Triều Tiên báo hiệu quyết vượt qua lệnh cấm vận, Nhật-Hàn lo sợ bị Mỹ "hy sinh"

Đại úy Phạm Doãn Tình/Tiểu đoàn 5 - Trường Sĩ quan Chính trị |

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/9 đưa ra tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng nước này đang đạt được mục tiêu “cân bằng” về sức mạnh quân sự với Mỹ.

Trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ thử tên lửa được “đánh giá cao” của Bình Nhưỡng ngày 15, thì Triều Tiên đã khẳng định mục tiêu cân bằng về sức mạnh quân sự với Mỹ.

Trong động thái được cho là đáp trả lệnh cấm vận mới của LHQ, rạng sáng ngày 15/9, Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản ra khu vực bắc Thái Bình Dương.

Giới phân tích ước tính, tên lửa đạn đạo mới có tầm bay cao khoảng 800 km và hành trình khoảng 3.700 km. Đây là vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có tầm bay xa dài nhất từ ​​trước đến nay.

Triều Tiên đã xác nhận, đó là một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, một mô hình tương tự tên lửa đã được phóng lên ở Nhật Bản vào ngày 29/8 vừa qua.

KCNA cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un hài lòng đối với vụ phóng, ông khẳng định “hiệu quả chiến đấu và độ tin cậy của tên lửa là thành công của các nỗ lực để tăng cường sức mạnh của nó”.

Trong khi đó, các báo cáo của Hàn Quốc dẫn lời của ông Kim Jong-un rằng, loại tên lửa này đã sẵn sàng cho các hành động đáp trả đối với kẻ thù, và tuyên bố sẽ hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của mình để đối phó với việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của LHQ.

Ông Kim nói rằng, mặc dù các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng là “vô hạn” nhưng chúng ta đã gần như hoàn thành việc xây dựng lực lượng vũ trang hạt nhân.

“Theo nhận định của cả thế giới, chúng tôi đã đạt được tất cả những thành tựu này, mặc dù các biện pháp trừng phạt của LHQ Quốc kéo dài hàng thập kỷ”, KCNA thông cáo.

Ông Kim kêu gọi người dân và quân đội Triều Tiên: "Chúng ta cần tiếp tục có sự nỗ lực của tất cả để đạt được mục đích và đạt được một khả năng phản công hạt nhân mà Hoa Kỳ không thể đối phó được".

Nhà lãnh đạo tuyên bố mục tiêu cuối cùng của quốc gia là “thiết lập sự cân bằng của lực thực quân sự với Mỹ và khiến lãnh đạo Mỹ không còn dám nói về sự lựa chọn quân sự nhằm vào Triều Tiên".

Ông Kim còn nhấn mạnh rằng, sẽ có thêm nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân trong tương lai, và tất cả các cuộc tập trận trong tương lai sẽ có ý nghĩa thực tế để tăng sức mạnh chiến đấu của lực lượng hạt nhân nhằm thiết lập một trật tự trong việc triển khai các đầu đạn hạt nhân cho “một cuộc chiến thực sự”.

Hội đồng Bảo an LHQ đã phải tổ chức họp khẩn và ra tuyên bố, tất cả các nước phải “thực hiện đầy đủ, toàn diện và ngay lập tức” tất cả các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên.

Đại sứ Nhật Bản tại LHQ, ông Koro Bessho gọi vụ phóng tên lửa ngày 15/9 là “hành động thái quá” của Triều Tiên, không chỉ tạo thành đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản mà còn với toàn thế giới. Ông Bessho và các đại sứ Anh, Pháp và Thụy Điển tại Nhật Bản yêu cầu tất cả các biện pháp trừng phạt phải được thực hiện nghiêm túc.

Đại sứ Anh tại LHQ, ông Matthew Rycroft nói rằng, các đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng và các liên kết gần gũi nhất - cụ thể là Trung Quốc - phải “chứng minh rằng họ đang làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn những hành động liều lĩnh của Bình Nhưỡng, đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của LHQ và khuyến khích Triều Tiên đổi hướng”.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra tuyên bố, nước này đã sẵn sàng làm việc với các biện pháp của LHQ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng không tiếp tục việc leo thang căng thẳng để ngồi vào bàn đàm phán.

Triều Tiên báo hiệu quyết vượt qua lệnh cấm vận, Nhật-Hàn lo sợ bị Mỹ hy sinh - Ảnh 1.

Một cuộc phóng thử tên lửa của Hàn Quốc để đáp trả Triều Tiên (Ảnh: AP)

Nhật Bản, Hàn Quốc nghi ngờ sự bảo vệ của Mỹ?

Trong thời gian gần đây, các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gần như khẳng định về sức mạnh thật sự của quân đội nước này trước các cuộc tập trận Mỹ-Hàn và các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Triều Tiên diễn ra vào ngày 3/9, được mô tả là một vụ nổ loại bom nhiệt hạch được chế tạo để gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Mới nhất là vụ thử tên lửa ngày 15, như một lời thách thức gửi tới Mỹ và đồng minh,

Trước đó, trong tháng 7, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử ICBM bằng tên lửa Hwasong-14, được cho là loại tên lửa có thể tiếp cận sâu lãnh thổ Mỹ khi chúng được hoàn thiện.

Tần suất, sức mạnh và sự tự tin đang tăng lên trong các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, dường như đã xác nhận những gì mà các chính phủ và chuyên gia quan ngại bấy lâu về một Triều Tiên ngày càng gần gũi hơn với mục tiêu xây dựng kho vũ khí hạt nhân có thể nhắm đến quân đội Mỹ ở cả châu Á-Thái Bình Dương và trên đất Mỹ.

Sự thật hiện hữu này sẽ cho phép Triều Tiên có quyền tự do quân sự trong khu vực. Khi đó, cả Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không khỏi nghi ngờ về khả năng Washington sẵn sàng hy sinh những thành phố của mình để bảo vệ các đồng minh châu Á của họ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lo ngại những hành động ngày càng cứng rắn của Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu không được ngăn chặn.

Trong khi đó, chính sách ngoại giao cứng rắn của tất cả các bên đối với vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã gây ra sự trì trệ, không lối thoát trong nhiều năm. Những gì đang diễn ra càng cho thấy, ít có dấu hiệu các quan chức của Triều Tiên cùng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về những cách thức hợp lý nhất nhằm giải quyết những bất đồng tồn tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại