Triều Tiên đã dập tắt hy vọng của Mỹ sau cuộc trao đổi bí mật đầu 2017 như thế nào?

Thi Anh |

"Nếu không có yếu tố nào phá vỡ vòng lặp ấy thì nó sẽ tiếp diễn cho tới khi một bên rút lui hoặc tệ hơn là dùng vũ lực", chuyên gia nói về quan hệ Mỹ-Triều.

Cuộc trao đổi bí mật trong 10 phút

Trong tháng đầu tiên ông Donald Trump giữ chức vị Tổng thống Mỹ, một học giả Mỹ đã lặng lẽ gặp các quan chức Triều Tiên và truyền đạt thông điệp: Chính quyền mới ở Washington rất cảm kích khi Bình Nhưỡng gia hạn quyết định ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Động thái này đã đem lại một tia hy vọng.

Thế nhưng, giới chức Triều Tiên lại phản ứng. Họ tuyên bố: Khoảng thời gian "án binh bất động" gần 4 tháng không phải là dấu hiệu của sự thỏa hiệp và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ ra lệnh thử tên lửa bất cứ khi nào ông muốn.

Những gì giới chức hai bên đã trao đổi trong cuộc gặp không chính thức kéo dài 10 phút cách đây 10 tháng chưa từng được công khai. Đây là thông tin mà AP khai thác được.

Như để chứng minh đó không phải lời nói chơi, chỉ 2 ngày sau, Triều Tiên phóng một mẫu tên lửa tầm trung mới, chấm dứt "kỳ trăng mật" ngắn ngủi với ông Trump.

Vụ thử tên lửa hồi tháng 2 báo hiệu một năm leo thang căng thẳng, tình trạng khiến Mỹ và Triều Tiên tiến gần tới thế đối địch hơn bao giờ hết, kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953.

Bình Nhưỡng đang tiến tới mục tiêu nhiều thập kỷ. Đó là đạt được khả năng tấn công bất cứ vị trí nào ở Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, lãnh đạo hai nước lại có những màn khẩu chiến và công kích cá nhân.

Nỗ lực ngoại giao không hoàn toàn biến mất. Chính quyền Trump đã nhanh chóng khôi phục một kênh trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Triều Tiên, vốn đã tạm ngưng trong những tháng cuối cùng ông Obama tại nhiệm.

Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, Joseph Yun đã bí mật gặp các quan chức Triều Tiên ở Oslo, Na Uy hồi tháng 5 để yêu cầu nước này trao trả tự do cho một số công dân Mỹ.

Tuy nhiên, người duy nhất được đưa về là Otto Warmbier, với tình trạng tổn thương não. Warmbier tử vong sau vài ngày trở về Mỹ và tình huống này đã chấm dứt tất cả hy vọng phá băng Mỹ - Triều.

Ông Trump đã đưa ra những ý kiến gay gắt trên Twitter, còn Bình Nhưỡng thì tăng cường thử nghiệm vũ khí.

Và chiến lược của Mỹ bị sa lầy.

Vòng lặp tiêu cực

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề nghị đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên nhưng đề nghị này nhanh chóng bị Nhà Trắng dập tắt. Không chỉ có ông Trump đề cập tới khả năng đối đầu quân sự mà cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cũng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh "đang lớn lên từng ngày".

Triều Tiên đã dập tắt hy vọng của Mỹ sau cuộc trao đổi bí mật đầu 2017 như thế nào? - Ảnh 1.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và ông Trump. Ảnh: Reuters

"Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ dường như không thể phối hợp với nhau dù là trong những yếu tố căn bản nhất của một chiến lược chung", Stephan Haggard, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc đại học California nhận định.

Trước khi năm 2017 kết thúc, chính quyền Mỹ còn công bố một chiến lược an ninh mới, đề cập một cách qua loa về "những phương án cải thiện" nhằm khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bản thân chính quyền Mỹ cũng phải thừa nhận, chính sách "gia tăng sức ép tối đa" nhằm vào Triều Tiên của họ tính đến nay vẫn chưa cho hiệu quả rõ rệt, mặc dù họ đã thành công khi tìm kiếm sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc trong một số quyết định nhằm gây áp lực cho Triều Tiên.

Sau một vài thử nghiệm thất bại năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành hơn 20 vụ phóng tên lửa kể từ khi ông Trump nhậm chức. Nước này cũng thử nghiệm cái mà họ cho là bom H. Cuối tháng 11 vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã phóng thử một tên lửa liên lục địa mới, chứng minh rằng toàn bộ lục địa Mỹ đã rơi vào tầm ngắm.

"Bình Nhưỡng và Washington đang mắc kẹt trong một vòng lặp tiêu cực giữa hành động và phản ứng", chuyên gia Hàn Quốc Duyeon Kim nhận định, "Nếu không có yếu tố nào phá vỡ vòng lặp ấy thì nó sẽ tiếp diễn cho tới khi một bên rút lui hoặc tệ hơn là dùng vũ lực".

Mặc dù lúc đó Triều Tiên có vẻ quan tâm tới việc đàm phán với Mỹ nhưng lập trường kiên quyết, không nhượng bộ của họ đã trở thành thách thức mà ông Trump phải đối mặt khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, nhất là khi ông đã hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên mà mình "kế thừa".

2018 đang tới gần và câu hỏi hiện giờ là liệu Bình Nhưỡng có tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm khác cho tới khi họ tự tin triển khai một tên lửa tầm xa mới hay không, và liệu họ có phóng một vũ khí hạt nhân qua Thái Bình Dương để thể hiện năng lực của mình hay không.

Chính quyền ông Trump có thể thấy rõ thời gian dành cho ngoại giao không còn nhiều. Trong tháng này, ông Tillerson đã nói rằng ông hy vọng cấm vận sẽ khiến Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán.

"Nếu không, chúng ta sẽ không cần phải làm điều đó", ông Tillerson đề cập tới tất cả những sức ép nhằm vào Bình Nhưỡng, "Chúng ta cứ tiến thẳng tới phương án quân sự".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại