Phạm Văn Quang (tức Quang “tơn”), sinh năm 1965. Y lọt lòng mẹ và lớn lên gần khu bãi rác H34. Trong những năm tháng bao cấp sau chiến tranh đầy vất vả, khốn khó, khu tập thể H34 chủ yếu là công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng (cũ) và bà con lao động nghèo tại các khu Trại Chuối, Hạ Lý, Sở Dầu… về đây tá túc, sống qua ngày.
Trong môi trường ấy, vừa lớn lên, Quang “tơn” đã tỏ ra là một thanh niên lì lợm, bất cần đời với bản danh sách tiền án, tiền sự dài dằng dặc.
Năm 15 tuổi, lần đầu Quang ra toà với tội danh trộm cắp tài sản riêng công dân. Bản án 2 năm tù giam chỉ khiến y thêm “nổi danh” trong giới anh chị quanh vùng.
Ra tù, Quang “tơn” thường xuyên lang thang ở bãi rác Thượng Lý, có khi còn “trèo” cả sang “lãnh địa” bến Phà Bính, khét tiếng khu vực sông đào Hạ Lý bởi những vụ trấn lột tiền thuỷ thủ tàu, những vụ đâm chém dằn mặt các phe cánh khác trong khu vực.
Vào thời điểm đó, Công an phường Thượng Lý nhận xét về Quang “tơn” như sau: “Phạm Văn Quang là đối tượng tù tha, côn đồ, hung hãn, nhiều lần đánh người gây thương tích tại địa phương”.
Vốn là tên lưu manh hung hãn, Quang “tơn” chỉ thích giải quyết mọi chuyện mâu thuẫn cũng như thu phục đàn em bằng một cách… “đầu đất” nhất: đánh nhau!
Sức mạnh cơ bắp khiến Quang thu phục về tay mình nhiều “đầu gấu” khác như: Phạm Mạnh Hùng, Phạm Văn Nhã, Phan Văn Hiếu, Nguyễn Thanh Ngà, Trương Văn Hải… và Phạm Văn Dũng (Dũng “tơn”), sinh năm 1971, chính là em ruột của y.
Khi đã có đủ lông cánh, bọn Quang “tơn” hoành hành ở khu bãi rác Thượng Lý một cách trắng trợn, không kiêng nể ai. Đơn cử, cuối năm 1994, cháu Nguyễn Văn H. khi đó mới 14 tuổi, là học sinh bị cháu của Quang “tơn” trấn mất cặp sách.
Anh trai H. biết chuyện liền ra lấy lại cặp cho em.
Chuyện chỉ có vậy, thế nhưng Quang “tơn”, Dũng “tơn” cũng bọn đàn em đã kéo nhau vác hung khí đến nhà cháu H. đánh anh trai cháu chảy máu đầu. Sau đó Quang “tơn” tuyên bố “phạt” bố cháu H. phải nộp 2 triệu đồng “học phí ngu”.
Cũng là dân sống ở địa phương, biết “thanh thế” nhóm Quang “tơn”, gia đình cháu H. đành ngậm ngùi đưa tiền cho xong chuyện.
Vào thời điểm đó, TP Hải Phòng có phong trào thu mua sắt phế liệu để bán xuất khẩu qua đường biển.
Khu bãi rác Thượng Lý bởi thế trở thành một đầu mối thu mua lớn do ở đây có mặt bằng rộng và có nhiều người sống bằng nghề nhặt sắt vụn đem bán. Phạm Văn Quang thấy cơ hội làm ăn cũng nhảy ra làm chủ thầu.
Để thu trọn mối làm ăn về tay mình, Quang “tơn” cho gọi đàn em lập một “trạm ba-ri-e” ngay cổng vào bãi rác, canh gác ngày đêm và đề ra “luật” mới: những người mang sắt vụn đến bán hàng tháng phải nộp “tiền luật” cho Quang ít nhất 50 nghìn đồng (thời điểm năm 1997) và phải bán sắt vụn cho y theo giá định sẵn.
Nếu ai cả gan chống lệnh, Quang sẽ cho đàn em đánh gây thương tích để dằn mặt và “tịch thu” luôn hàng.
Với cách thức này, suốt từ năm 1995 đến năm 1997, Quang “tơn” và đồng bọn đã gây ra hàng chục vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản riêng công dân cùng hàng loạt vụ cố ý gây thương tích cho rất nhiều người dân lương thiện quanh vùng.
Không thể bọn Quang “tơn” mãi hoành hành, phá hoại cuộc sống bình yên và công việc lao động lương thiện hàng ngày, một số người dân đã dũng cảm tố cáo tội lỗi của Quang “tơn” và đồng bọn đến cơ quan công an.
Ngay lập tức, các trinh sát Đội Cảnh sát đặc nhiệm H88 - Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã vào cuộc…
(còn nữa)