Vụ thử tên lửa hôm nay dường như đã trả lời cho câu hỏi mà cộng đồng quốc tế vẫn luôn quan tâm: Liệu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cho rằng Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) siết chặt các biện pháp cấm vận mới đây là một mối đe dọa cho nước này, hoặc là lý do để đẩy nhanh các chương trình hạt nhân hay không?
Vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản vào sáng 15/9, lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, cho thấy Triều Tiên đã tiến gần hơn tới mục tiêu hoàn thiện đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa, và tên lửa này có thể bay được hàng nghìn km.
Đây là thực tế khiến các nước trong khu vực lo ngại và đặt ra thách thức ngoại giao lớn cho chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kênh CNBC (Mỹ) cho hay, giới tình báo Mỹ tin rằng đến nay ông Kim Jong Un đã sẵn sàng đối thoại về khả năng chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ chỉ đàm phán sau khi nước này đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân có khả năng chạm tới lãnh thổ Mỹ.
Việc quả tên lửa hôm nay đã đạt độ cao lên tới hơn 800 km là minh chứng mục tiêu của ông Kim ngày càng gần trở thành hiện thực.
Tổng thống Donald Trump không hài lòng khi HĐBA không thể áp đặt những lệnh cấm vận cứng rắn như Mỹ mong muốn lên Triều Tiên, bao gồm việc chặt đứt nguồn cung dầu và các loại khí cho quốc gia này, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, Mỹ không được sử dụng các biện pháp quân sự cưỡng chế kiểm tra tàu Triều Tiên trong các vùng biển quốc tế, để xem chúng có chuyên chở vũ khí hay các mặt hàng trong danh mục bị cấm không.
Trong thông cáo vào chiều tối ngày 14/9 (giờ địa phương), sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu lại tuyên bố mà các tiền nhiệm của ông từng sử dụng trong quá khứ: "Những hành động mang tính khiêu khích liên tục của Triều Tiên chỉ khiến cho nước này ngày càng cô lập với thế giới về mặt ngoại giao và kinh tế".
Đồng thời, ông Tillerson cáo buộc trách nhiệm "Trung Quốc cung cấp phần lớn dầu mỏ, còn Nga là quốc gia tuyển dụng lao động lớn nhất từ Triều Tiên". Ông nói, "hai quốc gia này cần phải có hành động mạnh mẽ phản ứng lại các vụ thử vũ khí của Triều Tiên".
Quân đội Mỹ-Hàn Quốc trong một cuộc tập trận gần biên giới với Triều Tiên để trả đũa các đe dọa quân sự từ Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Theo CNBC, vụ thử tên lửa sáng nay không nhắm đến đảo Guam (Mỹ), điều mà tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ có hình thức đáp trả bằng quân sự mạnh mẽ và áp đảo, sau khi Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa xuống vùng nước gần đảo này hồi tháng 8.
Tuy nhiên quả tên lửa phóng từ sân bay quốc tế Sunan phía bắc Bình Nhưỡn đã bay được hơn 3.700 km, qua cả phía bắc Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Hành trình này lớn hơn so với khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Guam.
Đó là một lời cảnh báo. Một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ (ẩn danh) nhận định vụ thử tên lửa có chủ đích khẳng định các căn cứ quân sự chủ yếu của Mỹ tại Thái Bình Dương hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Điều đáng nói, căn cứ Guam là đầu mối cho mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở bán đảo liên Triều.
Mặc dù phát hiện động thái chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên trước 1 ngày, nhưng cả Mỹ và Nhật Bản đều quyết định không ngăn cản kế hoạch này, hay bắn hạ quả tên lửa. CNBC bình luận, có thể lãnh đạo hai nước đều nhận ra tên lửa không nhắm vào phần đất liền.
Chỉ huy Dave Beham của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), Mỹ, cho biết vụ phóng tên lửa của Triều Tiên "không tạo ra mối nguy hiểm nào cho khu vực Bắc Mỹ và cả đảo Guam".