Trên Biển Đen, một tam giác liên minh chế ngự Nga đã hình thành

Đức Huy |

Ba nước giáp Biển Đen đã có dấu hiệu "quy về một mối" kiểm soát ảnh hưởng của Nga, tác giả Lily Bayer phân tích trong bài viết đăng trên tạp chí Tương lai Địa chính trị hôm 20/5.

Nhiều nhà phân tích đã dự liệu rằng, với vị trí địa lý bị kẹp giữa lãnh địa hai thế lực của châu Âu là Nga và Đức, các nước ở khu vực giữa Biển Baltic và Biển Đen, hay còn được biết đến với cái tên các nước Intermarium, sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lập ra một liên minh để bảo vệ mình.

Trong lịch sử, Intermarium là nơi rất nhiều các thế lực hùng mạnh đã tranh giành ảnh hưởng, và đây đã trở thành trận địa của giao tranh giữa các đế chế Ottoman, Habsburg, hay Nga, rồi sau đó là Nga-Đức ở Thế chiến II, và phương Đông-phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Nay, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một liên minh tại Biển Đen đa được hình thành, với mục tiêu hợp tác để chế ngự một "đế chế" thời hiện đại: Nga.

Thành viên thứ nhất của liên minh này không ai khác chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ với Nga phía bắc đổ vỡ từ sau vụ Su-24 cùng tình hình phức tạp tại Syria ở nam, đã khiến Ankara nhận ra họ cân nghiêng về phía Mỹ cũng như các đồng minh Đông Âu như Romania hay Ba Lan nhiều hơn.   

Bắt tay cùng Thổ Nhĩ Kỳ trong tam giác liên minh nói trên sẽ là các đồng minh phía đông: Gruzia và Azerbaijan.

Với Gruzia, việc gia nhập một liên minh Biển Đen với các thành viên không ưa gì Nga như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Bulgaria, cũng không có gì ngạc nhiên, bởi vị trí địa lý ở mép phía đông Biển Đen và giáp với Nga ở phía bắc của quốc gia này. 

Tbilisi từng giao tranh với Nga năm 2008, và giờ gần như không còn hi vọng nào lấy về hai khu vực ly khai thân Nga là Nam Ossetia và Abkhazia. Vị trí địa lý vô cùng nhạy cảm của Gruzia cũng không cho phép nước này gia nhập NATO hay EU. Do đó việc Tbilisi bắt tay với Ankara là chuyện hết sức dễ hiểu.

Tương tự như Gruzia, Azerbaijan cũng có một khu vực ly khai, Nagorno-Karabakh. Phía bắc giáp Nga, phía tây giáp Gruzia và kẻ thù "không đội trời chung" Armenia, phía nam giáp Iran, và phía đông giáp biển Caspi, có thể thấy vị trí địa lý của Azerbaijan mang tính chiến lược rất cao.

Trên Biển Đen, một tam giác liên minh chế ngự Nga đã hình thành - Ảnh 1.

 Vị trí địa lý của Azerbaijan có tính chiến lược cao

 Chính sách đối ngoại của nước này cũng vì thế mà tương đối phức tạp. 

Với nguồn lợi từ dầu mỏ tạo cú hích cho nền kinh tế, Azerbaijan đã tận dụng được tài nguyên năng lượng của mình để chuyển hóa thành các mối quan hệ chính trị và quốc phòng, với nhiều đối tác từ Washingtin tới Moscow, từ Ankara tới Jerusalem.

Dù biết Nga "chống lưng" cho Armenia, xong chính phủ Baku vẫn giữ quan hệ tốt với Moscow, bởi Nga đang là nguồn nhập khẩu vũ khí chủ đạo của Azerbaijan. 

Ankara từ lâu vẫn có quan hệ tốt với Baku, và quân đội hai nước cùng với Gruzia đã tập trận chung kể từ năm 2012. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại, 3 vấn đề đã nảy sinh, ảnh hưởng và thay đổi ưu tiên của những nước trong liên minh mới này.

Trên Biển Đen, một tam giác liên minh chế ngự Nga đã hình thành - Ảnh 2.

 Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan tập trận chung. Ảnh: report.az

 Thời thế thay đổi, tạo nhu cầu lập liên minh

Thứ nhất, Nga sáp nhập Crimea cũng như giao tranh tại miền Đông Ukraine đã tạo những cơn địa chấn trong khu vực. Thứ hai là mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, những diễn biến tại Ukraine đã khiến Ankara lo ngại về sự hung hăng của Nga trên Biển Đen. Ngoài ra, sự hiện diện của IS cũng đe dọa những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Trong khi đó, tại Azerbaijan, giá dầu giảm đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng tiêu cực tới giới cầm quyền Baku. Còn với Gruzia, họ vẫn nhìn Nga bằng ánh mắt sợ sệt, đồng thời tiếp tục nuôi hi vọng vào những động thái tăng cường năng lực phòng thủ của NATO ở phía đông.

Những yếu tố nói trên đã tạo ra một bối cảnh mới, thúc đẩy các bên tiến tới hình thành một liên minh Thổ-Azerbaijan-Gruzia. Thổ Nhĩ Kỳ cần thêm đồng minh trên mặt trận chính trị chống Nga, Azerbaijan từ khi dầu giảm đã không còn đủ "quyền mặc cả" để kéo các thế lực về bảo vệ mình, còn Gruzia thì gần như cứ bắt tay được với nước nào không ưa gì Nga là họ sẽ gật đầu ngay..  

Một số động thái rõ nét về hoạt động của tam giác liên minh này cũng đã xuất hiện.

Kể từ tháng 8/2014, bộ trưởng Quốc phòng hai nước Azerbaijan và Gruzia đã hội đàm đều đặn 2 năm một lần để thảo luận hợp tác. Hôm 15/5 vừa qua, một hội nghị thượng đỉnh giữa đại diện Thổ-Azerbaijan-Gruzia đã diễn ra, trong đó 3 nước nhất trí sẽ tập trận chung tại Georgia vào năm 2017.

Ngoài ra, Gruzia còn tạo điều kiện cho Azerbaijan cho binh sĩ tới tham gia các khóa đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Đánh giá Năng lực (JTEC) NATO-Gruzia. 

Đáng nói ở chỗ, dù trên lý thuyết liên minh chỉ có 3 thành viên, song do quan hệ của các nước, nhiều khả năng hoạt động của họ sẽ còn "vươn" sang cả hợp tác chặt chẽ với NATO.

Với tình hình hiện tại, tam giác liên minh Thổ-Azerbaijan-Gruzia sẽ là bản lề cho những khối liên minh khác với mục đích tương tự: chống Nga, thân phương Tây. 

Ví dụ? Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã kí một hiệp ước hợp tác quân sự. Romania, Ba Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận tiến tới kí kết tăng cường hợp tác. Cùng lúc đó, Mỹ và NATO đang trong quá trình tăng cường hiện diện tại Baltic và Trung Âu.

Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có nhắc đến viễn cảnh Biển Đen trở thành "ao làng" của Nga. Song với sự xuất hiện của những liên minh nói trên, đó nhiều khả năng chỉ là lời kêu gọi của ông Erdogan hơn là một sự lo ngại thực sự.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại