Triều Tiên lại đối mặt với nguy cơ bị quốc tế trừng phạt

Thu Hoài |

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (22/12) tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất mở rộng các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Dù không phải là những biện pháp khắc nghiệp nhất mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy tại Liên Hợp Quốc song bản dự thảo nghị quyết này cũng đề xuất cấm xuất khẩu gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, vốn được coi là một trong những chìa khóa của nền kinh tế Triều Tiên.

Theo tài liệu được lưu hành hôm qua (21/12) tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất cấm 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu tới Triều Tiên bằng cách áp giới hạn 500.000 thùng/năm và 4 triệu thùng/năm đối với dầu thô.

Đặc biệt, văn kiện lần đầu tiên đề xuất phải hồi hương công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài về nước trong vòng 12 tháng kể từ khi nghị quyết được thông qua, đồng thời mở rộng danh sách các cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, dự thảo cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu lương thực, máy móc, thiết bị điện tử và các loại khoáng sản. Các quốc gia được phép thu giữ, kiểm tra và phong tỏa bất kỳ tàu thuyền nào bị cho là chuyên chở những hàng hóa cấm đối với Triều Tiên khi tàu thuyền đó cập cảng, hay ở trong vùng lãnh hải của họ.

Theo chính quyền Mỹ, những biện pháp trừng phạt được đề xuất là phản ứng của Hội đồng Bảo an đối với vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đây nhất của Triều Tiên hôm 29/11. Đây là lần phóng tên lửa thứ 20 của Triều Tiên trong năm nay, làm gia tăng lo ngại nước này sẽ sớm sở hữu kho vũ khí hạt nhân có thể nhắm tới các mục tiêu tại Mỹ.

Theo các nguồn tin, trước khi gửi tới tay toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bản dự thảo nghị quyết đã được Mỹ đưa ra bàn thảo với Trung Quốc trong suốt 1 tuần qua. Nếu được thông qua, đây sẽ là nghị quyết thứ 10 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này kể từ năm 2006.

Nghị quyết trừng phạt mới đây nhất là hôm 11/9 vừa qua, hơn 1 tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng được xem là mạnh nhất của Triều Tiên. Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, Chính phủ Mỹ tin rằng cùng với các biện pháp trước đây, lệnh trừng phạt mới được áp đặt vào thời điểm hiện nay sẽ góp phần hạn chế hơn 90% lượng xuất khẩu của Triều Tiên theo báo cáo năm 2016.

Tuy nhiên, một thực tế đã được chứng minh thời gian qua, chính sách răn đe và trừng phạt của Mỹ tới nay vẫn chưa thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên chịu trừng phạt quốc tế, nước này đã quá quen với điều này trong suốt hơn 10 năm qua. Minh chứng là trong khi Mỹ thúc đẩy dự thảo trừng phạt với Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, thì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua tiếp tục tuyên bố nước này đã trở thành một quốc gia chiến lược có khả năng gây ra một mối đe dọa hạt nhân "đáng kể" đối với Mỹ.

Rõ ràng, điều mà Mỹ đang làm hiện nay chỉ càng cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc đối đầu giữa nước này với Triều Tiên, làm cho bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng quá nóng như thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Không chỉ các nhà phân tích, mà ngay cả nước tham gia đàm phán 6 bên là Trung Quốc cũng phải thừa nhận, khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết, nếu các bên chấp nhận từ bỏ những toan tính của mình, hành động một cách có trách nhiệm vì hòa bình và sự ổn định không chỉ của bán đảo Triều Tiên hay khu vực Đông Bắc Á, mà còn của toàn thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: “Giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán vẫn là lập trường của Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ việc tuân thủ tinh thần cũng như các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tham gia các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy giải quyết ngay lập tức vấn đề Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các bên liên quan, cần xem xét cách tiếp cận hai chiều và đề xuất tạm ngưng đổi lấy tạm ngưng của Trung Quốc để có những bước đi ý nghĩa và thực nhất, hướng tới một giải pháp hòa bình”.

Đây cũng là một thực tế mà ngay chính nước Mỹ cũng không thể phủ nhận khi trong dự thảo nghị quyết của mình, nước này dù chỉ trích việc Triều Tiên chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm sang phát triển vũ khí hạt nhân và một số chương trình tên lửa đạn đạo đắt tiền, song cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Văn kiện đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và "thể hiện cam kết đối với một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho tình hình thông qua đối thoại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại