 20/9/2017 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ), trong đó ông tuyên bố Mỹ sẽ trút "lửa và thịnh nộ" xuống Triều Tiên để hủy diệt hoàn toàn đất nước này.

Không chỉ là khẩu chiến, cấm vận toàn diện, Mỹ đã đưa một lực lượng quân sự lớn đến khu vực Đông Bắc Á, trong đó có nhóm tác chiến thuộc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tiến vào vùng biển Nhật Bản cuối tháng 4/2017 với hàng trăm quả tên lửa Tomahawk được đặt sẵn trên bệ phóng chĩa vào lãnh thổ Triều Tiên.

Có thể nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung-un đã thắng hiệp đầu trong cuộc đọ sức với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuyên bố có thể quan hệ tốt với Kim Jong-un của ông Trump cho thấy điều gì? - Ảnh 1.

Ông Trump: "Có thể tôi sẽ có quan hệ rất tốt với Kim Jong un". Ảnh: Getty Images

 Với sức mạnh quân sự không nước nào sánh nổi, Mỹ đã không ngăn cản được quyết tâm của ông Kim Jong-un phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Đến nay, Triểu Tiên đã thành công trong việc chế tạo được bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ và bất cứ nơi nào trên trái đất.

Như vậy, Triều Tiên đã thực hiện được mục tiêu chiến lược của mình, còn Mỹ đã bắt đầu phải dịu giọng và xuống thang. Triều Tiên từ chỗ bị chèn ép bây giờ trở thành người đi nước cờ đầu tiên.

Mỹ là siêu cường "thua cuộc"

Nhìn lại lịch sử, Mỹ đã tiến hành rất nhiều cuộc chiến, nhưng hầu hết các cuộc chiến tranh đó là với các nước nhỏ yếu hơn nhiều lần so với Mỹ.

Gần đây nhất là cuộc chiến với Cuba (1961), Việt Nam (1955-1975), Lebanon (1982-1983), Grenada (1983), Panama (1989), Haiti (1994), Afghanistan (2001), Iraq (2003), Libya (2011)...

Rõ ràng nhất là Iraq, sau 12 năm cấm vận bị suy yếu kiệt quệ hoàn toàn không còn sức chống đỡ nữa mà Mỹ đã phải huy động hơn 40 nước trong một liên minh quốc tế hùng hậu để tấn công nước này. Kết cục cuộc chiến Mỹ thiệt hại như thế nào thì mọi người đều biết cả.

Ông Kim Jong-un có lý khi nói rằng, chế độ Saddam Hussein bị tiêu diệt nhanh chóng là do không có loại vũ khí hữu hiệu để đánh trả và việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo không phải để đánh ai mà là để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ trước những hành động thù địch của Mỹ.

Tuyên bố có thể quan hệ tốt với Kim Jong-un của ông Trump cho thấy điều gì? - Ảnh 2.

Lính Mỹ tại Iraq. Ảnh: Hadi Mizban/Associated Press

 Triều Tiên, Hàn Quốc đàm phán, rút thảm dưới chân Mỹ

Ngày 9/1/2017, các quan chức cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp nhau tại ngôi nhà Hoà bình ở làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự (DMZ) nằm trên biên giới hai nước.

Phía Triều Tiên cho biết họ chấp nhận đề nghị đối thoại của Hàn Quốc sau khi Mỹ và Hàn Quốc nhất trí hoãn các cuộc tập trận thường niên vào thời gian sau Thế vận hội. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước sau hơn hai năm gián đoạn.

Tại cuộc đàm phán lần này, Triều Tiên đồng ý cử một đoàn đại biểu tham gia Thế vận hội mùa đông được tổ chức vào tháng hai tới tại Pyeongchang, Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Triều Tiên tuyên bố nối lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc ở khu vực vùng Vịnh phía Tây bị đình chỉ từ hai năm nay.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi hai nước nối lại các liên lạc dân sự thông qua làng biên giới Bàn Môn Điếm hôm 3/1 vừa qua.

Hàn Quốc cũng đề nghị nối lại các cuộc đàm phán quân sự liên Triều để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tổ chức một cuộc đoàn tụ các gia đình Hàn Quốc và Triều Tiên bị ly tán bởi cuộc chiến tranh bán đảo trước đây.

Đài Arirang News đưa tin về cuộc gặp mặt giữa Hàn Quốc - Triều Tiên ngày 9/1.

Nga, Trung Quốc chớp cơ hội đưa sáng kiến đẩy Mỹ vào thế bí

Trong một cố gắng nhằm củng cố những động thái tích cực của Triều Tiên và Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đã đưa ra một sáng kiến chung nhằm giảm căng thẳng và từ bỏ sử dụng vũ lực.

Theo sáng kiến này, hai nước lớn đề nghị Triều Tiên tự nguyện tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và phóng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn ở Hàn Quốc.

Đồng thời, Nga và Trung Quốc cũng đề nghị tất cả các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán để thỏa thuận nguyên tắc chung cho quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, bao gồm việc không sử dụng vũ lực, từ bỏ các biện pháp thù địch, tiến tới chung sống hoà bình, quyết tâm hành động nhằm phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, qua đó giải quyết toàn diện cho tất cả các vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân.

Kế hoạch của Nga và Trung Quốc cũng đề nghị thành lập một cơ chế lập lại hoà bình, an ninh ở Đông Bắc Á và bình thường hoá quan hệ giữa các nước khu vực.

Tuyên bố có thể quan hệ tốt với Kim Jong-un của ông Trump cho thấy điều gì? - Ảnh 4.

Đến bây giờ, chuyện ngày càng trở nên rõ ràng rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể giải quyết được bằng quân sự. Giải pháp duy nhất là nối lại các cuộc đàm phán sáu bên bị ngưng trệ từ 2009 gồm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Trước đây, vòng đàm phán thứ năm-giai đoạn ba tháng 3/ 2007 đã đạt được kết quả tích cực.

Triều Tiên đã đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ về nhiên liệu và bình thường hoá quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau đó, tháng 4/2009, Triều Tiên đã rút khỏi đàm phán do Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên do nước này thử tên lửa.

Những kết quả tích cực đạt được trong các cuộc đàm phán từ trước là cơ sở tốt cho các cuộc đàm phán tới đây.

Thỏa thuận hạt nhân ký ngày 14/7/2015 giữa Iran với các nước P5+1 cũng có thể là hình mẫu để tham khảo giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại