"Dây cứu đắm" của Bình Nhưỡng và chiến lược "bỏ đói" Triều Tiên của ông Trump

Thùy Lâm |

Chiến lược gây áp lực kinh tế lên Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đi đến đâu trong khi năm 2017 chỉ còn tính bằng ngày.

Tổng thống Trump đã tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm 2017 bằng cách làm tê liệt kinh tế, "bỏ đói" chương trình vũ khí, và hi vọng những bước đi cứng rắn này sẽ khiến Bình Nhưỡng phải ngồi vào đàm phán.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến dịch cô lập kinh tế của Tổng thống Trump dường như không mang lại kết quả như ông kỳ vọng - điều này có thể khiến ông sẵn sàng hơn cho phương án vũ lực.

Những "sợi dây cứu đắm" của Triều Tiên

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm 28/12 đưa tin, các vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện thấy các tàu Trung Quốc bí mật chuyển dầu cho tàu Triều Tiên tại vùng Biển Tây khoảng 30 lần kể từ tháng 10.

Cùng ngày, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, chính quyền nước này có bằng chứng cho thấy các tàu Trung Quốc "đã thực hiện những hành động vốn bị Liên Hợp Quốc ngăn cấm, trong đó có việc chuyển dầu bằng tàu và vận chuyển than đá từ Triều Tiên".

Hôm 29/12, Hàn Quốc thông báo đã bắt giữ một tàu đăng ký tại Hong Kong với cáo buộc giao dầu bất hợp pháp cho một tàu Triều Tiên.

Dây cứu đắm của Bình Nhưỡng và chiến lược bỏ đói Triều Tiên của ông Trump - Ảnh 1.

Hình ảnh tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên nối với tàu Trung Quốc do vệ tinh trinh sát chụp lại, nghi là hoạt động trao đổi dầu. Ảnh: Chosun Ilbo.

Về phần mình, Trung Quốc bác bỏ thông tin nước này bán dầu mỏ cho Triều Tiên bất chấp nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nếu cáo buộc Trung Quốc bí mật bán dầu cho Triều Tiên là đúng thì đây không phải là trường hợp duy nhất giao dịch với Triều Tiên bị khui ra.

Hôm 29/12, Reuters dẫn nguồn tin an ninh giấu tên ở Tây Âu cho hay, các tàu chở dầu của Nga đã chuyển nhiên liệu cho tàu Triều Tiên trên biển ít nhất 3 lần trong những tháng gần đây bất chấp các quy định của Liên Hợp Quốc.

Hồi tháng 9, cũng có thông tin rằng ít nhất 8 tàu chở nhiên liệu đã di chuyển từ Nga tới Triều Tiên dù đăng ký những điểm đến khác.

Không có bằng chứng rõ ràng nào khẳng định những tàu trên vi phạm luật pháp quốc tế nhưng giới chuyên gia cho rằng hoạt động này là dấu hiệu của chiến thuật "né" lệnh trừng phạt.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế (Mỹ) - tổ chức chuyên tập trung vào vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân - công bố hồi tháng 12 cho thấy, 49 quốc gia đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên từ tháng 3/2014 tới tháng 9/2017.

Một loạt quốc gia, từ Angola tới Đức đã phớt lờ biện pháp cấm hoạt động kinh tế và quan hệ quốc phòng với Bình Nhưỡng. Nhiều nước, gồm cả Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Đức, Ấn Độ, Iran, Nga, Singapore, Sri Lanka, và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã tham gia vào các giao dịch tài chính và hoạt động kinh doanh với Triều Tiên.

Việc nhiều quốc gia sẵn sàng bỏ qua lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho thấy những hạn chế trong chiến lược gây áp lực kinh tế của ông Trump. Trong khi hầu hết tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc trước đây đều có "câu nói cửa miệng" rằng họ sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế, thì dường như hiện nay ngày càng ít quốc gia đưa ra cam kết đó.

Giới phân tích cho rằng, quốc gia vi phạm nặng nhất là Trung Quốc bởi đây là "dây cứu đắm" kinh tế của Triều Tiên. Triều Tiên dựa nhiều vào Trung Quốc khi nhập khẩu gần như tất cả các mặt hàng năng lượng, và Trung Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị thương mại của Triều Tiên.

Mất dần kiên nhẫn

Các chuyên gia lo ngại rằng lòng kiên nhẫn của ông Trump về vấn đề Triều Tiên có thể sớm cạn kiệt.

Ông Trump có thể chấm dứt bằng cách phớt lờ thực tế rằng những thay đổi trong hành vi thương mại có thể tốn thời gian và hiện Mỹ vẫn còn có nhiều lựa chọn nhằm buộc các quốc gia tuân thủ nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc. Những lựa chọn này bao gồm lệnh trừng phạt thứ cấp, theo đó sẽ nhắm tới những quốc gia đang làm ăn với Bình Nhưỡng.

Sáng 28/12, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter rằng, Trung Quốc "đã bị bắt quả tang" khi bán dầu mỏ cho Triều Tiên."Sẽ không bao giờ có giải pháp thân thiện đối với vấn đề Triều Tiên nếu hoạt động này tiếp diễn".

Ông Aaron Friedberg, một học giả Trung Quốc thuộc Đại học Princeton và là cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Dick Cheney, chia sẻ với báo giới rằng, ông Trump có thể lâm vào ngõ cụt với những tuyên bố khiêu khích nếu ông ấy cho rằng chiến dịch cô lập kinh tế đã thất bại.

"Hoặc Mỹ sẽ phải từ bỏ chính sách cô lập kinh tế, và ông Trump sẽ không biết bấu víu vào đâu trong khi lời đe dọa của ông mất đi phần nào sức nặng, hoặc ông ấy phải tiếp tục đe dọa can thiệp quân sự", chuyên gia Friedberg nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại