Thời điểm vàng để EU "ngả bài" tấn công, đảo ngược sức mạnh Trung Quốc tại Á – Phi?

Minh Đức |

Giới chức châu Âu cho rằng, chỉ phòng thủ không thể giúp EU đương đầu được với những ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Tờ SCMP dẫn lời một số quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) về chính sách với Trung Quốc nhận định, EU cần phải áp dụng một chiến lược mang tính tấn công hơn nếu khối này muốn cạnh tranh với Bắc Kinh trong các dự án phát triển hạ tầng cơ sở.

Ông Reinhard Bütikofer, một thành viên của Nghị viện châu Âu, kiêm Phó Chủ tịch phái đoàn Nghị viện trong quan hệ với Trung Quốc cho biết. sau những lời hứa được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc vừa diễn ra vào tuần trước, đã đến thời điểm chín muối để Brussels đẩy mạnh "chiến lược kết nối" toàn cầu của mình.

Thời điểm vàng để EU ngả bài tấn công, đảo ngược sức mạnh Trung Quốc tại Á – Phi? - Ảnh 1.

Thông qua các dự án Một Vành đai, một con đường như tuyến được sắt Addis Ababa-Djibouti, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi (ảnh: Xinhua)

Theo Bütikofer, từ trước tới nay, liên minh vẫn luôn ở thế "phòng thủ" trước những ảnh hưởng của Trung Quốc ngay trên sân nhà. Ông cũng đưa ra hai dẫn chứng cụ thể là các biện pháp chống phá giá và một cơ chế xem xét đầu tư mới – bắt đầu được đưa vào vận hành từ đầu tháng Tư vừa qua.

"Tuy nhiên anh sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong một trận đấu bóng đá chỉ bằng việc bảo vệ thành công khung thành của mình. Anh cũng phải tổ chức các đợt tấn công nữa", quan chức châu Âu cảnh báo.

Vào cuối cuộc họp thượng đỉnh tuần trước, EU và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó, hai bên cam kết "tiếp tục thúc đẩy những hợp lực" giữa chiến lược kết nối với chương trình phát triển thương mại và hạ tầng cơ sở đầy tham vọng của Bắc Kinh, hay còn gọi là Sáng kiến Một vành đai, một con đường.

EU cho rằng, chiến lược – được công bố tháng Chín năm ngoái, đặt mục tiêu hỗ trợ cho Sáng kiến Một vành đai, một con đường và các kế hoạch khác tương tự. Tuy nhiên, SCMP đưa tin, các nguồn tin nội bộ tiết lộ, gần như chắc chắn đó là một nỗ lực để thách thức Trung Quốc. Quốc gia châu Á gần đây đã bị EU gọi là một "đối thủ mang tính hệ thống" – một tiền lệ chưa từng xảy ra trước đó.

Bütikofer nói, nếu EU thực sự muốn cạnh tranh với Trung Quốc trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên thế giới, họ phải thành lập các quỹ lớn, phục vụ cho chiến lược kết nối của mình; đồng thời đề xuất cho các nước chủ nhà những lựa chọn thực tiễn và cạnh tranh hơn những gì mà Bắc Kinh đưa ra.

"Trong quá khứ, chúng ta đã mắc sai lầm khi cho phép Trung Quốc chiếm lợi thế về nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở tại nhiều quốc gia", ông Bütikofer chỉ ra. "Vì vậy giờ đây, với chiến lược kết nối của chính mình, chúng ta phải học được bài học mà Trung Quốc đã dạy chúng ta, đó là nếu bạn bỏ qua những khoảng trống thực sự của toàn cầu, sẽ có ai đó thay bạn lấp đầy chúng".

Ngài Phó Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc còn trích dẫn dự án Đường sắt phía đông của Malaysia, được Bắc Kinh "chống lưng" – làm một ví dụ. Sau một thời gian bị tạm hoãn vì những lý do xung quanh chi phí quá cao, cũng trong tuần trước, dự án đã được tái khởi động.

"Tại sao chúng ta, những người châu Âu lại không thể đưa ra một thỏa thuận tốt hơn cho Thủ tướng Malaysia Mahathir, đồng thời đề nghị giúp Malaysia trong lĩnh vực kết nối? Đó là kiểu dự án mà giờ đây chúng ta phải cân nhắc", ông Bütikofer nhấn mạnh.

Đề xuất ngân sách của EU cho giai đoạn 2021 – 27 bao gồm 60 tỷ Euro (tương đương 67,8 tỷ USD) dành cho các "hoạt động bên ngoài" thông qua kế hoạch kết nối. Tuy nhiên, theo ông Bütikofer, với các nguồn tài chính từ cả khu vực công và tư, con số trên có thể lên tới hàng trăm tỷ euro. Ông cũng liên kết nó với "Kế hoạch Juncker" nhằm thúc đẩy đầu tư trong nội khối EU.

Jo Leinen, một thành viên khác của Nghị viện châu Âu cũng cho rằng, kế hoạch kết nối của EU nên được mở rộng để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

"Sáng kiến Một vành đai, một con đường là một vấn đề lớn hơn nhiều, và EU đang tìm kiếm các cách để kết nối với các khu vực khác, như châu Phi, Đông Âu, Trung Á và Trung Đông", ông chỉ ra. "Tại châu Phi, rõ ràng, chúng ta lo ngại rằng, Trung Quốc đang giành ảnh hưởng thông qua đầu tư và châu Âu đang đẩy mạnh kế hoạch châu Phi của mình".

Thời điểm vàng để EU ngả bài tấn công, đảo ngược sức mạnh Trung Quốc tại Á – Phi? - Ảnh 3.

Sau nhiều trì hoãn, dự án đường sắt tại Malaysia do Trung Quốc tài trợ đã được tái khởi động (ảnh: Reuters)

Cũng theo Leinen, nếu EU muốn đối phó với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc và gia tăng các giá trị bản thân trên chính trường thế giới, thì khối phải bắt đầu thể hiện một vai trò lớn hơn trong đầu tư hạ tầng cơ sở.

"Trung Quốc đang xuất khẩu hình mẫu chính trị và kinh tế ra thế giới, và nó không tương thích với hình mẫu của chúng ta, vì vậy hai hình mẫu mới cạnh tranh với nhau", ông Leinen giải thích. Ông cũng cho biết thêm, ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh không hề thúc đẩy các giá trị của châu Âu như dân chủ, nhân quyền hoặc thị trường tự do.

"Về mặt chính trị và kinh tế, Trung Quốc và EU không hề đến gần nhau hơn, chúng ta đang rời xa nhau", ông đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại