Hai tuần bị 2 tên lửa Triều Tiên bay qua không phận, nhiều người Nhật vẫn không muốn sửa hiến pháp

Tất Đạt |

Theo hiến pháp có hiệu lực từ năm 1947, Nhật Bản bị giới hạn chặt chẽ về sức mạnh quân sự và không được phép chủ động tấn công vũ trang mối đe dọa từ nước khác.

Sáng thứ Sáu (15/9), người dân Nhật Bản bị tiếng còi báo động đánh thức kèm thông báo một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sẽ bay qua khu vực.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hai tuần Triều Tiên phóng tên lửa vào không phận Nhật Bản.

Người dân sống tại phía bắc đảo Hokkaido cho biết họ không thể hiểu nổi tại sao Triều Tiên lại có những động thái hung hăng như vậy.

Trong khi ra sức giữ bình tĩnh cho người dân, nội bộ chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có nhiều buổi tranh cãi quyết liệt về chính sách quân sự của Nhật Bản.

Hiện tại, ông Abe đang muốn thắt chặt hơn mối quan hệ với Mỹ và thúc đẩy thay đổi hiến pháp Nhật Bản từ thời hậu Thế Chiến II, cho phép quốc gia này tự vệ trước mối đe dọa từ nước ngoài.

Tuy nhiên, Koichi Nakano, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Sophia, cho biết có rất nhiều người phản đối đường lối của ông Abe bởi họ cho rằng mối quan hệ với Washington sẽ ngày càng đặt Nhật Bản vào vòng nguy hiểm.

Hơn nữa, theo đuổi chính sách hòa bình vẫn là lựa chọn tối ưu hơn.

Trong nhiều thập kỉ qua, nội bộ Nhật Bản thường xuyên tranh cãi quanh hiến pháp hòa bình của nước này, ngăn không cho Nhật gây chiến.

Nhưng trong những năm gần đây, trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, chính quyền ông Shinzo Abe đang thúc đẩy kế hoạch thay đổi bản hiến pháp này.

Bản hiến pháp có hiệu lực từ năm 1947, sau khi Nhật Bản bại trận trong Thế Chiến II. Theo đó, Nhật Bản không được phép có "bộ binh, hải quân, không quân hay bất kì lực lượng nào có khả năng gây ra chiến tranh." Quân đội Nhật Bản hiện tại chỉ là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Hai tuần bị 2 tên lửa Triều Tiên bay qua không phận, nhiều người Nhật vẫn không muốn sửa hiến pháp - Ảnh 1.

Phải chăng vấn đề Triều Tiên là đòn bẩy giúp Nhật Bản xây dựng lại quân đội? Ảnh: Bloomberg

Hồi giữa tháng 4, ông Abe tỏ ra lo ngại cho an ninh quốc gia, đặc biệt từ hiểm họa Triều Tiên. Nhưng những cuộc trưng cầu ý dân cho thấy phần lớn dân chúng không muốn thay đổi hiến pháp.

Ông Nakono nói: "Đây là cơ hội để chính phủ Nhật Bản tái sinh lực lượng quân đội của mình."

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng bày tỏ sẽ không chạy đua hạt nhân với Triều Tiên.

Tong Zhao, chuyên gia tại Trung Tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie- Tsinghua, cho biết nếu Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản cũng sẽ có động thái tương tự, và sẽ kích động cuộc chạy đua vũ lực trong khu vực Đông Á với Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chí cả Nga.

Theo ông Zhao: "Các nước trong khu vực không thực sự tin tưởng nhau. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang thổi phồng những căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên để có cớ tái thiết quân đội."

Ông Nakano kết luận: "Hiển nhiên Triều Tiên đang kích động khu vực. Nhưng sự căng thẳng không chỉ gây ra bởi Triều Tiên, mà còn bởi Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại