Triều Tiên lại bị LHQ áp lệnh trừng phạt mới nhưng Mỹ mới là nước thua lớn liên tiếp

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Bởi nội dung lệnh trừng phạt Triều Tiên mới của LHQ kém xa mức độ yêu cầu ban đầu của Mỹ và càng muốn nhiều thì Washington càng lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Nga.

Nghị quyết lần thứ 9 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Triều Tiên do Mỹ soạn thảo đã được tất cả 15 thành viên của hội đồng nhất trí thông qua. Trên danh nghĩa, việc này là một thắng lợi chính trị và ngoại giao của Mỹ vì Mỹ là tác giả của nghị quyết và cả Trung Quốc lẫn Nga đều không phủ quyết.

Nội dung của nó đúng là có siết chặt thêm mức độ trừng phạt Triều Tiên và Mỹ có thể dùng nó để chứng minh cho Bình Nhưỡng và thế giới thấy là Liên hợp quốc - đại diện cho cộng đồng quốc tế - đồng tình nhất trí với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc đứng cùng phía với Mỹ, trong việc đối phó với việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp bị cấm vận và trừng phạt bởi 8 nghị quyết trước đó của HĐBA LHQ.

Trong thực chất, những gì mới được HĐBA LHQ thông qua trong nghị quyết mới chỉ đáp ứng một phần mức độ yêu cầu ban đầu của Mỹ.

"Mỹ được ít, mất nhiều"

Triều Tiên lại bị LHQ áp lệnh trừng phạt mới nhưng Mỹ mới là nước thua lớn liên tiếp - Ảnh 1.

Triều Tiên sẽ bị cấm vận xuất khẩu dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu thô theo lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc. Ảnh: VCG

Không thể nói là Mỹ không được gì hoặc đã hoàn toàn thua trong cuộc chơi với nghị quyết mới này. Cái mới ở nghị quyết này là bắt đầu cấm vận cung ứng dầu mỏ cho Bình Nhưỡng, cho dù không phải là cấm vận tuyệt đối như Mỹ mong muốn, là cấm vận hoàn toàn cung ứng khí đốt cho Triều Tiên và cấm vận hoàn toàn xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên cũng như kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu lao động của nước Đông Bắc Á này.

Nếu được thực thi nghiêm chỉnh, nghị quyết này sẽ gây tác hại lớn cho Triều Tiên. Theo đó, nhập khẩu dầu mỏ thô của Bình Nhưỡng sẽ bị giảm khoảng 55%. Trước đó, Triều Tiên đã bị LHQ cấm xuất khẩu than đá, quặng sắt và một số nguyên vật liệu khác, bây giờ bị cấm thêm xuất khẩu hàng dệt may, tức là xuất khẩu của nước này đã bị cấm vận tổng cộng tới 90%.

Theo LHQ, hàng năm xuất khẩu lao động đem lại cho Triều Tiên nguồn thu nhập lên tới 2,3 tỷ USD. Bây giờ, nghị quyết mới này cấm các nước sử dụng mới lao động xuất khẩu của Triều Tiên.

Cái thua của Mỹ ở nghị quyết mới này là mức độ đạt được kém xa mức độ đã yêu cầu ban đầu. Mỹ đã không thể tránh khỏi bị mất thể diện khi trước đó đưa ra yêu cầu đòi hỏi rất cao mà rồi cuối cùng thu về chỉ như thể vớt vát.

Những đòi hỏi như cấm vận tuyệt đối cung ứng dầu mỏ cho Triều Tiên, phong toả tài sản cá nhân và cấm đi lại trên thế giới đối với lãnh đạo Triều Tiên, trừng phạt hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, Bộ quốc phòng và một vài cơ quan chính quyền khác của nước này.... đều biến mất khỏi nghị quyết khi được đưa ra để thông qua.

Cái thua lớn tiếp nữa của Mỹ là càng muốn nhiều thì càng lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Nga. Nghị quyết này trong thực chất chỉ giúp Mỹ gỡ gạc và vớt vát phần nào, có thêm được thời gian để tìm lối thoát ra khỏi tình cảnh bế tắc đối sách lâu nay trong quan hệ với Triều Tiên và trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của nước này.

Triều Tiên lại bị LHQ áp lệnh trừng phạt mới nhưng Mỹ mới là nước thua lớn liên tiếp - Ảnh 2.

Chậm nhất cho tới lúc này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ đã phải nhận thức được rằng, một mình Mỹ không thể giải quyết được ổn thoả và lâu bền vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chính vì thế không thể theo đuổi giải pháp quân sự mà thay vào đó phải tìm cách thuyết phục và lôi kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Điều này thể hiện trong nghị quyết ở chỗ để đổi lấy sự đồng ý - hoặc không phủ quyết - của Trung Quốc và Nga, Mỹ đã không chỉ phải từ bỏ không ít yêu cầu đòi hỏi ban đầu rất cao mà còn phải sẵn sàng tiếp nhận một số quan điểm, chủ ý của hai nước kia về định hướng giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.

Mỹ có được nghị quyết mới của HĐBA LHQ về trừng phạt Triều Tiên nhưng Mỹ có đạt được mục tiêu đề ra với nghị quyết mới này hay không thì lại là chuyện khác và trên thực tế nằm ngoài khả năng của Mỹ.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên. Trung Quốc và Nga là hai nước cung cấp dầu khí chính cho Triều Tiên. Tại Nga có lực lượng rất đông lao động Triều Tiên. Tác dụng thực tế của nghị quyết mới này phụ thuộc trước hết vào Trung Quốc và Nga.

Hai nước này sẽ tuỳ thuộc vào cái giá mà Mỹ chịu trả cho họ để làm cho Mỹ hài lòng hay khiến Mỹ bực bội với phần của họ trong việc thực thi nghị quyết trên thực tế. Ấy là còn chưa kể đến 8 nghị quyết trước với triết lý tương tự đã không có tác dụng thì nghị quyết thứ 9 này hiện cũng chưa thấy có gì đảm bảo là sẽ đưa lại tác dụng trong đối phó với Triều Tiên. Xem ra, Mỹ càng khó càng bí chứ chưa phải trong khó đã thấy ló cái khôn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại