Bố mẹ của Minh Minh thường tan làm muộn, về đến nhà đã là 7 giờ tối. Sau khi cả nhà ăn cơm xong, đợi con trai làm bài tập đến 9 giờ tối, cả nhà cùng ngồi xem tivi hoặc ra ngoài chơi đùa. Chính vì thế, họ cũng thường đi ngủ vào lúc 11.30 hoặc 12 giờ đêm.
Vẫn biết trẻ con ngủ muộn là không tốt nhưng bố mẹ Minh Minh chỉ có thể dành thời gian để tiếp xúc với con vào thời điểm đó. Điều này dần trở thành thói quen cố định.
Cho đến khi Minh Minh vào cấp 2, trong buổi khai giảng, bố mẹ của cậu mới hốt hoảng nhận ra, con mình thấp bé, trông yếu ớt hơn rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cậu phải đứng ở hàng đầu tiên, trông “lọt thỏm” so với mọi người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiết hormone tăng trưởng đạt đỉnh điểm vào khoảng thời gian từ 21h tới 1h sáng và từ 5h-7h sáng. Trong thời gian ngủ, các cơ quan cũng không ngừng tự hồi phục và phát triển. Nếu trẻ không ngủ sâu ở thời điểm này, hormone tăng trưởng sẽ không được tiết ra, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, trí não của trẻ.
Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, trẻ ngủ không đủ giấc sẽ khó tập trung và phản ứng chậm chạp trong quá trình học và chơi. Đồng thời, trẻ cũng sẽ bị suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, dễ bị ốm hơn.
Khác biệt giữa trẻ đi ngủ sớm và trẻ thức khuya
1. Ngủ sớm sẽ hình thành thói quen ngủ tốt hơn
Không ít cha mẹ cho rằng, trẻ thức chơi càng lâu thì thể lực tiêu hao càng nhiều. Khi đó, trẻ sẽ dễ ngủ say hơn so với bình thường.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chứng minh: Trẻ ngủ càng muộn thì thời gian để sẵn sàng đi vào giấc ngủ càng lâu. Trong khi đó, những đứa trẻ ngủ trước 9 giờ tối thường dễ quen giấc hơn, đến giờ là có thể ngủ ngay. Trẻ cũng ít trằn trọc và ngủ sâu hơn.
2. Ngủ sớm tốt cho cả chiều cao và trí não
Trong các giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ, hormone tăng trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng và chỉ xuất hiện khi trẻ đã ngủ. Do đó, trẻ ngủ càng sớm thì sẽ càng đảm bảo hormone này có thể sản xuất đầy đủ, góp phần vào quá trình thúc đẩy chiều cao, trí não của trẻ.
3. Ngủ đủ giấc sẽ khỏe mạnh, năng động hơn
Theo Parents, trẻ sẽ được tăng cường khả năng học hỏi, tiếp thu, hoạt động khi có giấc ngủ chất lượng. Điều này giúp trẻ được phát triển toàn diện, khỏe mạnh hơn, tránh xa khỏi nguy cơ mắc một số bệnh tưởng như không liên quan như thừa cân, béo phì hay Alzheimer…
Trong khi đó, những trẻ hay thức khuya sẽ dễ bị mắc cảm lạnh và bệnh vặt thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do trong giấc ngủ sâu, cơ thể sản xuất ra nhiều chất khác nhau, trong đó có protein cytokine, chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật.
Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến số lượng cytokine thì sức đề kháng của hệ miễn dịch sẽ suy giảm, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và cảm lạnh. Cha mẹ nên đảm bảo thời gian ngủ cho trẻ để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, có thể thúc đẩy sửa chữa và tái tạo các hệ thống khác nhau trong cơ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
4. Trẻ thức khuya gây hại cho tim
Đối với người lớn, thiếu ngủ có thể khiến chúng ta thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và nóng nảy. Trẻ nhỏ cũng chịu tác động không kém khi không ngủ đủ giấc trong một thời gian dài. Các bé sẽ bị căng thẳng quá mức, càng cảm thấy phấn khích, khó chịu.
Khi thay đổi tâm trạng quá mức, tình trạng này sẽ làm tăng huyết áp, tăng tốc nhịp tim và nhịp thở, và tạo thành nguy cơ mắc bệnh về tim mạch nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
5. Tăng nguy cơ béo phì khi trẻ thức khuya
Các tế bào mỡ sẽ sản sinh ra leptin khi bạn ăn quá nhiều, có tác dụng báo hiệu não ngừng ăn. Tuy nhiên, cơ thể thiếu ngủ sẽ làm tăng ghrelin, gây ức chế leptin, do đó trẻ hễ ngủ không đủ giấc là có thể gây ra béo phì.
Đồng thời, trong khi trẻ ngủ sớm có đủ năng lượng và sự tỉnh táo để hoạt động, vui chơi, tập thể dục cả ngày thì trẻ thiếu nghỉ ngơi sẽ luôn mệt mỏi, lười vận động. Điều này càng gia tăng nguy cơ thừa cân, khiến cơ thể ngày càng trở nên không khỏe mạnh, ốm yếu, chậm lớn và bệnh tật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có thể thấy, thói quen ngủ sớm không chỉ giúp não hoạt động nhanh hơn và tăng cường trí nhớ, mà còn tác động nhiều tới sức khỏe thể chất. Tác hại của việc ngủ muộn đối với trẻ là rất lớn. Do đó, cha mẹ cần phải xây dựng cho trẻ thói quen ngủ sớm, dậy sớm.
Để trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn, cha mẹ nên chuẩn bị một môi trường yên tĩnh và thoải mái. Có thể bật đèn ngủ có ánh sáng dịu nhẹ hoặc tắt hoàn toàn, không gian thoáng đãng, tránh bí bách, nóng nực, cản trở quá trình trẻ đi vào giấc ngủ.
Đặc biệt, không nên để con sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại di động hoặc máy tính trước khi đi ngủ vì sẽ gây hưng phấn não. Như vậy, trẻ vừa dễ nghiện, hình thành thói quen xấu, lại vừa ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
*Theo Sina, 163