Triều Tiên dọa nã tên lửa đảo Guam: Phi đội Mỹ đã xuất phát, Nhật-Hàn sẵn sàng nhập cuộc

Tất Đạt |

Cố vấn An ninh Nội địa Mỹ khẳng định tính mạng của 160.000 cư dân và khách du lịch ở đảo Guam sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Mỹ, Nhật, Hàn lên tiếng

Theo Yonhap, Triều Tiên đang có ý định phóng loạt tên lửa Hwasong-12 vào cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ trên đảo Guam, vô hiệu hóa và phá hủy các trang thiết bị của Mỹ, bao gồm vũ khí và bom hạt nhân.

Không quân Mỹ cho biết, các thành viên của Phi đội máy bay ném bom viễn chinh số 37, xuất phát từ bang South Dakota tới Guam, đã sẵn sàng "chiến đấu ngay lập tức". Không quân Nhật Bản và không quân Hàn Quốc cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Triều Tiên dọa nã tên lửa đảo Guam: Phi đội Mỹ đã xuất phát, Nhật-Hàn sẵn sàng nhập cuộc - Ảnh 1.

Khoảng cách từ Guam tới Triều Tiên là 2.128 dặm (khoảng 3.424km). Ảnh: USATODAY

"Các chuyến bay với Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng tỏ tình đoàn kết giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc chiến chống các hành động khiêu khích và gây bất ổn tại khu vực Thái Bình Dương."

Washington Post, trích dẫn báo cáo mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, cho biết Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để có thể lắp đặt trên các tên lửa của nước này.

George Charfauros, Cố vấn An ninh Nội địa Mỹ cho biết: "Chúng tôi giữ vững lập trường của mình trước tuyên bố từ phía Triều Tiên bởi Lầu Năm Góc vẫn đang theo dõi sát sao tình hình trong khu vực hàng ngày, hàng giờ."

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho công chúng nếu có bất kì sự thay đổi hoặc cần bất kì hành động gì. Hiện tại, chúng tôi đề nghị cộng đồng giữ bình tĩnh, hãy nhớ rằng các biện pháp phòng thủ luôn sẵn sàng để đối phó với Triều Tiên và bất kì mối nguy ngại tiềm ẩn nào."

Ông cũng cho biết tính mạng của 160.000 cư dân và khách du lịch ở đảo Guam sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Địa điểm quân sự chiến lược

Đảo Guam từ lâu đã có đóng vai trò là một địa điểm quân sự chiến lược của Mỹ. Mỹ đã chiếm được hòn đảo này từ Tây Ban Nha vào năm 1898 trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Các sĩ quan hải quân lần lượt điều hành hòn đảo này cho đến năm 1941.

Guam đã bị Nhật chiếm đóng 2 năm rưỡi trong Thế chiến II và cuối cùng lại trở về tay người Mỹ vào năm 1944.

Các cơ sở quân sự chiếm khoảng 1/3 diện tích hòn đảo rộng 544 km2 này. Người dân trên đảo Guam là công dân Mỹ, tuy nhiên, họ không có quyền được bỏ phiếu trong bầu cử Tổng thống.

Triều Tiên dọa nã tên lửa đảo Guam: Phi đội Mỹ đã xuất phát, Nhật-Hàn sẵn sàng nhập cuộc - Ảnh 2.

Bà Astright Villagomez, 50 tuổi, người dân đảo Guam. Ảnh: USAToday

Niềm tin của người dân

Anh Graceful Fiden, 28 tuổi, sống tại quận Tumon, đảo Guam, nói: "Mối đe dọa từ Triều Tiên rất đáng quan ngại, nhưng tôi tin vào quân đội của Guam, tôi tin sức mạnh Mỹ."

Trả lời tờ Daily News, một phụ nữ trên đảo Guam cho biết bà cảm thấy rất an tâm vì 4 trong số 5 con trai của bà phục vụ trong quân ngũ.

"Tôi có biết về mối đe dọa này, nhưng tôi không lo lắng. Các con tôi nói 'nếu có gì xảy ra, chúng con sẽ cho mẹ biết'. Tôi đặt niềm tin vào quân đội."

Bà cũng cho biết, bà tin tưởng quân đội hơn là tin vào Tổng thống.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến trái chiều. Bà Astright Villagomez, 50 tuổi, bày tỏ sự lo ngại với lời đe dọa mới nhất từ Triều Tiên.

"Tôi mong rằng quân đội có thể bảo vệ người dân." Bà có vài người thân hiện đang phục vụ trong quân đội. Khi được hỏi liệu chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump có bảo vệ được hòn đảo này hay không, bà nói: "Cái đó thì tôi không biết. Thực sự chẳng có gì chắc chắn cả."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại