Bình Nhưỡng âm thầm xác minh ý định "hủy diệt" Triều Tiên của ông Trump

Ngọc Anh |

Giữa cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim Jong Un, Triều Tiên đã âm thầm tiếp cận các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ để tìm hiểu ý nghĩa thực sự các phát ngôn của ông Trump.

"Nếu Mỹ sử dụng biện pháp quân sự, hậu quả sẽ rất thảm khốc. ‘Thảm khốc’ đối với Triều Tiên", đó là phát ngôn mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi phản pháo lại việc Triều Tiên đe dọa sẽ bắn rơi máy bay Mỹ dù là ở không phận quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump sử dụng những từ ngữ như "hủy diệt", "thảm khốc", "không còn tồn tại",... đối với Triều Tiên trong khi chính ông cũng khẳng định rằng giải pháp quân sự không phải là giải pháp ưu tiên.

Theo Washington Post, dù bề ngoài phía Triều Tiên vẫn lên tiếng cứng rắn đáp trả các phát ngôn của ông Trump và có vẻ cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim Jong Un chưa biết khi nào mới kết thúc, nhưng Bình Nhưỡng đã âm thầm lặng lẽ thu xếp các cuộc gặp mặt với những nhà phân tích ở Washington, trong một nỗ lực rõ ràng là để hiểu thực sự "ý" của ông Trump là gì thông qua các phát ngôn có phần khó hiểu đó.

Những nhà phân tích Bình Nhưỡng cố gắng tiếp cận đều là những người có mối quan hệ với đảng Cộng hòa Mỹ, đó là những người mà Bình Nhưỡng cho rằng có thể lý giải chính xác các thông điệp thật sự của ông Trump.

"Mối quan tâm hàng đầu của Triều Tiên chính là ông Trump. Họ không thể hiểu được ông ấy", một nguồn tin biết về việc Triều Tiên đang tiếp cận các chuyên gia gốc Á có mối quan hệ với đảng Cộng hòa cho biết.

Washington Post cho biết, Triều Tiên cũng đã mời cựu chuyên gia phân tích của CIA, ông Bruce Klingner – hiện là chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên của Quỹ Heritage, đến Bình Nhưỡng để tham dự các cuộc gặp mặt nhằm làm rõ các ý định của ông Trump.

Ông Trump có mối quan hệ gần gũi với Quỹ Heritage, một tổ chức tư vấn bảo thủ đã có ảnh hưởng tới ông trong mọi quyết định, từ việc hạn chế nhập cư tới ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, theo Washington Post, ông Klingner không có mối quan hệ cá nhân với ông Trump và vị cựu chuyên gia của CIA đã từ chối lời mời của Bình Nhưỡng.

"Họ [Triều Tiên] đang rất tập trung vào việc tiếp cận các học giả Mỹ và các cựu quan chức chính quyền Mỹ", ông Klingner trả lời Washington Post, "Những cuộc gặp như thế là rất hữu ích, nhưng nếu Bình Nhưỡng muốn gửi đi các thông điệp rõ ràng thì họ nên tiếp cận trực tiếp tới chính phủ Mỹ".

Một học giả khác cũng đã được phía Triều Tiên tiếp cận, đó là ông Douglas H. Paal - cựu chuyên gia về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời các tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush.

Ông Paal hiện là phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnergie. Ông cho biết, phía Triều Tiên mong muốn ông sẽ giúp sắp xếp các cuộc đối thoại giữa các quan chức Triều Tiên và các chuyên gia có mối quan hệ với đảng Cộng hòa. Địa điểm diễn ra các cuộc gặp gỡ sẽ là một nơi trung lập như Thụy Sĩ chẳng hạn. Ông Paal cũng đã từ chối đề nghị của Bình Nhưỡng.

"Triều Tiên đang rất muốn chuyển tải một thông điệp. Nhưng tôi nghĩ cũng có thể là họ chỉ muốn đi du lịch một chút, ra khỏi đất nước một chút", ông Paal nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại