Trả lời tạp chí quan hệ quốc tế Global Brief (Canada) hồi đầu tháng 9, Đại sứ lưu động của Singapore, ông Bilahari Kausikan nhận định Trung Quốc buộc phải bảo vệ Triều Tiên, trong trường hợp nước này bị Mỹ/đồng minh tấn công phủ đầu bằng quân sự.
Với lý do bảo vệ nhà nước, an ninh quốc gia và ổn định xã hội ở Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải phản ứng ở một mức độ nào đó trước cuộc tấn công của Mỹ trên bán đảo.
Theo ông Kausikan, đây cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông quyết định tiến hành cuộc "kháng Mỹ viện Triều", đưa lực lượng tình nguyện của Quân giải phóng nhân dân (PLA) sang bán đảo để hỗ trợ Triều Tiên chống lại Mỹ và liên quân vào tháng 10/1950, chỉ 1 năm sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập và vẫn còn yếu ớt.
Đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan (Ảnh: Global Brief)
Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế quy mô số 2 thế giới, và sức mạnh quân sự của PLA đang được cải thiện bằng cuộc cải tổ của chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh không cho phép bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện với Mỹ - trận chiến mà họ chắc chắn không thắng.
"Do đó, người Trung Quốc sẽ cố gắng trong mọi khả năng có thể để giảm thiểu rủi ro chính quyền ở Triều Tiên bị thay thế, và ngăn chặn Mỹ có những động thái tương tự," Đại sứ Kausikan cho biết.
"Cách tiếp cận của chính quyền Trump với Triều Tiên, hay hành động của họ ở các mặt trận khác, như không kích Syria trong khi tổng thống Trump đang ăn tối với ông Tập Cận Bình, đã giúp khôi phục rất nhiều lòng tin vào sức mạnh Mỹ."
Ông Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự của quân chính phủ Syria ngày 6/4, và trực tiếp báo tin này cho nhà lãnh đạo Trung Quốc trong buổi tiệc tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, khi ông Tập tới đây để gặp mặt tân tổng thống Mỹ lần đầu tiên.
Ông Tập "lặng người khoảng 10 giây" sau khi nghe tin, sau đó yêu cầu người phiên dịch nói lại, rồi ông "lãnh đạm tỏ ý đã hiểu", tiếp tục tham dự tiệc tối, và bình thản trở về khách sạn. Nhưng tình huống này nhắc nhở người Trung Quốc về tác phong khác biệt của chính quyền ông Trump.
"Tổng thống Trump có logic của mình khi nói rằng sự khó lường chính là một tài sản. Nước Mỹ dưới thời Obama hành động quá dễ phán đoán," đại sứ Singapore nói.
Ở kịch bản ngược lại là Triều Tiên tấn công Mỹ trước, ông Kausikan cho rằng Bắc Kinh sẽ không hành động gì nhiều, xuất phát từ cùng nguyên nhân gìn giữ lợi ích quốc gia.
"Nếu Triều Tiên khơi mào chiến tranh với Mỹ, họ sẽ phải tự thân vận động," ông nói. "Trung Quốc hiểu cuộc chiến với Mỹ sẽ phá hoại hầu hết lợi ích cốt lõi của họ, bởi xung đột như vậy không thể có lối thoát nào có lợi cho Trung Quốc."